Một chút trẻ con, một chút "cứng đầu", cô dâu trẻ nhất quyết không để cho chồng đụng vào người. Gần 10 năm sau, họ mới chính thức là vợ chồng nhưng mặn nồng hương lửa chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 tháng...
Người vợ liệt sĩ lấy chồng gần 10 năm vẫn là con gái
Những ngày tháng Bảy, bà Ngô Thị Đỉu (SN 1946, trú xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) trầm lặng hơn ngày thường. Bà tỉ mẩn lau dọn bàn thờ, bày gói bánh lên chiếc đĩa, thì thầm nói chuyện với người chồng là liệt sĩ Ngô Xuân Tấn (SN 1938). Trong căn nhà tình nghĩa, thứ quý giá nhất là những tấm huân huy chương của liệt sĩ Ngô Xuân Tấn được treo trên tường và bức ảnh đen trắng của ông đã mờ nhòe vì thời gian.
Gần 50 năm qua, bà quyết sống một mình thờ chồng và nuôi 2 con gái trưởng thành. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, bà vẫn ngượng ngùng về câu chuyện vợ chồng của mình. Câu chuyện đã khiến bà day dứt suốt một đời.
Bà Đỉu đến với chồng vì không dám cãi lời cha mẹ chứ không phải tình cảm yêu đương. Năm đó, cô thôn nữ chưa tròn 18 tuổi. Hai người ở cùng xóm, cũng không phải là xa lạ gì dù ông Tấn hơn bà mấy tuổi.
"Lúc đó tôi còn nhỏ, nào đã biết suy nghĩ thấu đáo, còn hậm hực mẹ cha bởi "thời đại nào rồi còn có chuyện ép duyên" nên cứ ngấm ngầm phản đối cuộc hôn nhân này. Cưới xong, hai vợ chồng ngủ một giường nhưng tôi nhất quyết không cho ông ấy đụng vào người. Cưới 29 Tết thì Mùng 4 ông ấy lên đường nhập ngũ. Có chồng, tôi vẫn là con gái. Ngày lên đường, đôi mắt ông ấy buồn lắm, như sắp khóc...", bà Đỉu bắt đầu câu chuyện tình yêu kỳ lạ của mình. Bà không ngờ rằng, phải mất hơn 9 năm sau bà mới gặp lại người chồng của mình.
Chưa đủ yêu thương, chưa kịp gắn bó nên bà cũng không có cảm giác nhớ nhung như những người vợ khác. Ở nhà, bà tham gia tổ hợp tác, hoạt động đoàn thể địa phương, vẫn hồn nhiên như những thôn nữ chưa chồng khác. Bà lẳng lặng với nhiệm vụ của người con dâu trong nhà, cũng đôi lần chạnh lòng khi nhận được bức thư từ chiến trường của người anh trai chồng nhắc "chú mự đã có gì chưa?".
Nhưng rồi những nhớ nhung, yêu thương, lo lắng bắt đầu nhen nhóm trong lòng người vợ trẻ qua những bức thư hiếm hoi ông gửi về. Vẫn là những lời hỏi thăm, những quan tâm, động viên người vợ trẻ mà tuyệt không một lời trách móc, không một lời oán giận. Nghĩ đến cảnh chồng đang trong cảnh bom rơi, đạn lạc, bà trách bản thân nhiều hơn, bởi chiến tranh ai biết trước điều gì? Bà quặn lòng xót xa nghĩ về tiếng thở dài của chồng trong đêm khuya, nơi căn buồng tân hôn mà mỗi người nằm một góc giường.
Ông đi biền biệt, hết chiến trường B. lại qua Campuchia, bà vẫn âm thầm chờ đợi.
"Hôm đó tôi đang tham gia làm kinh tế mới ở xã Hưng Yên (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) thì ông Bí thư chi bộ chạy đến bảo "chồng o đến thăm, cho o nghỉ làm một hôm". Thì ra anh ấy được đơn vị cử ra Bắc học, tranh thủ ghé qua nhà, biết tôi ở ngoài này nên đi bộ gần 20 cây số ra. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó tôi thành vợ anh. Chiều ấy anh trở lại đơn vị gấp, không kịp về nhà", bà Đỉu ngượng ngùng kể.
Chỉ lần duy nhất ấy, bà Đỉu mang thai. Niềm hạnh phúc làm mẹ sau gần 10 năm mang danh phận người vợ mới kịp nhen lên thì biến cố xảy ra. Khi cái bụng lùm lùm cũng là khi bao nhiêu tiếng ì xèo nổi lên. "Người ta vu cho tôi cái tội hủ hóa, lăng loàn, phản bội chồng. Tôi có thanh minh như thế nào cũng không ai nghe, kể cả bố mẹ chồng", bà bật khóc.
Khi con gái Ngô Thị Ngoan (SN 1973) chào đời, áp lực dư luận càng đè nặng lên vai bà Đỉu. Cái "tội" ngoại tình, phản bội chồng khi chồng đang ở mặt trận nó khủng khiếp lắm. Bà chới với, tuyệt vọng không thể thanh minh, không thể chứng minh được sự trong sạch của mình, mà chồng thì xa quá...
Ngoài đứa con gái bé bỏng, thứ duy nhất giúp bà chống đỡ với bão táp dư luận là bức thư kín đặc 4 chữ "chín đợi, mười chờ" mà ông Tấn gửi vợ trước đó. Đó không chỉ là niềm tin của ông đặt trọn cho người vợ, mà là điều bà tự răn mình - vợ người lính thời chiến. Nhưng rồi, sức chịu đựng của con người có hạn, bà đánh liều viết đơn báo cáo sự việc vào đơn vị. Ông được đơn vị cho về phép để giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình.
Người lính Ngô Xuân Tấn về, nỗi oan của vợ được cởi bỏ. Hơn hai tháng ông về phép là quãng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời bà Đỉu, nhất là khi bà biết mình mang bầu lần thứ 2. Thời điểm ấy cô con gái đầu chưa đầy 1 tuổi.
"Biết tôi mang thai, ông ấy vui lắm. Tôi sinh vào cuối năm nhưng từ tháng 4 ông đã đi chặt củi, chất đầy một góc sân để sau này sinh tôi còn có củi sưởi. Ông ấy dặn bố chồng tôi ở nhà, mùa đông chịu khó kiếm củi để sưởi cho mấy mẹ con. Ông bảo đợt này vào, hết chiến dịch sẽ xin chuyển về gần nhà để tiện chăm sóc mẹ con tôi...", bà Đỉu nhớ lại.
Ngày 20/5/1974, ông Tấn lên đường trở lại mặt trận. Đó là lần cuối cùng bà Đỉu được thấy người chồng yêu thương của mình. 10 ngày sau, khi đang nằm ru con ngủ trong buồng, bà nghe tiếng thì thào ở gian ngoài. Sự im lặng bao trùm, người bố chồng ngồi bất động. Người lính Ngô Xuân Tấn đã hi sinh, khi con tàu chở ông chưa kịp cập bến Cửa Việt (Quảng Trị) đã bị địch đánh chìm. Bà ngất xỉu bởi nỗi đau quá sức chịu đựng...
Khó có thể nói hết những gian truân nhọc nhằn mà người phụ nữ này đã trải qua để nuôi dạy 2 con nên người. Hai người con gái vợ chồng bà đã gửi gắm bao kỳ vọng trong từng cái tên Ngoan - Hiền.
"Mẹ tôi kể lại, hồi bố về phép, tôi mới hơn 10 tháng, chiều nào hết việc đồng áng, cuốc xới ruộng vườn, gánh đầy lu nước, bố cũng bế tôi đi chơi khắp xóm. Tuy không nhớ được mặt bố nhưng tôi vẫn may mắn hơn em Hiền. Bố mất, các con còn nhỏ, mẹ phải nghỉ công việc xã hội để thay chồng nuôi con. Ba mẹ con, khó khăn, thiếu thốn không kể hết được nhưng mẹ luôn kiên cường. Có lần tôi hỏi mẹ còn trẻ, sao không đi bước nữa, bà bảo vì bà thương ông, không nỡ làm gì có lỗi với ông, dù chỉ là trong suy nghĩ", chị Ngô Thị Ngoan kể.
Những vất vả, nhọc nhằn không thể xóa mờ nét đẹp của người vợ liệt sĩ này. Chiến tranh kết thúc, có nhiều người đến mong gánh vác cuộc sống cùng bà. Bà lắc đầu từ chối. Bà dành cả cuộc đời để chờ đợi dù biết ông không thể trở về. Bốn chữ "chín đợi, mười chờ" trở thành lời hứa khắc sâu trong tâm khảm, trở thành điểm tựa giúp bà chống đỡ với những phút chông chênh trong cuộc sống.
"Nay tôi có 5 đứa cháu và 1 đứa chắt. Nhờ ông ấy phù hộ nên ở tuổi này tôi vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, có thể giúp cháu trông chắt để chúng đi làm", bà cười mãn nguyện về "tài sản khổng lồ" mà mình có được.
Bài và ảnh: Hoàng Lam