Sau một tuần giãn cách xã hội, người dân Bình Dương đã quen dần với việc hạn chế di chuyển, hạn chế tụ tập để chung tay phòng chống dịch.
Cảnh vắng vẻ, nhà nhà cửa đóng then cài phòng dịch ở Bình Dương
Cầu Vĩnh Bình là điểm giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, thường ngày luôn đông đúc phương tiện. Những ngày giãn cách xã hội vừa qua, nơi đây là điểm đặt chốt chặn kiểm soát phương tiện ra vào 2 địa phương. Người dân qua lại phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính, trình bày rõ lý ra đường.
Do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương phức tạp nên nhiều ngày nay người dân hạn chế tối đa ra đường.
Sáng 26/7, Đại lộ Bình Dương thuộc trục Quốc lộ 13 ít phương tiện cá nhân, thưa thớt vài xe tải, container vận chuyển hàng hóa qua lại.
Các xe qua chốt được lực lượng chức năng quét mã QR để xác định "luồng xanh". Sau khi quét thông tin, tài xế và những người đi cùng phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được giải quyết cho đi tiếp.
"Dịch thế này, xét nghiệm không chỉ để qua chốt mà còn yên tâm làm ăn", ông Lý Thanh Bình, ngụ Hóc Môn (TPHCM) - công nhân xây dựng ở Bình Dương chia sẻ khi chờ làm thủ tục.
Nút giao hướng về khu vực Lái Thiêu (TP Thuận An) thưa vắng phương tiện.
"Dịch dã thật căng thẳng, tôi ở đây bao năm chưa bao giờ thấy cảnh vắng xe cộ, nhà cửa đóng then cài, không ai giao tiếp với ai như thế này. Đường này ngày thường đông xe lắm, nhất là lễ hội thì chật kín đường...", bà Nguyễn Thị Thìn, sống gần cầu Ông Bố nói.
Từ 0h ngày 19/7, tỉnh Bình Dương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Các công ty nhà máy xí nghiệp buộc phải thực hiện phương án "3 tại chỗ", bố trí cho công nhân ăn, nghỉ và làm việc tại nhà máy; thực hiện phương án "một cung đường hai địa điểm". Việc địa phương triển khai kiên quyết việc này đã giúp giảm hẳn lượng người và phương tiện ra đường, góp phần phòng ngừa dịch bệnh.
Điểm đông đúc nhất dọc đại lộ Bình Dương những ngày qua là một số nơi có phòng khám xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2. Nhiều người dân xếp hàng ở đây để chờ tới lượt làm xét nghiệm, có giấy xuất trình khi qua chốt kiểm soát.
Anh Ngô Văn Đức bán rau củ ở xã Thuận Giao, TP Thuận An cứ mỗi tiếng một lần lại phun xịt lớp màng chắn trước khu bày bán rau củ để khử khuẩn.
"Tôi làm như vậy giữ an toàn cho mọi người. Lúc đầu cũng có người phàn nàn, tỏ thái độ khi bị nhắc nhở giữ khoảng cách phòng dịch, nhưng sau cũng hiểu. Tôi không nhiều tiền để làm từ thiện, nhưng bán giá bình ổn như cách giúp mọi người trong lúc này", anh Đức cho biết.
"Giờ đi mua đồ là định trước trong đầu cần thứ gì chứ không chọn lựa lâu như khi chưa có dịch. Đi nhanh còn về, mấy chỗ đông người tới lui vậy ở lâu làm chi. Giá cả tại đây không quá đắt nên mua cũng nhanh gọn", chị Nguyễn Thị Vân Anh nhà gần điểm bán rau chia sẻ.
Đại lộ Bình Dương - đoạn qua thị xã Bến Cát thưa vắng người và phương tiện. Huyện Bến Cát ghi nhận nhiều ca nhiễm liên quan đến các khu công nghiệp, người dân nơi đây hạn chế ra đường, ai ở yên trong nhà người nấy...
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát) lập rào phong tỏa cứng là các ống cống bê tông lớn chặn đường, không cho phương tiện ra vào khu vực có dịch.
Một phần phường Thới Hòa (Thị xã Bến Cát) giáp ranh với phường Mỹ Phước cũng áp dụng cách tương tự.
"Bất tiện đó, cuộc sống ảnh hưởng nhiều lắm nhưng chỉ làm quyết liệt như vậy mới mong dập dịch", chị Lê Thị Linh, đang chờ giao hàng cho người bên trong khu vực phong tỏa nói.
Phía trước trung tâm hành chính Thành Phố Mới (tỉnh Bình Dương) thưa vắng người. Các thủ tục hành chính tại đây được chuyển tới người dân qua bưu điện, hoặc thực hiện trực tuyến.