Tuấn quyết định viết đơn tình nguyện vào huyện vùng cao biên giới Minh Hóa (Quảng Bình) làm bác sĩ, bỏ lại cuộc sống sung túc của một cậu quý tử con nhà giàu ở Hà Nội.
Ở bệnh viện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình), bác sĩ Tuấn có biệt danh là "chú chân dài", như nhân vật bác sĩ Ahn Jong-won trong bộ phim đình đám Hàn Quốc Hospital Playlist: Họ đều có xuất thân giàu có, nhưng trong túi luôn không có tiền, luôn đi ăn chực bạn bè từng bữa vì bao nhiêu tiền lương kiếm được hàng tháng cả hai đều dành để giúp đỡ các bệnh nhân nghèo - cho họ thêm một cơ hội để sống. Cậu bác sĩ ấy nguyện dùng cuộc đời để yêu thương như lời dạy của người bố đã khuất. Cậu đang là một trong những bác sĩ tình nguyện vào TPHCM chống dịch.
Ngày quyết định viết đơn tình nguyện vào huyện vùng cao biên giới Minh Hóa (Quảng Bình) làm bác sĩ, bỏ lại cuộc sống sung túc của một cậu quý tử con nhà giàu ở Hà Nội, bỏ cả cơ hội đi du học nước ngoài, bác sĩ Dương Minh Tuấn nói với mẹ: "Con muốn được sống một cuộc đời nhiều tình thương như bố đã từng".
Ngày viết đơn tình nguyện vào TPHCM để tham gia chống dịch, Tuấn lại an ủi mẹ với nụ cười bông phèng thường trực trên môi: "Ở trên thiên đường, bố sẽ che chở cho con. Nhưng người béo phì như con dễ bị biến chứng nếu nhiễm bệnh. Dù con có sao thì đó là sứ mạng của nghề nghiệp mà con theo đuổi".
Đã một năm rưỡi kể từ khi Tuấn về Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, mọi người đã quen với việc, rất nhiều bệnh nhân không có tiền phẫu thuật được giới thiệu đến gặp bác sĩ Tuấn. Bởi vì đã rất nhiều lần, Tuấn - bằng cách này hay cách khác, dù là dùng tiền lương của mình, dù là xin người mẹ đại gia của mình, hay dù kêu gọi bạn bè trên mạng xã hội... đều cố tìm cách mang tặng những người bệnh ấy những phép màu nho nhỏ để giữ họ lại với cuộc đời.
Lần đầu tiên tôi gặp Tuấn - một năm rưỡi trước là lúc cậu bắt đầu làm việc ở Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa được 51 ngày. Tuấn là con nhà giàu, là KOL nổi tiếng trên mạng xã hội thế mà tự nguyện xin về một huyện nghèo ở biên giới Quảng Bình để làm việc.
Khi ấy tôi nói - tôi không có cách nào lý giải được lựa chọn của bạn, vì trong tưởng tượng của tôi, một "rich-kid" Hà Nội (những bạn trẻ nhà giàu/giàu có), nhà mặt phố Trúc Bạch, bố mẹ là doanh nhân, tốt nghiệp một trường đại học danh giá và có một nghề nghiệp danh giá, sẽ không hành động như Tuấn - tình nguyện làm bác sĩ vùng biên suốt 3 năm liền.
Ai mà biết được 3 năm đó là bao nhiêu vất vả, bao nhiêu cơ hội của tuổi trẻ mà Tuấn sẽ bỏ lỡ nếu ở lại Hà Nội. Ai mà biết được những khó khăn, thiếu thốn và đời sống vắng lặng ở phố huyện vùng biên sẽ làm cậu thanh niên thành phố ân hận về lựa chọn của mình.
Nhưng Tuấn bình thản nói: "Em nhớ ngày đưa tang bố, đoàn người tiễn đưa dài tắp. Trong đó có những người mà bố em đã từng cưu mang, nhưng cũng có những người đã từng phản bội ông khi còn sống, nhưng vẫn được ông tình nguyện giúp đỡ lúc ngặt nghèo. Tất cả họ đều khóc. Em chỉ muốn được sống một cuộc đời như bố em đã từng… nên sẽ không hối hận".
Bố Tuấn qua đời vì một cơn đau tim đột ngột vào ngày mùng 6 Tết năm 2015, chỉ một ngày trước sinh nhật mẹ Tuấn và chỉ vài tháng trước khi cậu tốt nghiệp Đại học Y. Điều cuối cùng mà hai bố con nói với nhau là lời hẹn cùng đi nghe nhạc ngày hôm sau. Nhưng cuộc hẹn đó đã không bao giờ xảy ra. 6 năm sau ngày bố mất, không tháng nào mà trên facebook của mình, Tuấn không nhắc về ông.
Khi còn sống, bố Tuấn là chủ doanh nghiệp thành đạt, người luôn dành 50% lợi nhuận mỗi năm để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn; giữa thời mà nhiều người chọn tiền bạc làm lẽ sống, ông dạy con trai "hãy dùng cuộc đời để yêu thương".
Vì lời dạy ấy, nên khi Bộ Y tế phát động "Chương trình đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo", Tuấn đã quyết định nộp đơn lên đường.
Vì học bố, nên lẽ ra có thể chọn đi học nước ngoài như em trai mình để có một tương lai sáng lạn, hoặc ở lại trong căn nhà tiện nghi ven hồ Trúc Bạch, thì Tuấn vui vẻ với căn phòng 15 m2 tuềnh toàng ngay sát biên giới Việt - Lào, ngày ngày chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo người dân tộc mà hầu hết thời gian, Tuấn không hiểu họ nói gì.
Mặc kệ ai nghi ngờ, mặc kệ ai thắc mắc, Tuấn vẫn vững tin: "Nếu còn sống, bố nhất định sẽ ủng hộ em. Bố đã sinh ra em là một người lãng mạn và dạy em lấy tình thương làm lẽ sống, nên nếu cả thế gian này đã lựa chọn sống thực tế, thì hãy để em làm người lãng mạn và được làm những điều điên rồ".
4 tháng sau khi vào Minh Hóa, Tuấn nhắn cho tôi: "Chị ơi, tình yêu 3 năm của em đã tan vỡ rồi, vì người yêu em không chấp nhận lựa chọn của em, cũng không thể chờ đợi".
Bỏ lại sau lưng nỗi buồn, Tuấn chọn cách vui vẻ sống với cuộc sống của một bác sĩ vùng biên, với rất nhiều trải nghiệm mà một rich-kid ở Thủ đô chưa bao giờ hình dung được.
Ở vùng biên, lần đầu tiên một bác sĩ chuyên khoa nội hô hấp như Tuấn phải lo từ A-Z trong ca trực của mình, kể cả là tham gia đỡ đẻ cho sản phụ.
Ở vùng biên, lần đầu tiên Tuấn biết hóa ra có những bệnh nhân của mình nghèo đến mức đến cái quan tài ít tiền để mai táng sau khi mất cũng không thể có.
Khi còn làm ở Bệnh viện Bạch Mai, lương bác sĩ của Tuấn được 3 triệu đồng. Lúc vào Minh Hóa - Quảng Bình, cả lương và trợ cấp đặc biệt của Tuấn được 10 triệu.
Nhưng 10 triệu ấy, Tuấn hầu như không tiêu đến: "Khi nào hết ca trực, em nhận dịch tài liệu tiếng Anh cho một người đồng nghiệp ở Hà Nội và dùng số tiền đó để sinh hoạt hàng ngày. Còn tiền lương của mình, em dành để đến lúc có bệnh nhân khó khăn cần giúp đỡ, em sẽ giúp được họ".
Bây giờ, rất nhiều bệnh nhân không có tiền nộp viện phí được mọi người chỉ đi gặp bác sĩ Tuấn. Lương bác sĩ thì ít, người cần giúp thì nhiều, lúc không thể xoay sở được, Tuấn sẽ nhắn tin xin mẹ hoặc kêu gọi bạn bè ủng hộ trên trang facebook có gần 100.000 người theo dõi.
Nhờ sự giúp đỡ ấy, có bà mẹ đơn thân nuôi 3 con nhỏ đã đủ tiền ra Hà Nội mổ tim, có bệnh nhân nghèo chết mà chưa có quan tài để chôn đã được Tuấn đi bộ vào tận bản để gửi tiền giúp gia đình ma chay.
Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa có hơn 100 y bác sĩ và cán bộ công nhân viên. Nếu có tháng nào, Tuấn "ăn chực" xoay vòng ở nhà các đồng nghiệp - thì ai cũng hiểu tháng đó Tuấn đã trót giúp người quá tay. Biệt danh "chú chân dài" cũng từ đó mà ra.
Tuấn tự miêu tả mình là người "tham ăn, nói nhiều và hài hước". Ở Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa, Tuấn trò chuyện với tất cả các bệnh nhân của mình, thuộc lòng từ tên tuổi đến hoàn cảnh gia đình của họ, pha trò cho họ khi bi quan vì bệnh tật, mà đôi khi để làm được việc đó, Tuấn không ngại ngần xin xỏ ăn cùng một suất cơm với bệnh nhân.
Tuần đầu đến Bệnh viện Minh Hóa, còn nhiều người e dè, nghi ngờ một cậu thanh niên Thủ đô sẽ thích nghi thế nào với một bệnh viện nghèo. Nhưng bây giờ, không còn ai ở Minh Hóa - dù là bác sĩ hay bệnh nhân - nhớ đến việc Tuấn là "bác sĩ người thành phố".
Hơn một năm ở vùng biên, Tuấn chưa có tình yêu mới sau lần tan vỡ ấy, nhưng Tuấn đã có một "bệnh nhân thân thiết", dù bệnh nặng đến mấy cũng khăng khăng không chuyển viện và không phải bác sĩ Tuấn khám bệnh thì không được - mà không hề bận tâm chuyên ngành của Tuấn là gì.
Tuấn bảo: "Bây giờ em có cả bố mẹ nuôi ở Minh Hóa. Có một bác gái người dân tộc bị bục dạ dày nhưng vì nghe lời các hội nhóm mà không chịu phẫu thuật, cả gia đình không ai thuyết phục được, nhưng cuối cùng em tỉ tê khuyên nhủ lại nghe. Đến lúc ra đến bệnh viện Hà Nội, bác sĩ ca mổ ở đó nói chỉ chậm 2 tiếng nữa thôi là chết rồi. Nên sau đó em thành con nuôi của bác".
Thật tình cờ, sau hơn một năm rưỡi kể từ cuộc gặp đầu tiên ở Hà Nội, tôi và Tuấn lại gặp nhau ở Sài Gòn, trong một Bệnh viện dã chiến ở Quận 10.
Lần này vào Sài Gòn, Tuấn không đi với tư cách là "bác sĩ người Thủ đô", mà với tư cách một bác sĩ vùng biên tình nguyện vào giúp thành phố chống dịch.
Chúng tôi bật cười vì ở lần gặp trước, tôi chỉ lo Tuấn sẽ hối hận với lựa chọn "khác thường" của mình, vậy mà lần gặp này, Tuấn đã đi được một nửa quãng đường 3 năm ấy - hoàn toàn vui vẻ, mãn nguyện, tự hào.
Ngày Tuấn lên đường, nhiều người ở Bệnh viện Minh Hóa ra tiễn, vừa ôm vừa khóc, vừa dặn Tuấn nhất định phải bình yên trở về. Biết Tuấn vào Sài Gòn chống dịch, một số bệnh nhân ở Minh Hóa góp tiền, gửi vào số tài khoản của cậu 5 triệu với lời nhắn nhủ: "Chống dịch vất vả phải ăn nhiều. Bác sĩ Tuấn béo như thế, nhớ dùng tiền này để mua cơm nhé".
Người ta hay lên án về nạn phong bì bệnh viện, nhưng có lẽ không có cái "phong bì" nào ngọt ngào và ấm áp như "phong bì" 5 triệu này.
Cậu thanh niên thành phố đã thực sự được vùng biên đón nhận!
Bệnh viện mà Tuấn đang làm tình nguyện ở Quận 10, đã có y bác sĩ bị phơi nhiễm Covid-19. Mỗi ngày, Tuấn đều phải làm việc 12 tiếng trong bộ đồ bảo hộ khắc nghiệt, vừa lo cho bệnh nhân, vừa tắm rửa, dọn vệ sinh, đổ bô cho bệnh nhân. Nhưng Tuấn vẫn vui vẻ và tràn đầy năng lượng: "Vất vả thế này mà em tăng cân đấy, vì có quá nhiều người yêu quý em trên facebook gửi đồ ăn đến đây cho mỗi ngày".
Hôm nay, khi có một bác sĩ vừa qua đời vì nhiễm Covid-19, tôi hỏi Tuấn có sợ hãi không. Tuấn bảo: "Nếu có thời khắc nào em sợ hãi thì là giây phút nhận kết quả xét nghiệm PCR mỗi tuần một lần. Nhưng sau đó, bận bịu lại khiến em quên đi nỗi sợ ấy. Ngày nào dù mệt đến mấy, em cũng phải viết facebook, phải tươi cười, phải lạc quan, vì nếu không thấy em viết facebook, mẹ em sẽ nghĩ em bị nhiễm Covid-19 rồi".
Tuấn kể, bây giờ, trong các cuộc trò chuyện mỗi ngày, mẹ con thi thoảng sẽ nói với nhau về cái chết. Bố Tuấn đã mất, em trai ở nước ngoài, mẹ ở Hà Nội, còn cậu ở TPHCM. Nếu bất cứ ai trong gia đình có chuyện gì thì những người còn lại cũng không có cách nào có thể bay về.
"Dù trăm nghìn lần không hy vọng điều đó xảy ra, gia đình em vẫn mong được chia sẻ với nhau về nguyện vọng của mình. Mẹ em bảo, nếu mẹ có chuyện gì không may, thì mẹ không thích hỏa táng. Còn em nói với mẹ: Con bị thừa cân, nên nếu mắc Covid-19 sẽ dễ bị biến chứng lắm. Nếu có chuyện gì thì đó cũng là sứ mạng của nghề nghiệp mà con theo đuổi. Mỗi chúng ta đều phải học cách cố gắng và học cả cách hy sinh vì người khác trong đại dịch".
Trao đổi với Dân trí chiều 23/8, bác sĩ Đỗ Thanh Bình - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, bác sĩ Dương Minh Tuấn về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa theo đề án của Bộ Y tế, tăng cường bác sĩ trẻ về cho các bệnh viện tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa đến nay cũng đã được gần 2 năm, công tác ở Chuyên khoa I Nội.
Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa có 4 cán bộ, nhân viên đăng ký tình nguyện tham gia phòng, chống dịch tại TPHCM, tuy nhiên trong đợt vừa rồi, Sở Y tế Quảng Bình mới điều động và cử bác sĩ Tuấn tham gia vào đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Bình chi viện cho TPHCM.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa chia sẻ rằng bác sĩ Tuấn ngoài là người có nghiệp vụ chuyên môn tốt còn là cán bộ hoạt động phong trào đoàn hết sức năng nổ và có lòng nhân ái.
Trong thời gian công tác tại Minh Hóa, bác sĩ Tuấn đã có nhiều hoạt động kêu gọi, giúp đỡ cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là dùng tiền lương để giúp đỡ bệnh nhân nghèo nên được mọi người rất yêu quý, lãnh đạo bệnh viện cũng hết sức ghi nhận trước những việc làm của bác sĩ Tuấn.
Đặng Tài
Nội dung: Tô Lan Hương
Photo: Hải Long - Tuấn Mark
Thiết kế: Khương Hiền