Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết việc dừng các hoạt động sau 18h cơ bản sẽ không ảnh hưởng gì đến công tác tiêm vắc xin Covid-19 của thành phố.
Chiều 26/7, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo thông tin về công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 5 trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong ngày thứ 5 của đợt tiêm chủng.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã có 170.177 liều vắc xin Covid-19 được tiêm trong đợt này. Thành phố ghi nhận 189 trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết những trường hợp này xảy ra tại điểm tiêm ở bệnh viện.
Không ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, về cơ bản, việc tạm dừng các hoạt động sau 18h theo yêu cầu mới không gây ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19. Theo kế hoạch ban đầu, mỗi điểm tiêm sẽ bắt đầu hoạt động từ sáng đến 17h chiều.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo (Ảnh: Quang Huy).
"Trong một số trường hợp nhất định, người dân đến tiêm trễ, lực lượng y, bác sĩ sẵn sàng ở lại phục vụ. Tuy nhiên, theo yêu cầu mới của UBND thành phố, việc tiêm chủng phải dừng lại sau 17h để chuyển sang công đoạn tiếp theo", ông Dương Anh Đức thông tin.
Cụ thể, những người dân tiêm cuối cùng trong ngày lúc 17h sẽ được theo dõi sau tiêm trong vòng 30 phút, rồi họ về nhà. Sau khi ngừng tiêm, lực lượng y, bác sĩ sẽ thu hồi, dọn dẹp,
"Việc dừng các hoạt động sau 18h sẽ không ảnh hưởng đến lực lượng y, bác sĩ do họ là tuyến đầu chống dịch", Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Tốc độ tiêm tăng dần
"Từ ngày mai, tốc độ tiêm sẽ tăng dần, chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm đạt công suất đề ra ban đầu là 100.000 mũi/ngày. Thành phố hoàn toàn có thể tổ chức nhanh hơn, nhưng hiện nay, việc giữ an toàn, giảm ùn ứ tại những điểm tiêm là điều buộc phải làm", ông Dương Anh Đức thông tin.
Theo ông Đức, khâu tốn nhiều thời gian nhất là việc theo dõi phản ứng sau tiêm, đặc biệt với những trường hợp có bệnh lý nền hay người cao tuổi.
Công tác tiêm chủng với người cao tuổi, người có bệnh nền sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
"Với những người có bệnh nền, tốc độ tiêm rất khó tăng. Sau khi khám sàng lọc kỹ ban đầu, sau khi tiêm, họ cần theo dõi thêm 30 phút. Việc theo dõi sau tiêm đòi hỏi không gian rộng để đảm bảo giãn cách, khi khu vực này hết không gian, người tiêm sau chưa thể tiếp tục", Phó Chủ tịch UBND TPHCM phân tích.
Thông tin thêm về đợt tiêm chủng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết trên thực tế, số lượng người đến tiêm mỗi ngày sẽ ít hơn danh sách khoảng 10%. Những người này gồm trường hợp không đủ điều kiện tiêm chủng, người đã rời khỏi địa bàn hoặc vì những lý do khác.
Để tổ chức đợt tiêm này, thành phố ghi nhận nỗ lực lớn của các địa phương, đội ngũ y, bác sĩ và tình nguyện viên đảm bảo an toàn, tốc độ cho công tác tiêm chủng. Hiện tại, ngành y thành phố vừa phải căng mình chống dịch, vừa thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm tầm soát và điều trị bệnh nhân tại các bệnh viện.
"Việc tiêm vắc xin Covid-19 sẽ không có tác dụng ngay mà sau ít nhất 45 ngày mới phát huy hiệu quả, nhưng nếu không tiêm sớm thì tình hình sau 45 ngày nữa vẫn khó khăn. Thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh tốc độ, đem những liều vắc xin đến với người dân sớm nhất có thể", lãnh đạo TPHCM chia sẻ.
Tại buổi họp, ông Dương Anh Đức thông tin thêm, đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đang tiếp nhận và quản lý 743.000 liều vắc xin Covid-19. Trong đó có 610.000 liều của hãng AstraZeneca, 108.000 liều của hãng Moderna, 25.740 của hãng Pfizer.
Số lượng vắc xin đã được phân về các quận, huyện và điểm tiêm ở bệnh viện là 432.718 liều.
Dự kiến thời gian tới đây, số lượng lớn vắc xin Covid-19 được Trung ương phân bổ và từ nguồn mua, đàm phán sẽ về tới TPHCM.
Đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 5 của TPHCM được triển khai từ ngày 22/7. Thành phố đã tổ chức 615 điểm tiêm chủng tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Mỗi điểm tiêm chủng dự kiến sẽ tiêm cho 120 người/ngày.
Trong văn bản khẩn gửi các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, Trung tâm Cấp cứu 115, trung tâm y tế các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Y tế chỉ rõ nơi phong tỏa không tổ chức tiêm. Ngay khi gỡ phong tỏa, nơi này sẽ lập tức tổ chức tiêm cho người dân.
Trong đợt tiêm chủng này, TPHCM sẽ ưu tiên cho nhóm đối tượng là người có bệnh nền (thận mạn tính, phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường), người trên 65 tuổi, người thuộc diện chính sách, có công và đối tượng bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, các hộ nghèo, cận nghèo, yếu thế cũng được đưa vào danh sách đối tượng ưu tiên đợt này.
Đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 lần thứ 5 của TPHCM dự kiến sẽ kéo dài 2-3 tuần với mục tiêu hoàn thành 930.000 liều vắc xin.
Quang Huy