Sau khi TPHCM có quyết định vẫn thi tốt nghiệp THPT đợt 1 vào dịp này, nhiều phụ huynh, học sinh bày tỏ lo lắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, phụ huynh nên tin tưởng và đồng hành cùng con.
Thi tốt nghiệp THPT trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp khiến nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng (Ảnh: Phạm Nguyễn).
"Phụ huynh mà không tin tưởng, làm sao các cháu yên tâm thi được?"
Ngay sau khi UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 diễn ra vào ngày 7/7 và 8/7, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP đã phối hợp cùng Trường Cao Đẳng Bách Khoa Sài Gòn, tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Tâm lý phụ huynh - học sinh và kỳ thi THPT trong đại dịch Covid-19 như thế nào?", vào tối 1/7.
Tọa đàm nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, hơn 400 lượt chia sẻ, gần 40.000 bình luận xung quanh chủ đề này. Hầu hết các bình luận đều bày tỏ lo lắng về khả năng lây lan, bùng phát dịch Covid-19 tại các địa điểm thi khi nơi đây tập trung đông người. Nhiều thí sinh lo lắng sẽ bị đi cách ly sau khi tham dự kỳ thi nếu "xảy ra chuyện"…
Chia sẻ với thí sinh, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, trấn an rằng khi TP quyết định thi, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu kỹ và lên phương án ngăn ngừa đầy đủ, đảm bảo hạn chế tốt nhất những nguy cơ có thể xảy ra".
"Tôi cũng là phụ huynh, có con cháu thi đợt này nên cũng lo lắng. Nhưng lúc này mình phải có lòng tin vào chính quyền thành phố, ủng hộ con cháu tốt nhất để các em yên tâm thi cử. Nếu mình cũng không tin tưởng thì làm sao các cháu tin tưởng, yên tâm thi được", ông Tuấn phân tích.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc trung tâm ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay, cho rằng lúc này phụ huynh cần có lòng tin để ủng hộ, đồng hành cùng con mình, không nên quá chú trọng vào thành tích thi cử để tạo thêm áp lực cho thí sinh.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng hướng nghiệp 4.0 JobWay và ông Trần Anh Tuấn đều khuyên phụ huynh nên tin tưởng và đồng hành cùng con trong kỳ thi "đặc biệt" này.
"Đặt mục tiêu thấp hơn năng lực mình một chút để thấy thoải mái"
Theo ông Trần Anh Tuấn, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay khác với nhiều năm trước, điểm thi chỉ là một căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng. Trong khi đó, các trường còn nhiều phương thức xét tuyển khác dựa vào học bạ, thành tích học tập…
"Tùy vào điều kiện kinh tế, đảm bảo các em có thể vào đại học (ĐH) 100% nếu muốn. Nhưng ngoài ĐH, các em còn rất nhiều con đường khác để lập nghiệp và thành công. Cho nên cha mẹ đừng quá chú trọng vào thành tích thi tốt nghiệp THPT, tạo thêm áp lực cho các cháu", ông Trần Anh Tuấn phân tích thêm.
Theo ông Tuấn, hệ thống đào tạo của nước ta hiện rộng mở cho học sinh lựa chọn với rất nhiều con đường, như ĐH có công lập, tư thục, quốc tế. Ngoài ĐH, các em có thể theo con đường giáo dục nghề nghiệp với đủ cấp bậc, từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp với hệ thống ngành nghề càng hoàn thiện, chi tiết hơn hệ ĐH.
Chia sẻ lo lắng với các bậc phụ huynh, Hòa An phân tích: "Đi thi tất nhiên sẽ có áp lực. Các em lo lắng làm bài được không? Có trúng đề không?... Nay còn lo lắng là có bị lây bệnh không? Có xảy ra sự cố gì không?... tất nhiên áp lực sẽ lớn hơn. Áp lực và lo lắng sẽ khiến các em thiếu tự tin, dễ quên bài".
Tiến sĩ Hòa An khuyên các bậc phụ huynh bỏ qua vấn đề thành tích thi cử, xem như một cuộc thi bình thường để bớt áp lực cho con, cần đồng hành bên con để tạo thêm lòng tin và vững tâm khi bước vào phòng thi.
"Các em đừng đặt mục tiêu cao quá. Cứ đặt mục tiêu thấp hơn năng lực mình một chút để cảm thấy thoải mái khi dự thi. Tránh tình trạng kỳ vọng nhiều rồi thi môn đầu không như ý, tâm lý sa sút dẫn đến thi môn sau không tốt. Kỳ thi kéo dài với nhiều môn, thành tích là tổng hợp tất cả các môn nên đừng quá lo lắng!" - tiến sĩ tâm lý nhắc nhở các sĩ tử.
Tùng Nguyên