Do trượt hết nguyện vọng lớp 10 trường công lập và Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) từ chối, một học sinh bị mẹ quát mắng và bắt quỳ ngay tại trường khiến nhiều người bàng hoàng.
Quát mắng, bắt con quỳ vì trượt lớp 10
Theo phản ánh trên mạng xã hội, ngày 1/7, một học sinh bị mẹ bắt quỳ giữa sân trường ở Hà Nội khiến nhiều người bàng hoàng.
Một phụ nữ mặc đồ chống nắng đến can ngăn sự việc. Mặc dù người mẹ chưa kịp đánh đứa trẻ nhưng hét lên: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi".
Trao đổi với PV Dân trí, TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ông không trực tiếp chứng kiến nhưng một số giáo viên báo cáo có sự việc diễn ra tại trường.
Cụ thể, học sinh này thi vào lớp 10 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội vừa qua và được tổng điểm 36,5, trượt tất cả các nguyện vọng trường công lập.
Thí sinh trước giờ thi vào lớp 10 THPT của Hà Nội vừa qua.
Ngày 1/7, hai mẹ con đến đăng ký vào học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, cán bộ tuyển sinh từ chối vì trường đã tuyển sinh xong từ ngày 30/6.
Trước đó, phụ huynh này đã từng đóng phí giữ chỗ ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Theo quy định của trường, thí sinh đóng phí giữ chỗ trước sẽ được cộng thêm 2 điểm. Nhưng điểm chuẩn năm nay của trường là 39, em ấy cộng thêm 2 điểm nữa cũng chưa đạt được điểm chuẩn.
Lịch tuyển sinh này đã được công bố từ trước và nhà trường đã gọi điện cho phụ huynh nhiều lần nhưng không thấy đến. Sau khi tuyển đủ chỉ tiêu theo quy định, nhà trường "đóng" việc tuyển sinh.
Sau khi bị từ chối, người mẹ mắng chửi con to tiếng, các thầy cô thấy cháu bé quỳ xuống khóc lóc xin mẹ. Vài người chứng kiến cũng đến khuyên ngăn nhưng phụ huynh mặc kệ, không cho ai can thiệp mình dạy con.
Cũng theo TS Nguyễn Văn Hòa, bố của học sinh này mới mất chưa lâu. Học sinh này cũng mong muốn được thông cảm cho mẹ em.
"Hôm đó tôi đi vắng. Bộ phận tuyển sinh chỉ biết nhà trường hết chỉ tiêu nên không thể nhận thêm học sinh. Khi lãnh đạo nhà trường biết sự việc, hai mẹ con đã rời trường.
Hiện học sinh này đã chọn được trường phù hợp. Giá như trước đó, gia đình bình tĩnh trao đổi với lãnh đạo nhà trường, có lẽ đã có giải pháp tốt hơn.
Tôi cho rằng, có thể do áp lực, cộng với một phút nóng giận, người mẹ đã không giữ được bình tĩnh", TS Hòa cho PV Dân trí biết.
Bố mẹ áp lực, chẳng lẽ con thì không?
Sự việc đã dấy lên nhiều tranh cãi trong vài ngày qua. Một phụ huynh cho rằng, bố mẹ có áp lực, chả nhẽ con thì không? "Hãy nhìn vào điểm tích cực của con mà hạ hỏa rồi cùng tìm hướng đi khác", phụ huynh này nói.
Chị Thu Trang (Hà Nội) cũng cho rằng, đôi khi học tài thi phận. Vì vậy, không nên đổ hết trách nhiệm cho con. Nên chăng, người mẹ cần bình tĩnh lại bởi dù sao, kỳ thi đã kết thúc, nên sớm có hướng giải quyết hợp lý.
Do bố mẹ kỳ vọng quá cao nên đặt áp lực lên vai con quá lớn. (Ảnh: Minh họa).
Anh Ngọc Sơn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, câu chuyện của hai mẹ con phản ánh thực trạng áp lực thi cử hiện nay.
"Thứ nhất, học sinh điểm cao và bố mẹ kì vọng, cứ nghĩ con mình học giỏi. Tuy nhiên, khi đặt mình vào một kỳ thi lớn, mới thấy thực tế con đang ở đâu.
Thứ hai, do bố mẹ kỳ vọng quá cao nên đặt áp lực lên vai con quá lớn. Khi không được như mong muốn, sẽ trở nên hụt hẫng.
Thứ 3, có thể do học sinh và phụ huynh chưa biết chọn trường phù hợp với năng lực. Với 36,5 điểm thi, không phải mức điểm quá thấp và con vẫn có cơ hội đỗ nếu biết chọn trường phù hợp.
Ở đây, cả hai mẹ con đáng thương hơn đáng trách, nếu con trượt rồi, mẹ đừng đánh chửi con nữa. Thay vào đó, mẹ hãy động viên con cố gắng khi học cấp 3", anh Sơn cho biết.
Chia sẻ với PV Dân trí, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, các trường đang làm đúng quy chế khi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Vấn đề đáng nói ở đây là cách làm của người mẹ rất cực đoan, khiến nhiều người bàng hoàng và có thể gây ảnh hưởng tâm lý đến đứa trẻ.
Cũng theo thầy Khang, với mức điểm trên đây của em học sinh là không quá cao nhưng không quá thấp, bởi có những trường công lập chỉ lấy điểm chuẩn 18- 20 điểm đã đỗ.
Vấn đề là cách hành xử của người mẹ chưa phù hợp với một đứa bé đang ở tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới".
"Tôi cho rằng, nếu người mẹ trình bày hợp lý với nhà trường, có lẽ đã có kết cục tốt đẹp hơn lôi con ra quát mắng một cách cực đoan như thế", nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nói.
Bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) một trong những trường "hot" về đầu vào tại Hà Nội cho rằng, điểm học bạ hiện nay vẫn khiến một bộ phận học sinh ảo tưởng vào năng lực.
Việc đánh giá đúng năng lực học sinh, có thể ảnh hưởng đến thành tích của trường nhưng nếu không đánh giá thực chất, kết quả sẽ khốc liệt. "Vì thế, khi chưa hiểu rõ năng lực thực chất của con, xin bố mẹ đừng tạo thêm áp lực cho con nữa", bà Văn Thùy Dương nói.
Mỹ Hà