Bằng sự giúp đỡ của Trung ương và doanh nghiệp, nguồn cung vắc xin cho TPHCM sớm muộn sẽ không còn là điều quá nan giải. Tuy nhiên, khâu tổ chức tiêm là việc thành phố cần đặc biệt rút kinh nghiệm.
"Bao giờ toàn bộ người dân được tiêm vắc xin thế? Tôi thấy nhiều người xung quanh khoe đã được tiêm rồi, chắc không phải ai cũng được tiêm đúng không?" - một tiểu thương trên đường Đề Thám (quận 1, TPHCM) đặt câu hỏi khi biết tôi là phóng viên.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại TPHCM, đó cũng là câu hỏi của nhiều người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội. Sau khi áp dụng và thay đổi hàng loạt biện pháp giãn cách để phòng, chống Covid-19, như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và mới đây nhất là Chỉ thị 10, tình hình dịch bệnh tại thành phố đông dân nhất nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Vắc xin là nhân tố mang tính quyết định trong việc chấm dứt đại dịch tại TPHCM. Trong cơn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, bên cạnh việc tự mình tiếp cận, đàm phán những nguồn vắc xin mới, đô thị lớn nhất cả đang nhận được sự hỗ trợ lớn từ Trung ương để sớm trở lại nhịp phát triển của một đầu tàu.
Vắc xin là nhân tố mang tính quyết định trong việc chấm dứt đại dịch tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Trong đợt phân bổ vắc xin đầu tiên của Bộ Y tế vào tháng 3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tiếp nhận khoảng 8.000 liều. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 của thành phố đã hoàn thành, đạt mục tiêu 95% nhân viên tham gia chống dịch được tiêm mũi 1.
Ngày 7/4, hơn 56.000 liều vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế quyết định chuyển về TPHCM trong đợt phân bổ thứ 2, nhiều nhất cả nước. Trong đợt tiêm này, thành phố đặt mục tiêu tiêm mũi 2 cho các nhân viên y tế đã được tiêm trước đó. Ngoài ra, người làm việc trong cơ sở y tế chưa được tiêm, nhân viên nhà ga quốc tế của sân bay có tiếp xúc hành khách, cũng nằm trong danh sách đối tượng ưu tiên tiêm.
Trong đợt thứ 3, số lượng vắc xin phòng Covid-19 được Bộ Y tế phân bổ cho thành phố tiếp tục tăng với 70.000 liều. Trong đợt tiêm chủng này, ngoài người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19, TPHCM ưu tiên nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền điều trị nội trú, những sinh viên tham gia hỗ trợ ngành y tế phòng dịch. Ngành y thành phố cũng thực hiện tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm trước đó nếu đủ điều kiện.
Hơn 800.000 liều vắc xin trên tổng số một triệu liều mà Nhật Bản tặng Việt Nam, đã được Trung ương chuyển cho TPHCM vào trung tuần tháng 6, phục vụ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử (Ảnh: Hải Long).
Số lượng vắc xin chuyển về TPHCM tiếp tục được ưu tiên sau những lần phân bổ của Bộ Y tế. Trong khoảng thời gian tình hình dịch Covid-19 tại thành phố trở nên nóng nhất, hơn 800.000 liều vắc xin trên tổng số một triệu liều mà Nhật Bản tặng Việt Nam, đã được Trung ương chuyển cho TPHCM vào trung tuần tháng 6, phục vụ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử.
Thông tin về tình hình tiêm chủng trên địa bàn, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ qua 4 đợt tiếp nhận, thành phố đã tiêm 944.000 liều vắc xin, tương đương khoảng 6% dân số.
Tuy nhiên, với kế hoạch tiếp nhận và phân bổ vắc xin của Chính phủ, thành phố đảm bảo mục tiêu tiêm chủng cho 70% người dân trên địa bàn từ nay đến cuối năm. Cụ thể, cả nước sẽ có khoảng hơn 100 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021, với quy mô dân số 10% cả nước, nếu được phân bổ vắc xin bằng tỷ lệ dân số, thành phố sẽ nhận được khoảng 10 triệu liều.
Theo Sở Y tế TPHCM, thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đã liên hệ với chính quyền thành phố để tài trợ kinh phí hoặc hỗ trợ tìm nguồn cung ứng vắc xin phòng Covid-19. Nếu quá trình tiếp cận, đàm phán, thương thảo diễn ra thuận lợi, thành phố có thể mang về hơn 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, ngoài số lượng được Trung ương cấp phát.
Nếu quá trình tiếp cận, đàm phán, thương thảo diễn ra thuận lợi, thành phố có thể mang về hơn 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, ngoài số lượng được Trung ương cấp phát (Ảnh: Hải Long).
Tuy nhiên, vấn đề đàm phán, mua vắc xin bên ngoài khó diễn ra suôn sẻ do nhiều nguyên nhân mang tính khách quan.
Sở Y tế cho biết khó khăn của công tác tìm kiếm vắc xin là tìm ra nguồn cung ứng uy tín, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã liên hệ đàm phán mua nhưng nhà sản xuất, nhà phân phối chỉ làm việc với các tổ chức do Chính phủ chỉ định.
Với nguồn cung vắc xin khan hiếm, hạn dùng ngắn, nếu không kịp thời đặt hàng, lượng vắc xin cung ứng dự kiến cho TPHCM sẽ được chuyển giao cho thị trường khác.
Một nguồn khác cũng được đặt nhiều kỳ vọng trong bối cảnh khan hiếm vắc xin toàn cầu là vắc xin phòng Covid-19 do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, sản xuất trên địa bàn TPHCM.
Để rút ngắn thời gian nghiên cứu vắc xin này, Bộ Y tế đã cắt bỏ tất cả thủ tục hành chính để đi thẳng vào các vấn đề chuyên môn. Cụ thể, Bộ Y tế và Hội đồng Y đức đã thống nhất triển khai giai đoạn 3 vào cuối giai đoạn 2, từ ngày 11/6 tới nay. Khoảng 1.000 người đã được tiêm thử nghiệm mũi đầu tiên.
Khó khăn của công tác tìm kiếm vắc xin là tìm ra nguồn cung ứng uy tín, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng (Ảnh minh họa: Hải Long).
"Tinh thần của chúng ta phải đẩy nhanh hơn các quy trình. Thay vì đi từng bước, trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này chúng ta phải chạy. Công ty đã sẵn sàng, chủ động, tự túc kinh phí, các bộ, ngành phải tháo gỡ các vướng mắc liên quan tài chính, thủ tục liên quan", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong buổi làm việc với Công ty Nanogen.
Ngày 19/6 đánh dấu một sự kiện quan trọng của TPHCM khi chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất lịch sử đã được khởi động. Với hơn 800.000 liều vắc xin phòng Covid-19 tiếp nhận, ngành y và cả các cấp chính quyền thành phố đã thể hiện một tham vọng lớn, khi đặt chỉ tiêu hoàn thành chỉ trong một tuần lễ với 200.000 mũi tiêm/ngày.
Trong những ngày đầu tiên, số mũi vắc xin được tiêm kém xa con số dự tính. Những bối rối về quy trình tiêm, nhân lực, đảm bảo giãn cách đã lộ ra.
Trong ngày khởi động chiến dịch tiêm chủng, 877 công nhân tại Khu Công nghệ cao TPHCM đã được chích ngừa vắc xin phòng Covid-19. Trong ngày thứ 2, lực lượng y tế đã tiêm hơn 5.000 liều. Con số này dần được cải thiện sau đó, đạt khoảng 172.000 liều/ngày vào những ngày cuối cùng.
Một trong những điểm gây chú ý trong chiến dịch này là hình ảnh dòng người chen chúc tại Nhà thi đấu Phú Thọ được lan truyền khắp nơi. Mọi người lo lắng điểm tiêm chủng có thể trở thành nơi lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh.
Dòng người chen chúc tại Nhà thi đấu Phú Thọ trong đợt tiêm chủng được lan truyền khắp nơi (Ảnh: Hải Long).
Không thể phủ nhận những nỗ lực của thành phố, đặc biệt là đội ngũ nhân viên y tế, nhưng chiến dịch 7 ngày tiêm chủng đã bộc lộ ra nhiều lỗ hổng và trở thành bài học cho không chỉ chính TPHCM mà cả các địa phương khác triển khai sau này.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho rằng trong những đợt tiêm chủng tiếp theo, thành phố cần cân nhắc phân chia thời gian người đến tiêm một cách hợp lý. Những ứng dụng công nghệ cần triển khai nhằm phát huy vai trò trong việc hẹn người dân, phân chia thời gian, địa điểm để đảm bảo giãn cách.
"Triển khai trong thời gian ngắn vậy áp lực cho đội ngũ y tế sẽ có. Thành phố nên cân nhắc về thời gian tiến hành chiến dịch. Điểm mấu chốt trong việc tiêm chủng là chích đúng người, đúng đối tượng", bác sĩ chia sẻ.
Chuyên gia dịch tễ cho rằng trong bối cảnh nguồn vắc xin có hạn, thành phố có thể xem xét, tính toán đối tượng ưu tiên. Cụ thể, giải pháp cần tính tới là xác định những người thuộc nhóm nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 để thực hiện tiêm ngừa.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh góp ý thành phố cần xem xét mở các điểm tiêm chủng trong các bệnh viện, song song với những điểm tiêm ngoài cộng đồng (Ảnh: Hải Long).
"Ví dụ như người dân sinh sống trong khu cách ly, khu phong tỏa, những người có bệnh nặng, dễ gặp nguy hiểm khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể tiêm vắc xin trước. Song song với đó, thành phố có thể thực hiện tiêm cho những đối tượng ưu tiên khác bên ngoài", ông Trương Hữu Khanh gợi ý giải pháp.
Bác sĩ Khanh cũng góp ý thành phố cần xem xét mở các điểm tiêm chủng trong các bệnh viện, song song với những điểm tiêm ngoài cộng đồng. Những cơ sở y tế này có đầy đủ hệ thống cấp cứu, khu vực theo dõi và nhân lực ứng phó trong những tình huống phát sinh.
"Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại TPHCM đã cho thấy cả những điểm mạnh và điểm yếu. Cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, trên tinh thần bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo", Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra nhận định đối với chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 4 tại thành phố.
Quang Huy