"Gia đình thực sự phải là nơi an toàn nhất cho mỗi thành viên để chống chọi lại mọi thách thức rủi ro bên ngoài"- PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới nói.
PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
PGS.TS Trần Thị Minh Thi (Ảnh: T.K).
- Chỉ thị 06-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay, thưa bà?
Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành đúng vào dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6). Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua cũng nêu rất rõ vai trò của gia đình, đó là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, vợ chồng hòa thuận, con cháu hiếu thảo, anh chị em yêu thương nhau.
Hơn nữa, từ năm 2015 sau khi Liên Hợp quốc có chương trình nghị sự tới năm 2020 về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thể hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, quan hệ trong gia đình, quan hệ nam nữ, vợ chồng, anh chị em,...
Quan trọng nhất là Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư khóa IX về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã triển khai thực hiện được 15 năm. Sau 15 năm triển khai đã có những thành tích liên quan đến kinh tế gia đình, bình đẳng giới, dịch vụ gia đình, giáo dục trong gia đình đã được cải thiện rất lớn, rất rõ.
Nhưng đến nay cũng có rất nhiều thách thức mới. Việt Nam đang già hóa dân số rất nhanh, tỷ lệ dân số già bây giờ là 13,7%. Di cư từ nông thôn ra đô thị càng ngày càng rõ nét, mà hiện nay phụ nữ là chính, nhỉnh hơn so với nam giới. Người già càng ngày càng nhiều, mức sinh ở mức thay thế, trong khi người phụ nữ là người chăm sóc gia đình tham gia thị trường lao động rất cao. Điều đó đặt ra vấn đề mối quan hệ gia đình cần điều chỉnh thế nào, rồi vấn đề chăm sóc, nội trợ, dịch vụ hỗ trợ gia đình,…?
Đi cùng với hội nhập, hiện đại hóa thì mặt trái của nó là chủ nghĩa cá nhân, lối sống ích kỷ, ly hôn tăng lên, sống vì cái tôi nhiều hơn. Thực tế cho thấy, tỷ lệ ly hôn trong thời gian vừa rồi đã tăng đều, khoảng 3%, so với nhiều nước châu Á không kém gì cả.
Điều đó đặt ra rất nhiều vấn đề về gia đình, cần có chỉ thị mới để điều chỉnh, định hướng công tác xây dựng gia đình trong thời gian tới. Tôi cho rằng Chỉ thị 06-CT/TW ra đời rất đúng thời điểm, vô cùng quan trọng, kịp thời để định hướng giá trị gia đình, xây dựng công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay.
- Theo bà, thời gian tới cần triển khai ngay những công việc nào để đưa Chỉ thị 06 vào cuộc sống? Những thách thức, khó khăn có thể gặp phải là gì?
Vấn đề gia đình liên quan đến cả cá nhân và xã hội. Mỗi con người sinh ra đều thuộc về một gia đình, nên xây dựng gia đình trước hết thuộc về từng cá nhân, từng con người trong xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, mỗi con người là thành viên góp phần hình thành nên tế bào đó. Giải pháp thực hiện Chỉ thị 06 đã nói rất rõ, từng bộ, ban, ngành cần phải có trách nhiệm thực hiện thế nào.
Còn nhìn từ thực tiễn, tôi thấy rằng trong mỗi gia đình cần phải có tuyên truyền, vận động rất quan trọng. Bây giờ thông tin rất mở, mạng internet có vô cùng nhiều thông tin, tốt có, độc hại có.
Thế hệ trẻ rất dễ bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi thông tin xấu độc trên mạng, trong đó có cả những thông tin cổ xúy cho lối sống ích kỷ, hưởng thụ như không cần kết hôn, chung sống không kết hôn, làm mẹ đơn thân,… Đó là quyền con người nhưng giá trị truyền thống, gia đình truyền thống ở Việt Nam gồm có vợ chồng kết hôn với nhau và sinh con đẻ cái - mô hình gia đình cần phải khuyến khích đề cao. Tất nhiên mình chấp nhận các mô hình gia đình khác, đa dạng mô hình nhưng không nên cổ xúy cho lối sống vì cái tôi.
(Ảnh minh họa).
Tuổi kết hôn của Việt Nam hiện nay là 25,2, rất sớm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng giá trị gia đình ở Việt Nam vẫn là số một. Tuyệt đại đa số người dân Việt Nam vẫn mong muốn kết hôn, trưởng thành là phải lập gia đình.
Xu hướng thích độc thân, không kết hôn chỉ là một bộ phận nhỏ thôi, nhưng điều đáng lưu ý ở đây là nó thuộc về nhóm các bạn trẻ. Vì thế chúng ta cần định hướng để bộ phận trẻ nhận thức được giá trị thiêng liêng của gia đình. Gia đình thực sự phải là nơi an toàn nhất cho mỗi thành viên để chống chọi lại mọi thách thức, rủi ro bên ngoài.
- Để làm được điều đó cũng cần phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách gia đình và bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến gia đình?
Trong các luật như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn đã có rất nhiều quy định điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình rồi. Tôi cho rằng quan trọng nhất là chấp hành tốt những quy định đó.
Các quy định về trách nhiệm của vợ chồng, các thành viên trong gia đình, bình đẳng giới, bạo lực gia đình,… cần được phổ biến rộng rãi hơn nữa. Chúng tôi đi khảo sát ở các địa phương thì thấy rằng không phải người dân nào cũng nắm được rõ các quy định của luật, không phải người dân nào cũng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình.
Ở địa phương, Hội phụ nữ, Đoàn thành niên, Hội người cao tuổi, chính quyền địa phương nên có sự quan tâm phổ biến Chỉ thị 06-CT/TW cho từng hộ gia đình. Có thể cân nhắc xây dựng các phong trào, cuộc vận động.
Bên cạnh đó, các hội, đoàn thể làm việc với nhà khoa học, xây dựng được các cuộc vận động để xây dựng các giá trị gia đình, mô hình gia đình theo Chỉ thị 06 thì rất tốt và hiệu quả.
-Xin cảm ơn bà !
Khắc phục bệnh thành tích trong công tác xây dựng gia đình
Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu phải xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc.
Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.
Thế Kha