Đằng sau những chiếc máy thở giúp cứu mạng bệnh nhân Covid-19 là cuộc chạy đua "nước rút" của lực lượng vẫn được ví là những người "bắc cầu" dưỡng khí.
Với các bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng, máy thở là thiết bị hỗ trợ mang tính sống còn, khi mà phổi của bệnh nhân đã bị tổn thương gần như toàn bộ, không thể cung cấp đủ dưỡng khí cho cơ thể.
Trong những tình huống hiểm nghèo này, các bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu phải cấp tốc hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân bằng máy thở, bởi "ngọn nến" sinh mạng của họ có thể lụi dần theo thời gian chỉ tính bằng phút.
Một bệnh nhân Covid-19 nặng phải thở máy.
Những lần "chạy nước rút" của các blouse trắng trong phòng bệnh để cứu sống bệnh nhân Covid-19 là hình ảnh không còn xa lạ với những ai thường theo dõi tin tức về tình hình dịch. Thế nhưng ít ai biết rằng, để giúp các bệnh nhân nặng chiến thắng Covid-19, còn có một cuộc đua thầm lặng khác của lực lượng vẫn được gọi với danh xưng "Những người "bắc cầu" dưỡng khí cho bệnh nhân Covid-19".
Chạy nước rút cấp dưỡng khí cho bệnh nhân Covid-19
Những ngày cuối tháng 5, Bắc Giang trở thành tâm dịch "nóng" nhất cả nước. Số bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng ở địa phương này cũng tăng lên nhanh, kéo theo đó là nhu cầu cấp thiết về hệ thống máy thở.
Anh Lưu Văn Nam chia sẻ về nhiệm vụ lắp hệ thống khí trung tâm tại Bắc Giang (Ảnh: Mạnh Quân).
"Chúng ta có 2 ngày để hoàn thành hệ thống khí y tế trung tâm, cấp cho 58 máy thở ở Bệnh viện Phổi Bắc Giang", nhận tin nhắn giao nhiệm vụ từ giám đốc, anh Lưu Văn Nam, kỹ thuật viên Công ty Thái Bình Dương cùng các đồng nghiệp xác định trước mắt sẽ là một cuộc đua thực sự, bởi để có thể hoàn thành nhiệm vụ này, công suất phải đẩy lên gấp 3 lần so với thông thường.
"Nhân lực ít, khối lượng công việc lại lớn, chúng tôi xác định công việc phải được tiến hành liên tục 24/24h, để đảm bảo tiến độ", anh Nam nhớ lại.
Thao tác trong bộ đồ phòng hộ khiến các kỹ thuật viên nhanh xuống sức hơn (Ảnh: NVCC).
Sau khi lên kế hoạch phân chia công việc cụ thể, người nối dây điện, người đặt ống, người lắp đặt các thiết bị, cả đội cùng bắt tay vào công việc. Lúc này, đồng hồ chỉ vừa điểm 6h sáng.
Làm việc nặng, cộng với lớp áo bảo hộ trùm kín, chỉ chưa đầy 30 phút, ai nấy đều đã ướt đẫm mồ hôi. Càng về trưa, cảm giác nóng bức, bí bách lại càng tăng dần.
Sau một thời gian dài liên tục làm nhiệm vụ cường độ cao, bàn tay người đàn ông này lộ rõ những vết chai (Ảnh: Mạnh Quân).
"Đặc thù công việc của chúng tôi có nhiều lúc phải làm dưới mái tôn. Với thời tiết giữa mùa hè 38 - 40 độ, chỉ cần làm một lúc đã nóng rát cả mặt", anh chia sẻ, "kết thúc ca làm để ăn uống, giày chúng tôi ướt sũng mồ hôi như có ai vừa đổ nước vào".
Bánh mì, nước suối "trực chiến" tuyến đầu
Với anh Nguyễn Duy Huy, ấn tượng về nhiệm vụ ở Bắc Giang là cảm giác mệt đến "không buồn ăn" sau mỗi ca làm việc.
"Trong 2 ngày chạy nước rút, mỗi anh em làm việc đến 21-22 tiếng/ngày. Mỗi buổi trưa, chiều, tối chúng tôi tranh thủ thay nhau ngủ 30 phút. Ngoài ra, cũng được nghỉ ngơi một chút khi đến bữa ăn", anh Huy kể.
Với anh Nguyễn Duy Huy, ấn tượng về nhiệm vụ ở Bắc Giang là cảm giác mệt đến "không buồn ăn" sau mỗi ca làm việc (Ảnh: NVCC).
Để thuận tiện cho công việc, cả đội tự chuẩn bị đồ và ăn ngay tại chỗ làm. Thời điểm đó, Bắc Giang đang giãn cách xã hội, trong suốt 2 ngày, bữa ăn chỉ có bánh mì, giò chả và nước đóng chai.
"Sau mỗi ca làm vừa nóng, vừa mệt nên chỉ ăn vài miếng cho có rồi tranh thủ nghỉ ngơi. Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng, lúc đó không phải bánh mì mà là sơn hào, hải vị thì cũng chẳng thiết tha gì", anh cười.
Tranh thủ quãng thời gian nghỉ ít ỏi, anh Huy thường đọc tin tức về dịch bệnh và gọi về gia đình (Ảnh: NVCC).
Chàng trai trẻ tiếp tục mạch chuyện: "Chúng tôi tự động viên nhau phải cố gắng vì nhiệm vụ của mình rất quan trọng đối với tính mạng của các bệnh nhân Covid-19 nặng. Hoàn thành xong nhiệm vụ đúng thời hạn, anh em mừng đến quên cả mệt".
Xa nhà biền biệt gần nửa năm trời
Vừa hoàn thành thời gian cách ly sau khi lắp đặt hệ thống khí cho Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Điện Biên, anh Phạm Hồng Thắng liền lên đường đến Phú Thọ nhận nhiệm vụ mới.
Hộp van trung tâm và báo động trung tâm của hệ thống khí (Ảnh: NVCC).
Anh tính nhẩm chỉ trong năm nay, mình đã đi trên 5 tỉnh thành để tham gia chống dịch.
"Vừa hoàn thành công trình ở bệnh viện này, là lại có nhiệm vụ ở nơi khác, nên cứ đi biền biệt. Quê tôi ở Thái Bình, nhiều lần đi xe qua nhưng không thể ghé về. Tính ra đến nay, đã gần nửa năm tôi chưa về thăm nhà, các cụ ở nhà cũng ngóng lắm", anh Thắng kể.
Anh Thắng đã 36 tuổi nhưng vẫn chưa lập gia đình. Hồi đầu năm, được giới thiệu đi ra mắt làm quen bạn gái nhưng vì công việc nên lỡ hẹn đến tận bây giờ.
"Từ Tết đến giờ tôi cũng hẹn cô ấy mấy lần đi gặp mặt để làm quen nhưng công việc cứ lu bu nên chưa thể thực hiện", anh cười trừ.
Ông Bùi Quang Trung chia sẻ: "Nhiều anh em từ khi dịch bùng phát đến giờ đi suốt, nhiều tháng liền không về nhà để thăm vợ con" (Ảnh: Đỗ Linh).
Ông Bùi Quang Trung, Giám đốc Công ty chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên áp lực công việc của chúng tôi hiện tại rất lớn. Chúng tôi có hơn 40 nhân viên thì hiện đã được điều động hết, để lắp hệ thống khí y tế khắp các tỉnh thành từ bắc, tới nam. Nhiều anh em từ khi dịch bùng phát đến giờ đi suốt, nhiều tháng liền không về nhà để thăm vợ con. Thêm vào đó, làm việc ở ngay tuyến đầu nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Trong tình hình khó khăn hiện nay, góp sức mình vào việc cứu sống bệnh nhân Covid-19 nặng vừa là mục tiêu, cũng là nguồn động lực lớn của anh em chúng tôi".
Bài: Minh Nhật
Ảnh: Đỗ Linh