Thái Lan thắt chặt các biện pháp nhằm dập tắt đợt bùng phát dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng tại nước này.
Lễ tang một bệnh nhân Covid-19 tại Bangkok, Thái Lan (Ảnh: Reuters).
Thái Lan ngày 10/7 thông báo, lệnh hạn chế đi lại từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau sẽ được áp dụng đối với khu vực đô thị Bangkok và 4 tỉnh phía nam - những nơi hiện có mức độ lây nhiễm cao nhất.
Bangkok và các khu vực lân cận cũng hạn chế các dịch vụ và thời gian mở cửa nhà hàng, trung tâm thương mại; đóng cửa spa và cơ sở làm đẹp; cấm tụ tập đông người. Các biện pháp hạn chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/7 và kéo dài ít nhất đến ngày 25/7.
Thái Lan thắt chặt các biện pháp hạn chế sau khi ghi nhận số ca nhiễm và nhập viện tăng liên tục trong những tuần qua, khiến hệ thống y tế nước này, đặc biệt là ở "tâm chấn" Bangkok, bị quá tải.
Trước đó, chính phủ Thái Lan vẫn chần chừ trong việc áp lệnh phong tỏa để tránh gây tổn hại cho nền kinh tế, thay vào đó chỉ siết chặt kiểm soát dịch tại các khu lán trại của công nhân xây dựng và các địa điểm vui chơi giải trí về đêm - nơi ghi nhận các ổ dịch lớn.
Thái Lan đã ghi nhận số ca nhiễm tăng gấp 10 lần kể từ đầu tháng 4. 9.326 ca nhiễm mới đã được ghi nhận hôm 10/7, mức tăng cao thứ hai trong một ngày kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Các nhà chức trách cũng công bố 91 ca tử vong mới trong 24 giờ qua - con số cao kỷ lục trong một ngày.
Tính đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 2.700 ca tử vong và hơn 336.000 ca mắc Covid-19.
Làn sóng Covid-19 đang bùng phát khắp Thái Lan do biến chủng Delta. Tình trạng hiện nay đẩy hệ thống y tế của Thái Lan rơi vào tình trạng căng thẳng tột độ. Đầu tuần này, giới chức Thái Lan thông báo kế hoạch lập bệnh viện dã chiến tại một nhà ga ở sân bay. Bệnh viện này sẽ có ít nhất 5.000 giường bệnh và có cả cơ sở chăm sóc đặc biệt dành cho những ca bệnh nặng.
Thái Lan, quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca mắc Covid-19, đang phải vật lộn để ngăn chặn đại dịch sau thành công ban đầu trong việc chống dịch vào năm ngoái, khi nước này áp lệnh phong tỏa cứng rắn. Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch đã làm tê liệt ngành du lịch vốn mang lại nguồn thu đáng kể cho Thái Lan, đồng thời đẩy nền kinh tế nước này rơi vào trạng thái tồi tệ nhất trong hơn 20 năm.
"Các nhà đầu tư đang chú ý đến 3 điều: tình hình bùng phát dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng, việc mở cửa trở lại ngành du lịch và các chính sách tài khóa. Tuy nhiên bất kỳ gói kích thích kinh tế hoặc mở cửa trở lại nào đều không thể triển khai khi dịch bùng phát. Những biện pháp hạn chế là công cụ để ngăn chặn sự bùng phát của dịch và là điều kiện tiên quyết để kích thích du lịch và tài khóa", nhà kinh tế học Tim Leelahaphan ở Bangkok cho biết.
Các cơ quan chính phủ Thái Lan đang nghiên cứu các biện pháp để bù đắp thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch mới nhất. Chính phủ cũng tăng cường xét nghiệm và tiêm chủng để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch.
Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1 triệu người lớn tuổi trong 2 tuần tới. Nước này cũng xem xét kế hoạch tiêm vắc xin Pfizer dưới hình thức tiêm nhắc lại cho các nhân viên y tế đã tiêm 2 mũi vắc xin Sinovac của Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Reuters