Ngày 28/7, Hà Nội ghi nhận 74 ca mắc mới. Trong ngày, một số khu vực đã bị phong tỏa do ghi nhận ca nghi mắc Covid-19.
Chủ tịch Hà Nội: Nơi nguy cơ cao được áp dụng biện pháp phòng dịch mạnh hơn
Ngày 28/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Sở Chỉ huy phòng, chống dịch thành phố với các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy vừa ban hành.
Kết luận chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trọng tâm trong quá trình giãn cách xã hội là thực hiện đúng nguyên tắc: Khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì họp trực tuyến với các cơ quan liên quan ngày 28/7 (Ảnh: Thành Trung).
UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố, "chia lửa" với lực lượng công an cả trong việc bố trí thêm các chốt kiểm soát; tổ chức thêm lực lượng hỗ trợ như huy động lực lượng quân nhân dự bị, bảo vệ dân phố, dân phòng, đoàn viên, hội viên, các tổ Covid-19 cộng đồng, các tình nguyện viên... không để tình trạng "ngoài chặt, trong lỏng".
Các cấp, các ngành đồng loạt tăng cường kiểm tra, giám sát đột xuất, bất ngờ trên toàn địa bàn, bảo đảm chặt chẽ từ cơ sở; trọng tâm là việc chấp hành của người dân đối với quy định "chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết". Xem thêm tại đây.
Xây dựng hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, trường hợp nào đủ điều kiện?
Trao đổi với Dân trí sáng nay, bà Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết, đơn vị này đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch Covid-19 cho người tiếp xúc gần (F1) và người về từ vùng dịch để trình Sở Y tế Hà Nội xem xét.
Mục đích của đề xuất này là để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo, ngăn ngừa tình trạng quá tải tại các khu cách ly y tế tập trung và tạo tâm lý thoải mái, giảm chi phí cho người được cách ly y tế.
Theo dự thảo được CDC Hà Nội xây dựng, các F1 khi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly (Ảnh minh họa).
Các F1 thuộc diện cách ly tại nhà sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Sau cách ly y tế, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo.
Các F1 khi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly y tế tập trung 7 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7 cách ly tại nhà. Xem thêm tại đây.
Người dân phấn khởi đi tiêm vắc xin Covid-19
Sáng 28/7, tại điểm tiêm vắc xin phòng Covid-19 ở Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hàng trăm người có mặt từ rất sớm, xếp hàng đảm bảo giãn cách, khai báo thông tin trước khi tiêm vắc xin.
Ngồi tại khu vực khai báo y tế, chị Nguyễn Thanh Vân (37 tuổi, ở phường Hàng Bài) - cho biết, bản thân khá hồi hộp và lo lắng khi chuẩn bị được tiêm vắc xin.
Sáng 28/7, hàng trăm người có mặt tại điểm tiêm vắc xin Covid-19, Trường THCS Trưng Vương (26 Hàng Bài, phường Hàng Bài) để được tiêm phòng vắc xin.
"Tôi đi tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 lần một nên khá lo lắng. Không biết sau khi tiêm, mình có bị sốt hay đau nhức cơ như mọi người nói hay không. Tôi cũng rất hồi hộp vì trong đợt dịch phức tạp như này, bản thân khá may mắn khi được tiêm chủng vắc xin", chị Vân bày tỏ.
Có mặt tại điểm tiêm Trường THCS Trưng Vương, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, chính quyền sử dụng khuôn viên các trường học có diện tích rộng làm điểm tiêm chủng lưu động.
Điểm tiêm lớn nhất của quận Hoàn Kiếm đặt tại trường THCS Trưng Vương với công suất đạt tới 1.000 mũi/ngày. Các điểm tiêm lẻ khác có thể tiêm khoảng 600 mũi/ngày. Với các điểm tiêm như vậy, quận Hoàn Kiếm thể đạt 4.000 mũi/ngày. Xem thêm tại đây.
Kiểm soát nghiêm việc người dân sử dụng "phiếu ra đường"
Theo ghi nhận, sáng 28/7, những trường hợp không có "phiếu ra đường" đi vào khu vực phường Đức Thắng (Bắc Từ Liêm) đều bị yêu cầu quay đầu xe. Tại chốt kiểm dịch, lực lượng chức năng cũng khuyên người dân nên hạn chế ra đường vì hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Hà Nội.
Hiện nay, phường Đức Thắng đã thiết lập 4 chốt kiểm soát cố định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ do UBND thành phố ban hành.
Phiếu ra đường này chỉ áp dụng với trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng, đi làm và các trường hợp khẩn cấp khác…
Trao đổi với phóng viên, ông Cấn Văn Duẩn, Chủ tịch UBND phường Đức Thắng, cho biết: "Hiện tại, có khoảng 2.500 hộ dân sinh sống trên địa bàn phường, ngay trong ngày 26/7, địa phương đã gửi phiếu đến các tổ dân phố, sau đó các vị tổ trưởng, tổ phó phát phiếu tới từng hộ dân. Vào ngày hôm qua, một số tổ dân phố có lên xin ký phát thêm cho một số sinh viên còn lưu trú trên địa bàn phường với khoảng 50 phiếu". Xem thêm tại đây.
Thế Anh