Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Thanh Hóa vẫn đang được rốt ráo thi công. Tuy nhiên, giá tăng cùng với khó khăn nguồn vật liệu đang là những rào cản không nhỏ, ảnh hưởng đến tiến độ.
Khối lượng thi công đạt hơn 1.000 tỷ đồng
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL 45 có tổng chiều dài 63,37 km, mức đầu tư là 12.111 tỷ đồng từ vốn đầu tư công, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 7.684 tỷ đồng. Dự án thành phần đi qua hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Trong đó, đoạn tuyến đi qua tỉnh Thanh Hóa có 4 gói thầu từ gói thầu 11 đến gói thầu 14 với chiều dài 49,018 km.
Dự án khởi công gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 9/2020, dự kiến hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2022. Hiện nay, các nhà thầu đang triển khai 63 mũi thi công. Tổng khối lượng thi công tính đến ngày 30/6 đạt 1.100/6.800 tỷ đồng, tương đương với 16% giá trị xây lắp.
Hiện nay, các nhà thầu đang triển khai 63 mũi thi công.
Được biết, tại gói thầu số 12-XL (Km301+000 - Km307+600), đang được tổ chức 8 mũi thi công. Khối lượng gói thầu đến nay đạt khoảng 155/1.200 tỷ đồng, tương đương 13%.
Ghi nhận của phóng viên tại gói thầu số 13-XL (Km307 + 600 - Km318+000), cũng đang tổ chức 9 mũi thi công đường và cầu trên tuyến; khối lượng thi công của gói thầu đến nay đạt khoảng 244 tỷ đồng, tương đương 22%.
Sản lượng thi công dự án đạt hơn 1000 tỷ đồng.
Anh Trần Ngọc Lương, cán bộ kỹ thuật thuộc nhà thầu Phương Thành nói: "Đến thời điểm hiện tại tuy nắng nóng kéo dài nhưng vẫn đảm bảo tiến độ thi công, buổi sáng công nhân làm việc từ 6h-10h, buổi chiều sẽ làm từ 14h-18h".
Nguy cơ chậm tiến độ nếu không tháo gỡ vướng mắc
Theo ông Nguyễn Khắc Trung - Phó trưởng Văn phòng điều hành dự án Mai Sơn - QL 45, quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc.
"Có 3 vấn đề cần được tháo gỡ như nguồn vật liệu thi công không đáp ứng nhu cầu; khó khăn trong vấn đề đổ thải và giá vật liệu tăng cao so với thời điểm ký hợp đồng. Nếu những vướng mắc này không được tháo gỡ, dự án có nguy cơ sẽ chậm tiến độ", ông Trung nói.
Hầm Thung Thi dài 680 m thuộc gói thầu 12 - XL là một trong những hạng mục phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao nhất của toàn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL 45 đang được các nhà thầu tập trung đẩy mạnh thi công.
Cũng theo ông Trung, trong khi nhu cầu đất đắp khai thác tại mỏ để phục vụ thi công toàn dự án là khoảng 7,1 triệu m3 nhưng công suất khai thác không đáp ứng yêu cầu, một số mỏ giấy phép khai thác đã hết hạn nên không thể cung cấp cho dự án.
Về bãi đổ thải vật liệu không thích hợp, nhu cầu đổ thải của gói thầu là khoảng 3,3 triệu m3, gồm đất không thích hợp và đá trong hầm không thể tận dụng. Trong khi các vị trí đổ thải quy hoạch cho dự án không thể sử dụng được, có vị trí không đúng với thiết kế, có vị trí đã chuyển mục đích sử dụng đất.
Công nhân phơi mình dưới nắng 40 độ C làm việc trên công trường.
Trước thực trạng trên, nhà thầu đã phối hợp với Ban Quản lý dự án làm việc với địa phương để tìm kiếm và thống nhất các vị trí đổ thải phù hợp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lớn các vị trí đổ thải dẫn đến tình trạng phạm vi đổ thải các gói thầu bị chồng lấn. Một số gói thầu có thể đảm bảo nhưng tổng thể dự án còn thiếu hụt.
Đặc biệt, giá vật liệu cũng là vấn đề vướng mắc hiện nay trong quá trình thi công. Thời gian vừa qua, giá một số vật liệu xây dựng có xu hướng tăng khi các dự án đường cao tốc đồng loạt triển khai. Trong đó, giá thép biến động tăng rất lớn (40-60%).
Mặc dù, hợp đồng quy định việc điều chỉnh giá, tuy nhiên việc công bố chỉ số giá của các địa phương chưa kịp thời, chưa sát với thực tế giá thị trường, chưa có chỉ số giá phù hợp với đặc tính của đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ, gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu thi công, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư dự án.
Nguy cơ chậm tiến độ dự án nếu những vướng mắc không được tháo gỡ.
Ông Võ Sơn Hải - Phó Giám đốc Ban điều hành công trường - Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nói: "Trong quá trình thi công gặp không ít vướng mắc về nguồn nguyên liệu phục vụ thi công, bãi đổ thải mới chỉ giải quyết được 50% cùng với giá vật liệu tăng cao. Những nguyên nhân trên là lo ngại lớn nhất hiện nay của đơn vị thi công tại Thanh Hóa.
Chính vì vậy nhà thầu rất mong muốn được chính quyền địa phương, các Bộ ngành liên quan giải quyết những vướng mắc trên để không làm ảnh hưởng đến quá trình thi công cũng như tiến độ theo kế hoạch".
Ngày 30/6, tại buổi thị sát của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác của Chính phủ về 2 dự án thành phần cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn và Mai Sơn - Quốc lộ 45, Ban quản lý dự án cũng đưa ra những kiến nghị như: Mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và nhà thầu làm việc với các chủ mỏ để ưu tiên cấp đất đắp cho dự án theo khối lượng đăng ký của các nhà thầu.
Trên cơ sở Nghị quyết 60 của Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn cụ thể các thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu theo hướng rút gọn, đảm bảo thời gian cấp phép dưới 6 tháng để kịp thời cung cấp cho dự án.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng các tỉnh ban hành công bố giá, chỉ số giá theo tháng đảm bảo sát với thực tế thị trường, xây dựng chỉ số giá riêng cho đường cao tốc và các công trình đặc thù như hầm đường bộ để có cơ sở thực hiện điều chỉnh giá cho phù hợp, đúng quy định.
Bình Minh