Nga đang chế tạo chiếc đầu tiên trong cặp máy bay "Ngày tận thế" dự kiến bàn giao cho lực lượng hàng không vũ trụ nước này nhằm phục vụ cho kịch bản nổ ra xung đột hạt nhân.
Máy bay "Ngày tận thế" Il-80 của Nga (Ảnh: Wikipedia).
Sputnik dẫn nguồn thạo tin cho hay, Nga đã bắt đầu dự án chế tạo loại máy bay mới, đóng vai trò trạm chỉ huy và điều khiển trên không đề phòng kịch bản nước này bị tấn công hạt nhân.
"Lực lượng hàng không vũ trụ Nga sẽ nhận được hai máy bay chỉ huy trên không dựa trên Il-96-400M. Một chiếc đang được phát triển", nguồn tin cho biết, nhấn mạnh chiếc thứ 3 có thể sẽ được đặt hàng trong tương lai.
Các máy bay "Ngày tận thế" mới sẽ thuộc lớp Zveno-3C, và chúng dự kiến sẽ thay thế các máy bay Ilyushin Il-80 hiện đang đóng vai trò là trạm chỉ huy trên không của Nga. Các máy bay Il-80 được phát triển từ cuối những năm 1980 dựa trên máy bay Ilyushin Il-86 và gia nhập biên chế quân đội vào năm 1992. Ba trong bốn chiếc Il-80 vẫn còn hoạt động và chúng đóng tại căn cứ Chkalovsky ngoại ô Moscow.
Các máy bay thuộc lớp Zveno-3C mà Nga đang phát triển sẽ có khả năng tiếp dầu trên không và được trang bị hệ thống vô tuyến tiên tiến cho phép người điều hành đưa ra các mệnh lệnh cho lực lượng hàng không chiến lược, lực lượng cơ động đường bộ, lực lượng hạt nhân sử dụng giếng phóng và tàu ngầm hạt nhân, trong trường hợp các hệ thống liên lạc thông thường bị đối thủ phá hủy. Ngoài ra, giống các máy bay tiền nhiệm, những máy bay "Ngày tận thế" mới được cho sẽ có hệ thống phòng không để chống lại các cuộc không kích hoặc tấn công bằng tên lửa.
Ilyushin Il-96-400M là một máy bay thân rộng bốn động cơ do Voronezh, một công ty con của Tập đoàn Máy bay Thống nhất, chế tạo. Nó là phiên bản cải tiến của Il-96, máy bay dân dụng tầm xa cuối cùng được chế tạo trong thời kỳ Liên Xô. Một phiên bản khác của Il-96, chiếc Il-96-300, đã được đặt hàng làm chuyên cơ cho tổng thống Nga.
Trên thế giới, chỉ có Nga và Mỹ có sử dụng máy bay "Ngày tận thế", các "chim sắt" được thiết kế để trở thành trạm chỉ huy trên không cho các nhà lãnh đạo và quan chức quân đội cấp cao khi xảy ra xung đột hạt nhân.
Đức Hoàng
Theo Sputnik