Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và hàng nghìn người dân đã tham dự buổi lễ quy mô lớn kỷ niệm 68 năm ngày ký Hiệp định đình chiến, bất chấp những khó khăn về kinh tế gần đây.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un phát biểu tại lễ kỷ niệm 68 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên (Ảnh: KCNA).
Ngày 27/7, hàng nghìn cựu chiến binh và người dân Triều Tiên đã tập trung tại thủ đô Bình Nhưỡng để tổ chức lễ kỷ niệm 68 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Những hình ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố cho thấy đông đảo người dân tập trung dự lễ kỷ niệm và dường như không cần đeo khẩu trang. Trong khi đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát mạnh tại nhiều nước khác, Triều Tiên cho đến nay vẫn tuyên bố chưa ghi nhận bất kỳ ca nhiễm và ca tử vong nào do dịch bệnh.
Màn bắn pháo hoa hoành tráng tại lễ kỷ niệm (Ảnh: KCNA).
Lễ kỷ niệm diễn ra với màn bắn pháo hoa hoành tráng tại Tượng đài Giải phóng, trước sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức cấp cao Triều Tiên. Ngày 26/7, ông Kim Jong-un đã tới thăm Nghĩa trang liệt sĩ chiến tranh giải phóng Tổ quốc ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên tổ chức lễ kỷ niệm trong bối cảnh nước này đang trải qua giai đoạn khó khăn về lương thực. Ông Kim Jong-un hồi tháng 6 thừa nhận Triều Tiên đang lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng do ảnh hưởng của thiên tai và đại dịch Covid-19.
Ông Kim Jong-un bắt tay các cựu chiến binh Triều Tiên tại lễ kỷ niệm (Ảnh: KCNA).
Thỏa thuận ngừng bắn giữa 2 miền Triều Tiên được ký vào ngày 27/7/1953. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do mới chỉ ký thỏa thuận ngừng bắn sau chiến tranh, thay vì hiệp ước hòa bình.
Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã rơi vào bế tắc trong thời gian qua, bất chấp nỗ lực "tan băng" của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tuy nhiên, trong một động thái được cho là tín hiệu tích cực, hai nước tuần này đã khôi phục lại các kênh liên lạc song phương.
Quang cảnh lễ kỷ niệm tại Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA).
Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã đóng kênh liên lạc này nhằm phản đối việc các nhà hoạt động bên phía Hàn Quốc thả bóng bay qua biên giới mang theo truyền đơn chống phá Triều Tiên.
Ngày 28/7, một ngày sau khi Triều Tiên khôi phục đường dây liên lạc liên Triều sau hơn 1 năm tạm ngừng, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hai bên đã gọi điện liên lạc hàng ngày. Phía Hàn Quốc cũng cho biết hai bên sẽ tiếp tục điện đàm thường xuyên.
Cả Hàn Quốc và Triều Tiên ngày 27/7 thông báo hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in đã trao đổi thư cá nhân nhiều lần kể từ tháng 4 và quyết định rằng, hai nước sẽ tiếp tục liên lạc qua các kênh đối thoại.
Ông Kim Jong-un vẫy tay chào các cựu chiến binh (Ảnh: KCNA).
Giới phân tích nhận định, việc Triều Tiên khôi phục đường dây nóng liên lạc liên Triều sẽ đóng vai trò tích cực vào việc cải thiện quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đi rất nhỏ trong việc làm ấm quan hệ liên Triều.
Văn phòng của Tổng thống Moon Jae-in cho biết hai nhà lãnh đạo nhất trí "khôi phục lòng tin lẫn nhau và phát triển lại mối quan hệ song phương càng sớm càng tốt".
Các cựu chiến binh dự lễ kỷ niệm (Ảnh: KCNA).
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang hướng đến việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc với hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ nhượng bộ khi đối thoại hạt nhân được nối lại. Các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã rơi vào bế tắc, dù cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử cách đây 2 năm.
Ông Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên dự lễ kỷ niệm (Ảnh: KCNA).
Thành Đạt
Theo Dailymail, Yonhap