Mảnh đất Hanh Cát Hanh Cù (Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) - nơi có ngôi nhà tranh vách nứa 3 gian của mẹ Tơm gần 80 năm trước đã nuôi giấu cán bộ; nơi in tài liệu, in báo "đuổi giặc nước" và truyền đơn.
Mái nhà rơm - căn cứ cách mạng bí mật
Chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Xuân Thu (cháu đích tôn của mẹ Tơm), người đã sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà mà mẹ Tơm nuôi giấu cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945. Dù hàng chục năm đã trôi qua, nhưng ông Thu vẫn nguyên vẹn những ký ức về bà nội - một hình tượng người mẹ Việt Nam cao cả trong chiến tranh.
Ông Vũ Xuân Thu, cháu đích tôn của mẹ Tơm - người đã sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà mà mẹ Tơm nuôi giấu cán bộ thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945.
Theo lời kể của ông Thu, mẹ Tơm tên thật là Nguyễn Thị Quyển (SN 1880), tại vùng Hanh Cát Hanh Cù thuộc Tổng Sen Cừ, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 gọi là xã Vạn Lộc (nay là xã Đa Lộc) huyện Hậu Lộc.
Bà lấy chồng cùng quê là ông Vũ Văn Sởn. Hai ông bà sinh được 2 người con trai và 2 người con gái. "Hai con trai của bà tôi là bố tôi và chú tôi. Cả hai làm nghề cắt tóc dạo và hoạt động cách mạng, móc nối với các tổ chức, xây dựng cơ sở. Dưới đáy hộp đồ nghề của bố và chú đều cất giấu báo và truyền đơn, khi có điều kiện thì phát cho bà con", ông Thu cho biết.
Căn nhà lá của gia đình mẹ Tơm nuôi giấu cán bộ cách mạng được tái hiện qua bức tranh.
Năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa từ chiến khu du kích Ngọc Trạo (huyện Thạch Thành) chuyển về Nga Sơn củng cố tổ chức và in báo "Đuổi giặc nước". Thấy hơi hướng của Việt Minh, mật thám và quan lại truy lùng ráo riết. Tình thế nguy cấp, cuối năm đó tổ chức phải chuyển sang Hậu Lộc tiếp tục hoạt động.
Ông Nguyễn Xuân Thu kể lại: "Trong một lần cán bộ của ta đóng vai người đi buôn luồng đã gặp bố tôi và chú tôi đang đi cắt tóc dạo. Họ xin hai ông được về nhà trọ mấy hôm. Từ đó, ngôi nhà tranh vách nứa ba gian trên cồn cát ven biển hoang vắng của bà tôi trở thành căn cứ cách mạng. Căn buồng được dành riêng cho các bác hội họp bàn kế hoạch chiến đấu với địch, viết truyền đơn tuyên truyền cách mạng".
Những kỷ vật là hộp đựng đồ nghề cắt tóc và hũ sành đựng gạo và tiền của gần 80 năm trước vẫn còn được lưu giữ.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa lâm thời bấy giờ là ông Lê Tất Đắc, sau đó là ông Tố Hữu. Ở nhà mẹ Tơm còn có các ông: Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình... Từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1944, ngôi nhà lá 3 gian của gia đình mẹ Tơm trở thành nơi nuôi giấu cán bộ; nơi in tài liệu, truyền đơn và báo "Đuổi giặc nước"; đồng thời là nơi cất giấu nhiều tài liệu bí mật của Đảng.
"Tờ báo "Đuổi giặc nước" do Tố Hữu làm chủ bút in bằng li tô xuất bản số đầu tiên ở gia đình chúng tôi. Những lá truyền đơn được viết lên hòn đá bằng chữ ngược chiều, sau đó đắp tờ giấy vào lấy con lăn đi lăn lại cho hiện chữ lên. Sau khi cơ sở ổn định đón thêm các đồng chí khác: Hoàng Xung Phong, Đặng Hỷ, Đinh Chương Lân, Trần Quyết Thắng…", cháu đích tôn của mẹ Tơm nhớ lại.
Cả nhà làm cách mạng, nuôi cán bộ
Ông Thu cho biết, cả bố và chú đều đi cắt tóc dạo khắp các nơi để có tiền mua gạo và dùng tráp đựng đồ nghề cắt tóc để giấu tài liệu. Hai người vừa cắt tóc vừa tuyên truyền chống bọn cường hào ác bá ở nông thôn, kêu gọi những người yêu nước chống lại kẻ thù.
Ông Vũ Xuân Thu ôn lại những kỷ niệm qua hồi ký của nhà thơ Tố Hữu.
Còn bà tôi cứ chiều chiều đi bộ lên chợ Diêm Phố (Ngư Lộc, Hậu Lộc) gánh một bên rau, bên củi đi bán. Bà cũng dành dụm tiền bán rau, bán củi để mua gạo cho cán bộ và cũng là thời cơ để bà ngụy trang cất giấu tài liệu, truyền đơn. Truyền đơn khi đó có nội dung: Đuổi giặc nước, chống sưu cao thuế nặng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa.
"Tôi nhớ vào khoảng năm 1951, trên đường ra Hà Nội công tác, ông Lê Tất Đắc, đã về thăm lại bà. Thời điểm đó, ông tôi đã mất. Khi tôi cùng bà chăn bò ở rừng cây phi lao bên bãi cát thì ông Đắc chạy lại ôm chầm lấy bà như một người con sau bao ngày xa cách nay được gặp lại.
Thấy người bà còm cõi, vẫn bộ quần áo nâu vá víu, ông thương lắm. Ông Đắc lấy từ trong ba lô mấy mét vải lụa biếu bà may quần áo. Đêm hôm đó, ông Đắc cùng người cận vệ về nhà tôi ngủ lại. Mọi người tâm sự đến 4h sáng thì bác tôi tiễn chân ông Đắc qua đò sang Nga Sơn (Thanh Hóa) để đi ra Hà Nội", ông Thu nhớ lại.
Số tiền cắt tóc, bán rau, bán củi, bán rổ rá được mẹ Tơm gom góp, dành dụm vào hai cái hũ sành, một hũ đựng gạo và một hũ đựng tiền. Mỗi ngày Mẹ chắt chiu một chút, số gạo tiền này được dành nuôi cán bộ những ngày mưa bão, ốm đau.
Đầu năm 1944, cơ sở cách mạng nhà mẹ Tơm bị bại lộ do có nội phản. Qua một đêm không nhận được liên lạc, dấu hiệu cho biết đã bị lộ, ngay lập tức tổ chức giải tán sang Hoằng Hóa, Nga Sơn.
Địch cho quân về bắt bớ, lùng sục, tra tấn, đánh đập cả nhà mẹ Tơm nhưng không ai khai nửa lời. Bố và chú của ông Thu bị địch bắt giam cầm 2 năm trời tại nhà tù thị xã Thanh Hóa.
Hòa bình lập lại, đất nước chuẩn bị ngày quốc khánh thì ông Vũ Văn Sởn qua đời trong một cơn bạo bệnh ở tuổi 61; đến đầu năm 1953, mẹ Tơm cũng theo chồng.
Ngôi nhà lá của gia đình mẹ Tơm đã được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng lại và công nhận là khu di tích lịch sử cách mạng.
19 năm sau, vào tháng 7/1961, nhà thơ Tố Hữu mới có dịp về thăm lại Hanh Cát Hanh Cù. Ra thắp hương cho ông bà, nhà thơ đã viết bài thơ "Mẹ Tơm" như một nén tâm nhang để tưởng nhớ ơn gia đình đã cưu mang cán bộ cách mạng trong những tháng năm cực kỳ gian khổ.
Cho đến bây giờ, bộ tông đơ cắt tóc dạo ngày ấy, những hũ sành, hòm đựng tiền, gạo, quần áo và tư liệu của bộ đội vẫn được lưu giữ trong căn nhà lưu niệm của mẹ Tơm.
Ngôi nhà lá của gia đình mẹ Tơm đã được tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng lại và công nhận là khu di tích lịch sử cách mạng, lưu lại những kỷ vật trong những năm tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng. Mẹ Tơm cũng được tặng Kỷ niệm chương Tổ Quốc ghi công và bằng gia đình có công với nước.
Bình Minh