Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ sở để đánh giá công tác dạy học của giáo viên, công tác quản lý của các cấp quản lý chứ không chỉ hướng đến học sinh.
Đánh giá kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại TP Đà Nẵng, ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở GD- ĐT TP Đà Nẵng - cho biết, kỳ thi đã diễn ra an toàn, thành công.
Theo ông Linh, khi dịch bùng phát, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố cũng như phối hợp với các sở, ban, ngành chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức kỳ thi.
Theo đó, phải đảm bảo quy chế của Bộ GD-ĐT, tính bảo mật và những khâu liên quan đến kỳ thi. Thứ 2, phải đảm bảo an toàn về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Thí sinh Đà Nẵng trao đổi đề thi sau khi kết thúc môn thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (Ảnh: Khánh Hồng).
"Trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp đã kiểm soát được dịch bệnh. Không có ca mắc trong cộng đồng, mà chỉ có một số ca ở trong khu cách ly và khu phong tỏa. Ở một điều kiện may mắn như vậy, chúng tôi đã thực hiện tốt kỳ thi này", ông Linh nói.
Ông Linh chia sẻ, cùng một lúc làm song song 2 nhiệm vụ là thực hiện theo quy chế của Bộ GD-ĐT, đặc biệt là tính bảo mật của kỳ thi và công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 thì khó khăn hơn nhiều khi làm một nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ năm ngoái, cùng với chỉ đạo rất quyết liệt của UBND thành phố; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các quận, huyện, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra thông suốt.
"Chúng tôi có kinh nghiệm tổ chức thi cho F1 nên năm nay chúng tôi mạnh dạn tổ chức thi, vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo quyền lợi cho các em", ông Linh cho hay.
Trả lời câu hỏi có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay hay không, ông Linh cho rằng, đây là một quan điểm rất lớn. Đối với Bộ GD-ĐT cũng có khẳng định rõ, công tác thi tốt nghiệp là một kênh để Bộ đánh giá các công dạy học của các tỉnh, các sở.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ sở để đánh giá công tác dạy học của giáo viên, công tác quản lý của các cấp quản lý chứ không chỉ hướng đến học sinh. Đối với cấp quản lý, sẽ biết được kết quả dạy học của các tỉnh, từ đó sẽ có điều chỉnh nội dung dạy học, phương pháp dạy học", ông Linh nói.
Ông Linh cũng cho biết, như Bộ GD-ĐT đã có thông tin, việc thi hay không thi không phải quyết định của Bộ mà đã được đưa vào luật, không thi dịp này thì thi dịp khác. Còn muốn không thi, phải thực hiện khâu trước tiên là sửa đổi luật.
"Chuyện thi có thể là thời điểm này hoặc thời điểm khác, có thể là Bộ tổ chức hay là các sở tổ chức. Đó là câu chuyện phân cấp của Bộ, nhưng không thể không thi khi chưa sửa luật. Tương lai nếu có những bổ sung trong luật, lúc đó chúng ta sẽ thực hiện theo quy định của luật", ông Linh cho biết thêm.
Khánh Hồng