Tòa huyện lập gần 60 vụ án "ảo" để... một thẩm phán được bổ nhiệm lại?

Theo tìm hiểu, lãnh đạo TAND huyện Đắk Song "cả nể", tạo điều kiện cho một thẩm phán đủ điều kiện bổ nhiệm lại dẫn tới việc tạo lập gần 60 hồ sơ vụ án "ảo" để tự xét xử.

Như Dân trí đã thông tin, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Phạm Văn Phiếm- nguyên Chánh án Tòa án nhân dân huyện Đắk Song; bà Nguyễn Thị Hải Âu- nguyên Phó Chánh án TAND huyện Đắk Song và ông Nguyễn Xuân Triệu- nguyên Thẩm phán TAND huyện Đắk Song.

Theo UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông, trong năm 2016, cả 3 người này đã để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự mà không có đương sự, không có tranh chấp thực tế. Sau đó, 3 cá nhân trên được phân công thụ lý, trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Tòa huyện lập gần 60 vụ án ảo để... một thẩm phán được bổ nhiệm lại? - 1

TAND huyện Đắk Song nơi 3 cán bộ tòa án từng công tác.

Theo tìm hiểu, vào thời điểm trên, một cán bộ tòa án tên Dung (hiện đã nghỉ việc) là người đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án "ảo" trên. Bà Dung tự bỏ tiền túi để đóng án phí, với mức án phí khoảng vài trăm ngàn đồng/vụ án để thực hiện các bước thụ lý, xét xử...

Sau đó, bà Dung trực tiếp được phân công thụ lý, giải quyết 20 vụ; bà Nguyễn Thị Hải Âu giải quyết 12 vụ; ông Phạm Văn Phiếm và ông Nguyễn Xuân Triệu mỗi người giải quyết 8 vụ.

Tuy nhiên, các vụ án đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do một đương sự rút đơn kiện.

Cũng trong năm 2016, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đắk Song phát hiện tỷ lệ án hủy cao nên đã báo cáo cho VKSND và TAND tỉnh Đắk Nông tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, TAND tỉnh Đắk Nông sau đó đánh giá vụ việc không gây thiệt hại nên được "xử lý nội bộ".

Sau đó, TAND tối cao tiếp tục xử lý và có văn bản đề nghị điều chuyển cán bộ đối với ông Phạm Văn Phiếm - Chánh án TAND TP Gia Nghĩa sang làm Chánh án TAND huyện Tuy Đức.

Về lý do dẫn đến việc tạo lập gần 60 vụ án "ảo", ngoài đạt chỉ tiêu đề ra, nguồn tin từ UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết thêm: "Theo như báo cáo, năm 2016, bà Dung không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại thẩm phán nên đã lập khống thêm nhiều hồ sơ đã giải quyết. Việc lập thêm hồ sơ "ảo" này sẽ khiến tỷ lệ án hủy của bà Dung giảm xuống dưới 3% (trong 5 năm nhiệm kỳ) để đủ điều kiện được bổ nhiệm lại. Sự việc bị phát hiện, bà Dung chủ động xin nghỉ việc".

Nguồn tin từ UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đánh giá, việc làm của các cán bộ này có dấu hiệu xâm phạm nghiêm trọng hoạt động tư pháp.

Trong khi đó, một luật sư tại Đắk Nông phân tích, thẩm phán là những người có thẩm quyền trong lĩnh vực tư pháp. Các cán bộ tòa án trên lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để tạo ra 57 hồ sơ "ảo" là có dấu hiệu của hành vi "Giả mạo trong công tác" theo quy định tại khoản 4, điều 359, Bộ luật hình sự năm 2015, thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đặng Dương

Mới hơn Cũ hơn