Trong khi Pfizer cho biết sẽ xin cấp phép tiêm thêm liều vắc xin tăng cường trong tháng tới, các cơ quan quản lý Mỹ cho hay hiện những người Mỹ đã được tiêm đầy đủ chưa cần phải tiêm thêm.
Người dân đi tiêm vắc xin ở bang Maryland, Mỹ (Ảnh: EPA).
Hãng dược Pfizer có kế hoạch đề nghị các cơ quan y tế Mỹ cấp phép tiêm thêm liều vắc xin Covid-19 tăng cường vào tháng tới, báo Guardian dẫn lời Giám đốc khoa học của hãng dược này, ông Mikael Dolsten, cho biết hôm 8/7.
Ông Dolsten cho hay, Pfizer và đối tác BioNTech của Đức đã bắt đầu nghiên cứu phiên bản vắc xin đặc biệt có khả năng chống Delta - biến chủng nguy hiểm đang lây lan nhanh khắp thế giới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, loại vắc xin đang được sử dụng hiện nay là rất tốt, không cần phải thay thế và chỉ cần tiêm thêm liều tăng cường thứ 3.
Theo ông Dolsten, kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy liều vắc xin tăng cường tạo ra mức kháng thể cao từ 5-10 lần so với mức sau khi tiêm liều thứ hai, mở ra hiệu quả đầy hứa hẹn của liều vắc xin tăng cường từ Pfizer.
Ông Dolsten cho biết thêm, một số nước châu Âu và các nước khác đang thảo luận với Pfizer về việc này. Một số quốc gia có thể đã bắt sử dụng mũi tiêm tăng cường trước khi được Mỹ cấp phép bởi theo ông điều này là đặc biệt quan trọng đối với những người lớn tuổi.
Động thái trên của Pfizer diễn ra trong bối cảnh có các bằng chứng cho thấy, người đã tiêm vắc xin có nguy cơ tái nhiễm cao sau 6 tháng trong khi bùng nổi những lo ngại biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Hồi tháng 6, Bộ Y tế Israel đánh giá hiệu quả của vắc xin Pfizer chỉ còn 64% trong việc ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm và nhiễm bệnh có triệu chứng.
Ông Dolsten cho biết, theo những báo cáo gần đây của Israel, các ca nhiễm mới chủ yếu là từ những người tiêm từ hồi tháng 1 hoặc tháng 2. "Vắc xin Pfizer có hoạt tính cao chống lại biến chủng Delta. Nhưng sau 6 tháng, có thể có nguy cơ tái nhiễm khi các kháng thể, như đã dự đoán, sẽ bị suy yếu", ông Dolsten nói.
Nhưng ông Dolsten nhấn mạnh, dữ liệu từ Israel và Anh cho thấy, ngay cả khi các kháng thể suy yếu, vắc xin của Pfizer vẫn đạt hiệu quả khoảng 95% trong việc ngăn chặn việc nguy cơ nhiễm bệnh nặng.
Trong khi đó, theo Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla, mọi người có thể sẽ cần tiêm liều vắc xin tăng cường sau mỗi 12 tháng, tương tự tiêm phòng cúm hàng năm. Nhưng một số nhà khoa học đặt câu hỏi thời điểm nào phải tiêm và liệu việc này có cần thiết hay không.
Và trong khi Pfizer/BioNTech dự kiến đề nghị cấp phép tiêm liều vắc xin tăng cường, các cơ quan quản lý Mỹ cho biết hiện những người Mỹ đã được tiêm đầy đủ chưa cần phải tiêm thêm.
"Chúng tôi đã sẵn sàng cho kế hoạch tiêm thêm liều tăng cường nếu và khi khoa học cho thấy cần phải tiêm", Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết trong một tuyên bố chung vào cuối ngày 8/7.
Thanh Thành
Theo Guardian