Một hoa tiêu Liên Xô từng may mắn sống sót kỳ diệu trong suốt một tháng ròng ở vùng rừng Alaska, Mỹ heo hút sau một sự cố máy bay trên không.
Một hoa tiêu Liên Xô từng may mắn sống sót kỳ diệu trong suốt một tháng ròng ở vùng rừng Alaska, Mỹ heo hút sau một sự cố máy bay trên không.
Konstantin Petrovich Demyanenko (Ảnh: Topwar).
Cơ quan báo chí của Hiệp hội Địa lý Nga (RGO), mà Chủ tịch là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, gần đây đưa tin, 5 máy bay ném bom của Mỹ từ thời Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945) của Liên Xô đã được tìm thấy ở Kamchatka trong các chiến dịch tìm kiếm. Các mảnh vỡ của một máy bay cường kích "Douglas" A-20, hai máy bay cường kích hải quân PV-1 "Ventura", một máy bay ném bom tầm xa B-24 "Liberator" và một B-25 "Mitchell" đã được đưa đi kiểm tra.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Địa lý và Cơ quan Quân sự Nga sẽ đưa ra một bức tranh rõ ràng hơn về sự tương tác giữa Mỹ và Liên Xô trong Thế chiến II. Vẫn chưa rõ những ai là thành viên phi hành đoàn của những chiếc máy bay trên, nhưng có thể giả định rằng số máy bay này được cung cấp theo chương trình Lend-Lease (chương trình cho vay-mượn của Mỹ với mục đích viện trợ hàng hóa, vũ khí cho Liên Xô và các nước ở châu Âu đánh phát xít Đức từ năm 1941 và kéo dài tới hết chiến tranh) mà một trong những tuyến đường đó là tuyến Thái Bình Dương, chạy từ Alaska dọc theo bờ biển Kamchatka. Không phải tất cả các máy bay do phi công Liên Xô điều khiển đều thực hiện thành công và cũng có những tổn thất. Nhiều khi đó là những câu chuyện bi thảm, nhưng đôi khi lại là những câu chuyện li kỳ mà bây giờ ít người còn nhớ đến.
Hoa tiêu Liên Xô kín tiếng
Một trong những ví dụ điển hình là tên tuổi của hoa tiêu Konstantin Demyanenko cũng được ít người biết đến. Ngay cả trong bảo tàng của xí nghiệp hàng không Irkutsk, nơi ông làm việc sau chiến tranh, cũng không có lấy một hiện vật nào nhắc nhớ đến ông. Chỉ có một dòng chú thích ngắn gọn: Konstantin Petrovich Demyanenko, người được tặng Huân chương Sao Đỏ, từ năm 1948 đã làm việc ở Irkutsk với vai trò là một hoa tiêu cao cấp của các đơn vị bay, đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu "Người đã có 5.000 giờ bay an toàn" và "Người đã có quãng đường bay 1.000.000 km an toàn".
Các đồng nghiệp thậm chí còn không ngờ rằng Demyanenko không chỉ là người từng ở ngoài mặt trận, một phi công đã tham gia trung chuyển máy bay theo diện Lend-Lease trên tuyến đường Alsib từ Mỹ về Liên Xô mà ông còn rơi vào những tình cảnh trớ trêu tới mức có thể viết thành kịch bản cho một bộ phim phiêu lưu mạo hiểm hoặc làm cốt truyện cho một tác phẩm văn học đầy lý thú. Ông chưa bao giờ nói nhiều về quá khứ của mình, đặc biệt là về quãng thời gian phục vụ trong Sư đoàn không quân số 1 chuyên tiếp nhận và đưa máy bay từ Mỹ về Liên Xô. Thứ nhất, bởi vì ông đã ký cam kết với cơ quan phản gián quân đội không tiết lộ bí mật quân sự, và thứ hai, vì bản tính khiêm tốn của ông.
Trong lịch sử của Trung đoàn tiếp nhận và trung chuyển máy bay số 1, đóng quân ở Alaska (Mỹ), câu chuyện liên quan đến ông cũng khá khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn có mấy dòng thế này: "Demyanenko Konstantin Petrovich (Thượng úy) - Hoa tiêu trong phi đội. Ngày 27/061943, trong khi bay trên tuyến Ladd Field - Nome, đã rơi ra khỏi buồng lái chiếc A-20 trong khi máy bay làm động tác bổ nhào. Ông đã chạm đất an toàn bằng dù. Suốt trong 1 tháng trời, ông lang thang trong vùng rừng núi Alaska cho đến khi được Đại tá Mikhail Machin phát hiện ra từ trên không và sau đó đã được kíp lái của Đại úy Bessel Blacksmith đón về trên một chiếc thủy phi cơ".
Không thể so sánh câu chuyện của Demyanenko với câu chuyện đã xảy ra với phi công Alexei Maresyev, người bị bắn rơi trên lãnh thổ Đức Quốc xã chiếm đóng suốt trong mấy tuần liền, đã tìm cách vượt qua chiến tuyến về được với đồng đội trong khi cả hai chân đều bị thương nặng. Nhưng những gì đã xảy ra với Konstantin Demyanenko ở Alaska cũng xứng đáng được mô tả trong một câu chuyện khác. Và nếu như nhà văn Boris Polevoy, người đã viết "Chuyện về một người chân chính" dựa vào chiến công của Maresyev, biết được câu chuyện của Demyanenko, giờ đây mọi người có thể được biết nhiều hơn cái cách mà ông đã sống hơn một tháng trời ở vùng núi Alaska không một bóng người và chỉ luôn hướng tới một mục tiêu duy nhất là được trở về với đồng đội, để lại được bay và được chiến đấu.
Máy bay ném bom Douglas A-20 của Mỹ là một trong những loại máy bay nổi tiếng nhất được cung cấp theo Chương trình Lend-Lease trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (Ảnh: AP/TASS).
Có lẽ cũng cần phải nói qua về tuyến đường không Alsib - Alaska - Siberia vì thông tin về tuyến đường này đã được giữ bí mật trong nhiều năm.
Tuyến đường bắt đầu hoạt động vào năm 1942, và là một phần tuyến đường hàng không của Liên Xô trong việc trung chuyển những chiếc máy bay được Mỹ cung cấp cho Liên Xô theo thỏa thuận Lend-Lease. Theo báo cáo của sư đoàn, có 7.908 chiếc máy bay đã được trung chuyển theo tuyến đường Alsib.
Nếu nhìn vào các số liệu thống kê, có thể thấy trong số đó có 729 máy bay ném bom B-25, 1.355 máy bay A-20 (trong việc trung chuyển loạt máy bay này có sự tham gia của Hoa tiêu Konstantin Demyanenko), 4 máy bay tiêm kích P-40, 2616 chiếc P-39, 2396 chiếc P-63, 3 chiếc P-47, 707 chiếc máy bay vận tải SI-47, 1 chiếc SI-46 và 54 máy bay huấn luyện AT-6.
Tuyến đường trên không chỉ để trung chuyển các máy bay mà còn để chuyên chở nhiều loại hàng hóa khác như: thiết bị quân sự, vàng, mica, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị cho các quân y viện, thư từ, trong đó có 187 tấn thư từ, giấy tờ ngoại giao. Và thậm chí có cả những hàng hóa phi quân sự như trứng đang ấp, răng giả, kim máy khâu, phụ tùng đồng hồ, văn phòng phẩm và nhiều thứ khác.
Tuyến đường nói trên đã ngừng hoạt động vào tháng 10/1945. Trong quãng thời gian này, trên địa phận Liên Xô đã xảy ra các vụ tai nạn trong khi bay, trong đó có nhiều vụ máy bay rơi, trục trặc kỹ thuật, và hư hỏng thiết bị. Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại đó là do điều kiện thời tiết trên tuyến đường này hết sức phức tạp, công tác đảm bảo khí tượng kém, có những sai sót trong thiết kế và lỗi chế tạo máy bay, công việc chuẩn bị cho máy bay cất, hạ cánh của các đơn vị hậu cần chưa thực sự đầy đủ.
Nhà báo Irkutsk Mikhail Deniskin là người biết rõ câu chuyện về Konstantin Demyanenko, tuy nhiên, ngay cả trong cuốn sách "Lần theo dấu vết của "Boston"" (tên gọi của loại máy bay ném bom hạng nhẹ Douglas A-20) viết tặng các phi công Xô viết từng tham gia trung chuyển máy bay Lend-Lease từ Mỹ về, ông cũng mô tả câu chuyện về Demyanenko không mang nhiều chất văn học.
Mikhail Deniskin cho hay, tất cả các sự kiện liên quan đến tuyến đường Alsib đáng được đưa vào các công trình nghiên cứu lịch sử, nhưng tính xác thực của chúng vẫn còn bị che đậy bởi bức màn bí ẩn. Các tài liệu được giải mật vẫn còn rất hạn chế, nhiều người tham gia trực tiếp vào các sự kiện đó thì đã qua đời.
Sống sót kỳ diệu trong sự cố máy bay trên không
Nhưng câu chuyện xảy ra với Konstantin Demyanenko ở Alaska là một ví dụ thực tế về lòng dũng cảm của con người đã vượt qua những thử thách khó khăn nhất, sống sót bất chấp mọi hoàn cảnh. Ông còn gặp khó khăn hơn khi phải trải qua các cuộc kiểm tra nội bộ và phải gạt bỏ mọi cáo buộc về sự phản bội, sau đó mới có thể được tiếp tục bay, tiếp tục chiến đấu và sau đó được tham gia vào các trận không chiến trên bầu trời Hungary và Đức. Đúng là, chủ nghĩa anh hùng vẫn còn là một "phần còn để trống" trong tiểu sử của ông.
Nhiều năm sau, sau khi phi công Konstantin Demyanenko qua đời vào năm 1961, Mikhail Innokentievich Deniskin vẫn cố gắng thu thập những thông tin về ông từ những câu chuyện của các cựu chiến binh Alsib hay qua các tài liệu lưu trữ.
Konstantin Demyanenko tốt nghiệp trường đào tạo hoa tiêu mang tên Chkalov năm 1937. Khi lựa chọn các phi công phục vụ cho tuyến đường bí mật Alsib, người ta ưu tiên chọn những người đã từng có kinh nghiệm trong chiến đấu. Demyanenko đã có được những kinh nghiệm trong chiến dịch Phần Lan năm 1939-1940, do đó ông được điều động đến đơn vị quan trọng nhất - đó là trung đoàn số 1, đóng tại Alaska. Ông đã nhiều lần bay qua eo biển Bering giữa Mỹ và Liên Xô, cho đến khi rơi vào một hoàn cảnh éo le.
Vào ngày 27/6/1943, tốp A-20 "Boston" do một máy bay B-25 dẫn đầu đã rời đường băng của căn cứ không quân Ladd Field. Các máy bay tiến đến gần sân bay Nome, nhưng do điều kiện khí tượng xấu, sân bay này đã từ chối tiếp nhận - họ buộc phải hạ cánh xuống sân bay dự phòng Galen. Sau khi hạ cánh, mọi người mới phát hiện ra rằng sỹ quan hoa tiêu, Thượng úy Demyanenko, không có trong buồng lái. Anh đã biến mất trong khi bay.
Sau đó, mọi người mới sực nhớ ra là trong điều kiện tầm nhìn kém, người hoa tiêu đã mở cửa kính buồng lái máy bay để có thể quan sát trực tiếp địa hình. Còn viên phi công không để ý nên đã thực hiện động tác ngoặt gấp để vòng tránh các đám mây giông khiến Demyanenko bị văng ra khỏi buồng lái. Một chân bị đập vào bộ phận đuôi của máy bay, viên thượng úy chỉ bị văng mất 1 chiếc giày, nhưng may không bị ngất nên kịp mở được dù.
Các cuộc tìm kiếm viên hoa tiêu bị mất tích do đích thân chỉ huy trung đoàn không quân Mikhail Machin phụ trách. Thời gian đầu, trời mưa liên tục trong mấy ngày liền nên các máy bay không thể cất cánh. Các chuyến bay tìm kiếm sau đó cũng không thu được kết quả gì. Khi đó, Đại tá Machin đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của người đứng đầu căn cứ, viên tướng Mỹ Gaffney.
Mãi hai tuần sau, một phi công Mỹ mới báo cáo rằng anh ta có nhìn thấy một đốm trắng khác thường trên một lùm cây ở trên núi. Người ta nghi rằng đó có thể là một chiếc dù. Nhưng ngày hôm sau, khi các phi công Liên Xô bay đến khu vực nói trên thì lại không thấy gì.
Hai tuần nữa trôi qua, việc tìm kiếm không thành công. Một hôm, từ trên cao, Đại tá Machin nhìn thấy có đám khói mờ bay lên. Anh cho máy bay hạ xuống thấp, lượn một vòng và thấy một người đang đứng trên bờ sông, tay cầm chiếc áo vẫy vẫy. Đó chính là Demyanenko.
Trong chuyến bay tiếp theo, người ta thả xuống cho anh một ít đồ đạc cần thiết: một túi ngủ, thức ăn, một khẩu súng lục kèm theo một lời nhắn: "Không được ăn nhiều. Cứ ở nguyên tại chỗ!". Từ trên cao, Machin nhìn thấy một cái hồ, có thể thích hợp để thủy phi cơ hạ cánh. Phía Mỹ đã cử Đại úy Basil Blacksmith đi cứu viên phi công Xô viết. Sau đó, Demyanenko đã kiệt sức và bị muỗi cắn đầy người được đưa đến quân y viện Fairbanks.
Sau này, Konstantin Demyanenko đã kể lại về những ngày gian khổ của mình.
Sau khi chạm đất, ông bị mất chiếc ủng thứ hai. Không có súng bắn pháo sáng để báo hiệu. Các que diêm thì đã bị ẩm hết. Ông phải ăn quả dại, rễ cây và những con chim bắn được. Khẩu súng TT chỉ có 2 băng đạn, một số đạn đã phải bắn để xua đuổi những con gấu xám, vốn rất sẵn ở vùng này. Sau đó, ông đã nhặt nhạnh những khúc cây khô đóng một chiếc bè, bơi theo con suối xuống vùng thung lũng. Không hiểu có một phép màu nào đó mà ông đã châm được que diêm cuối cùng và đốt đống cỏ khô, vì thế mới có đám khói mà từ trên cao Đại tá Machin có thể nhìn thấy.
Câu chuyện có vẻ giản dị mộc mạc - không có chủ nghĩa anh hùng nào hiện hữu ở đây. Konstantin Demyanenko thậm chí còn không có ý định lập nên một chiến công nào đó. Trong hoàn cảnh này, chỉ đơn giản là ông luôn tin rằng mình sẽ không bị bỏ rơi, sẽ được tìm thấy, được giải cứu. Với suy nghĩ như vậy, ông đã tiến lên phía trước bằng tất cả sức lực của mình. Vì vậy, ông đã cố gắng để sống, và sau đó lại được bay cho tới ngày Chiến thắng.
Ở ngoại ô Irkutsk, trong ngôi làng Pivovarikha, có một nghĩa trang. Theo truyền thống, các phi công qua đời được an táng ở đó. Những chiếc máy bay thường bay ngang qua đây, làm động tác nghiêng cánh như nghiêng mình trước những con người đã cống hiến những năm tháng của cuộc đời mình cho quân chủng không quân, cho ngành hàng không. Trong số những ngôi mộ ở đó, có một ngôi mộ mang tên họ của Konstantin Demyanenko - người đã lập nên chiến công khiêm nhường, phụng sự cho Tổ quốc.
Nguyễn Quang
Theo Svpressa