Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đang lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp cách ly khổng lồ dành cho du khách quốc tế và cả người dân trong nước đến từ các khu vực có nguy cơ cao.
Các phòng xét nghiệm di động mới được thiết lập bên trong một trung tâm thể dục thể thao ở Quảng Châu (Ảnh: Reuters).
Chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc Zhong Nanshan cho biết, kế hoạch xây dựng này được đưa ra vì mối lo các khách sạn địa phương không thể đối phó với các biến chủng Covid-19 lây lan nhanh như Delta.
"Sẽ có khoảng 5.000 không gian biệt lập và những người ở tại đó sẽ bị cách ly theo các quy định nghiêm ngặt để đảm bảo không lây nhiễm chéo", chuyên gia trên nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 25/6.
Ông Zhong cho hay, sau khi quan sát khả năng lây nhiễm của biến chủng Delta ở tỉnh Quảng Đông trong tháng qua, ông tin rằng việc sử dụng các khách sạn làm cơ sở cách ly sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng lây lan của dịch bệnh. Nguyên nhân là do biến chủng này có khả năng lây nhiễm nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước. Nguy cơ virus đột biến cũng có nghĩa là có thể sẽ xuất hiện các biến chủng khác trong tương lai.
"Về lâu dài, Quảng Châu và Thâm Quyến phải xây dựng những cơ sở kiểu này", ông Zhong khẳng định. "Nếu không, sau này nếu bùng phát dịch và chúng ta phải cách ly họ trong các khách sạn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế và chúng ta cũng không thể cách ly theo đúng nghĩa", ông nói. Theo ông Zhong, cơ sở mới sẽ có diện tích 25 ha, tương đương với 46 sân bóng đá.
Trung Quốc chỉ định Quảng Đông cửa ngõ chính tiếp nhận và cách ly du khách quốc tế trước khi họ đi đến các vùng khác ở nước này. Ông Zhong cũng cho biết, sau khi đợt bùng phát dịch gần đây liên quan các ca mắc biến chủng Delta, chính phủ Trung Quốc yêu cầu Quảng Đông hạn chế tiếp đón du khách để ngăn biến chủng này lây lan sang tỉnh khác.
Những người đến một số thành phố ở Quảng Đông được yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính nếu muốn đi khỏi tỉnh này.
Ông Zhong, người từng đóng vai trò hàng đầu giúp chính quyền Trung Quốc đối phó cuộc chiến chống dịch bệnh hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003, cho hay cho đến nay không có ca nhiễm biến chủng Delta nào ở bên ngoài Quảng Đông. Tuy nhiên, ông lo ngại rất khó để đảm bảo điều này vì khả năng lây lan mạnh của biến chủng này.
Cũng theo ông Zhong, cần phải thay đổi định nghĩa về "các trường hợp liên quan ca bệnh" và cách họ nên được cách ly. Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược không khoan nhượng, theo hướng truy vết và cách ly chặt chẽ các ca nhiễm và những trường hợp liên quan. Thay đổi định nghĩa có nghĩa là số người được truy vết và cách ly sẽ tăng lên sau khi phát hiện một ca mới.
"Trước đây, những người tiếp xúc gần được định nghĩa là người thân trong gia đình của bệnh nhân, hoặc những người đã dùng bữa hoặc gặp gỡ bệnh nhân trong văn phòng hoặc trong vòng 1 mét trong 2 ngày trước khi triệu chứng khởi phát. Nhưng với biến chủng Delta, những người tiếp xúc gần nên được định nghĩa là những người ở trong cùng một không gian, thậm chí trong cùng một tòa nhà 4 ngày trước khi bắt đầu các triệu chứng", ông Zhong nói thêm.
Giới chức Trung Quốc cũng nên xem xét đại tu các phòng khám bệnh để có đủ chỗ cách ly nhằm ngăn chặn biến chủng Delta lây lan. Theo ông, Trung Quốc đã rất hiệu quả trong việc truy vết tất cả các trường hợp tiếp xúc gần bằng cách giám sát tín hiệu điện thoại và sử dụng camera giám sát trên đường phố. Nhưng ông lo ngại nếu thời gian truy vết quá lâu sẽ dễ để mất dấu và rất nhiều nguy cơ.
Ông Zhong cho hay, theo mô hình của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Châu và các nhà khoa học, nếu không áp dụng các biện pháp hữu hiệu, các ca bệnh ở Quảng Châu có thể lên tới 7,3 triệu người trong 20-30 ngày. Họ dự đoán, số ca nhiễm có thể giảm xuống còn 171 ca với các biện pháp nghiêm ngặt đã thực hiện.
Ông cũng cho biết các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang theo dõi sát khả năng một người bệnh truyền virus cho động vật như chó, mèo hoặc chuột, sau đó lại truyền sang người.
Thanh Thành
Theo SCMP