Myanmar ghi nhận mức tăng số ca Covid-19 trong 24h cao chưa từng có, trong lúc "khủng hoảng kép" dịch bệnh và chính biến đang đe dọa nghiêm trọng tới nỗ lực dập dịch của quốc gia Đông Nam Á.
Các bệnh nhân Covid-19 bên trong một bệnh viện ở Myanmar (Ảnh: Reuters).
Bộ Y tế Myanmar ngày 4/7 cho hay, nước này ghi nhận 2.318 ca Covid-19 trong 24 giờ và 35 trường hợp tử vong. Theo Reuters, một đợt bùng dịch mới đang lây lan mạnh mẽ tại quốc gia Đông Nam Á, nơi hệ thống y tế và các biện pháp chống Covid-19 gần như đã đình trệ nghiêm trọng kể từ cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.
Tỷ lệ người có kết quả dương tính trên tổng số người xét nghiệm là 22%, mức cao hơn so với đợt đỉnh dịch hồi cuối năm ngoái, trước khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2.
Trước đó, chính phủ dân sự Myanmar đã về cơ bản kiểm soát được 2 làn sóng lây lan dịch bệnh với chương trình xét nghiệm và cách ly mầm bệnh. Chính quyền dân sự cũ mới khởi động chương trình tiêm chủng thì bị phía quân đội lật đổ.
Đợt bùng dịch lần này diễn ra vào đầu tháng 6, được cho liên quan tới chủng Delta nguy hiểm bùng phát ở quốc gia hàng xóm của Myanmar, Ấn Độ. Delta hiện được xem là chủng SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm nhất thế giới và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.
Sau sự kiện đảo chính, các bác sĩ và nhân viên y tế tại Myanmar đã tham gia phong trào bất tuân dân sự bằng việc đình công để bày tỏ sự phản đối với phía quân đội. Theo Nikkei, các bệnh viện tại quốc gia này đang hoạt động trong tình trạng thiếu nhân lực dù đã được phía quân đội điều động nhân sự tới để hỗ trợ nỗ lực chống dịch.
Một số người dân từ chối đi tới các bệnh viện quân đội để điều trị hoặc tiêm chủng vì họ muốn thể hiện sự phản đối với chính quyền hiện tại. Ngoài ra, nhiều cơ sở y tế có nhiệm vụ khám sáng lọc bệnh nhân có triệu chứng được chính phủ dân sự lập ra vào năm ngoái, đã đóng cửa vào năm nay vì thiếu người.
Tiến độ tiêm chủng tại Myanmar vẫn khá chậm chạp. Nước này đã ký hợp đồng nhập khẩu vắc xin sản xuất ở Ấn Độ, nhưng quốc gia Nam Á sau đó đã quyết định hạn chế xuất khẩu chế phẩm trên để đối phó với tình trạng dịch bệnh trong nước. Hiện Myanmar đã dùng gần hết các liều vắc xin nhập về. Khoảng 3% dân số nước này đã tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.
Đức Hoàng
Theo Reuters