Cuối buổi làm việc chiều 26/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 27 thành viên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo đó, Chính phủ mới có 27 thành viên, gồm: Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, 4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ được dự kiến phân công chỉ đạo các lĩnh vực sau: (1) Ngoại giao và hội nhập quốc tế, xây dựng pháp luật, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc; (2) Kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; (3) Kinh tế ngành; (4) Khoa giáo - Văn xã.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng (trong đó có một Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).
Theo tờ trình, Chính phủ mới có 18 Bộ trưởng các bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế.
4 Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là: Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ.
Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ như vậy bảo đảm phù hợp với Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ vừa được Quốc hội thông qua, kế thừa, phát huy ưu điểm và những kết quả tích cực đã đạt được của cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ khóa XIV.
Cơ cấu trên cũng đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn tổ chức, hoạt động của Chính phủ cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết, có ý kiến đề nghị vẫn nên bố trí cơ cấu số lượng 5 Phó Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính ổn định trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép" như hiện nay.
Phương Thảo