Sau khi chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có hiệu lực, người dân thực hiện nghiêm không ra đường sau 18h đến 5h sáng ngày hôm sau, các tuyến phố trung tâm vắng lặng chưa từng thấy.
Từ 18h, các tuyến phố trung tâm tỉnh Bình Dương thưa vắng người qua lại, nhà nhà cửa đóng then cài, không ra đường khi không thực sự cần thiết. Trong ảnh, nút giao công viên Thủ Dầu Một không một bóng người và phương tiện sau 18h.
Nhiều dãy nhà gần công viên Thủ Dầu Một cửa đóng then cài. Tỉnh Bình Dương yêu cầu người dân không được ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, ngưng hoạt động từ 18h - 5h sáng hôm sau.
Nhà ông H. nằm ngay bùng binh Thủ Dầu Một, ông mở cửa, đứng trong nhà quan sát lực lượng chức năng làm việc. "Đó tới giờ chưa bao giờ thấy đường phố như thế này. Bây giờ ra đường mà nói không biết quy định thì không hợp lý, báo chí nói ầm ầm mỗi ngày", ông H. chia sẻ.
Ngày 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ra chỉ đạo sau 18h ngày đến 5h sáng hôm sau, người dân không được ra đường, tất cả hoạt động tạm dừng, trừ cấp cứu, công vụ để phòng, chống dịch... đến khi có thông báo mới.
Tại bùng binh công viên thành phố Thủ Dầu Một ghi nhận lượng phương tiện qua lại thưa vắng. Trường hợp xe tải này bị xử phạt do lấy hàng ở cửa khẩu về đến Bình Dương thì bị quá giờ hoạt động theo quy định.
Những con đường nhỏ dẫn vào các khu dân cư không một bóng người ra đường.
Anh N.V.C vi phạm một lúc nhiều lỗi: Ra đường lý do không chính đáng và quá thời gian quy định, xe không giấy đăng ký, bản thân không có bằng lái... đã bị lực lượng chức năng xử lý, tạm giữ phương tiện.
Đại lộ Bình Dương (nằm trên trục Quốc lộ 13) vắng lặng. Các trường hợp được phép ra ngoài trong khung giờ hạn chế gồm: Cấp cứu, công vụ hoặc theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch. Đội ngũ phóng viên, công nhân vệ sinh môi trường, xử lý các sự cố về điện, nước, hạ tầng giao thông, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu...
Phạm Nguyễn
Ngày 25-26/7, một số tỉnh, thành của ĐBSCL như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hậu Giang, TP Long Xuyên (An Giang), TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã ban hành quy định yêu cầu người dân trên địa bàn toàn tỉnh không ra đường từ 18h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau.
Người đứng đầu chính quyền các tỉnh, thành phố yêu cầu lực lượng thực thi công vụ, lực lượng phòng chống dịch, các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu được hoạt động bình thường nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch.
Trong thời gian này, người dân đi chợ mua hàng thiết yếu phải đảm bảo giãn cách, theo khung thời gian của phiếu mua hàng được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cũng yêu cầu các lực lượng công an, quân sự, đoàn thể địa phương lập chốt barie chặn các tuyến đường cần thiết, các đường mòn, lối mở,... để đảm bảo duy trì người cách ly xã hội. Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đảm bảo thông tin các biện pháp phòng, chống dịch đến từng người dân trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn làm đầu mối, chịu trách nhiệm chính trong cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian cách ly, giãn cách, quan tâm các nhóm đối tượng yếu thế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Cạnh đó, quản lý chặt địa bàn, nhất là các khu cách ly, khu phong tỏa; các hộ gia đình có người cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, không để phát sinh ca nhiễm trong cộng đồng.
Tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, không để xảy ra các tệ nạn xã hội trong thời gian tập trung công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trường hợp các xã, phường, thị trấn lơ là, tổ chức thực hiện không nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn quản lý.