Hãng Pfizer (Mỹ) công bố nghiên cứu cho thấy, việc tiêm mũi 3 của vắc xin Covid-19 mà họ hợp tác sản xuất với BioNTech (Đức), mang lại hiệu quả mạnh mẽ trong việc chống lại biến chủng Delta nguy hiểm.
Biến chủng Delta đang gây ra làn sóng lây nhiễm bùng nổ trên khắp thế giới (Ảnh minh họa: Reuters).
Dữ liệu do Pfizer đăng tải hôm 28/7 cho thấy, liều thứ 3 của vắc xin Pfizer/BioNTech có thể tăng cường một cách mạnh mẽ khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta, cao hơn hẳn so với việc tiêm 2 mũi tiêu chuẩn.
Cụ thể, dữ liệu cho thấy lượng kháng thể chống lại Delta tăng gấp 5 lần ở nhóm 18-55 tuổi tiêm liều vắc xin thứ 3. Trong nhóm 65-85 tuổi, con số này thậm chí ấn tượng hơn với mức tăng là 11 lần. Thử nghiệm của Pfizer được thực hiện trên 23 người, chưa có bình duyệt khoa học.
Ngày 28/7, người phụ trách bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Pfizer Mikael Dolsten nhận định rằng dữ liệu mới được công bố là "đáng khích lệ".
Ngoài ra, Pfizer cho biết, mức kháng thể chống lại chủng ban đầu, chủng Beta (lần đầu phát hiện ở Nam Phi) cũng cao hơn nhiều ở người được tiêm liều 3.
Đầu tháng này, Pfizer thông báo rằng họ đang nỗ lực phát triển liều thứ ba nhằm bảo vệ người được tiêm khỏi các biến thể virus. Công ty cũng cho biết họ sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp liều thứ 3 từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào tháng 8.
Tuy nhiên, FDA và cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sau đó cho biết, người Mỹ hiện chưa cần liều vắc xin thứ 3 và việc có cần tiêm liều 3 hay không không phải là quyết định của riêng công ty dược.
Pfizer cho hay, họ dự định sẽ nộp dữ liệu về liều thứ 3 lên FDA sớm nhất là vào tháng sau. Hãng này cũng cho rằng, việc tiêm bổ sung liều 3 có thể cần trong vòng 6-12 tháng sau khi tiêm đủ 2 liều, nhất là trong bối cảnh chủng Delta đang lây lan chóng mặt và đặt ra nhiều thách thức với hệ thống y tế. Hiện quyết định về việc có cần tiêm liều 3, hay tiêm khi nào, phụ thuộc vào FDA và CDC.
Đức Hoàng
Tổng hợp