Ngày càng nhiều nước cân nhắc thay đổi chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 theo hướng kết hợp vắc xin cho 2 lần tiêm, hoặc tiêm thêm mũi thứ ba để tăng hiệu quả và đối phó thiếu hụt nguồn cung.
Thủ tướng Angela Merkel là một trong các nguyên thủ quốc tế đã tiêm kết hợp vắc xin ngừa Covid-19 (Ảnh: AFP).
Các nguyên thủ thế giới tiêm kết hợp vắc xin
Chính phủ Đức hôm 22/6 xác nhận, Thủ tướng Angela Merkel, 66 tuổi, đã tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ hai của hãng Moderna sau khi tiêm mũi đầu tiên của AstraZeneca hôm 14/6.
AstraZenaca là loại vắc xin đầu tiên được phê chuẩn sử dụng ở Đức hồi đầu năm nay, tuy nhiên, giới chức y tế tại đây đã tạm ngừng tiêm chủng vắc xin này một thời gian sau khi châu Âu phát hiện các ca đông máu sau tiêm. Hiện nay, Đức khuyến cáo sử dụng vắc xin AstraZenaca cho người trên 60 tuổi. Trong khi đó, Đức và một số quốc gia khác đã phê chuẩn sử dụng vắc xin mRNA như Pfizer-BioNTech hoặc Moderna cho mũi tiêm thứ hai sau khi tiêm mũi AstraZeneca đầu tiên.
Bà Merkel không phải nguyên thủ duy nhất tiêm kết hợp vắc xin. Báo Corriere della Sera đưa tin ngày 23/6, Thủ tướng Italia Mario Draghi mới đây cũng đã tiêm vắc xin Pfizer mũi thứ hai sau mũi tiêm AstraZeneca. Tuần trước ông Draghi đã ủng hộ việc sử dụng kết hợp vắc xin ngừa Covid-19. Ông cho biết, sau mũi tiêm đầu tiên, ông đã có kháng thể ở mức thấp với virus SARS-CoV-2, nên được các chuyên gia y tế khuyến cáo tiêm mũi hai với vắc xin khác.
Chiến lược tiêm chủng mới
Một số chuyên gia tin rằng, việc sử dụng kết hợp vắc xin có thể tăng cường miễn dịch mặc dù vẫn cần thêm các nghiên cứu để khẳng định.
Theo lý giải của giới chuyên gia, việc kết hợp hai loại vắc xin khác nhau có thể giúp hệ miễn dịch của người có nhiều cách để nhận biết mầm bệnh. "Các vắc xin mRNA thực sự rất tốt trong việc tạo ra các phản ứng kháng thể và các vắc xin vector tốt hơn trong việc kích hoạt các phản ứng của tế bào", Leif Erik Sander, một chuyên gia dịch tễ của Bệnh viện Đại học Charité ở Berlin, Đức nhận định.
Một số nước châu Âu đã cho phép tiêm chủng kết hợp vắc xin để tăng hiệu quả ngừa Covid-19. (Ảnh: Seattle Times)
Một nghiên cứu nhỏ ở Anh về việc sử dụng các vắc xin khác nhau cho hai lần tiêm chủng cho thấy, người dùng vắc xin Pfizer cho mũi thứ hai sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca hoặc ngược lại dường như chỉ ghi nhận các phản ứng phụ nhẹ hơn hoặc các phản ứng thông thường sau tiêm chủng so với việc sử dụng cùng một loại vắc xin cho cả hai lần tiêm.
Novavax, một hãng dược đang phát triển một loại vắc xin ngừa Covid-19, hôm 21/5 cho biết, họ sẽ tiến hành thử nghiệm kết hợp vắc xin để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng liều bổ sung từ một nhà sản xuất khác. Quá trình thử nghiệm sẽ bắt đầu tại Anh trong tháng 6 này.
Trong khi đó, tại Canada, nơi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin, cho phép hai vắc xin Pfizer và Moderna có thể sử dụng thay thế cho nhau trong hai lần tiêm. Chính phủ Canada khuyến khích người dân tiêm chủng thay vì trì hoãn do nguồn cung vắc xin Pfizer hạn chế.
"Chúng tôi muốn các bạn được bảo vệ đầy đủ sớm nhất có thể. Việc sử dụng kết hợp vắc xin là an toàn", bác sĩ David Williams ở Ontario cho biết. Giới chức ở các địa phương khác của Canada như Alberta, Manitoba và Quebec cũng đưa ra khuyến cáo tương tự.
Tại Italia, cơ quan y tế của chính phủ khuyến cáo, người dân dưới 60 tuổi đã tiêm AstraZeneca mũi đầu có thể sử dụng vắc xin Pfizer và Moderna cho mũi hai.
Tại Nga, giới khoa học nước này có thể bắt đầu thử nghiệm kết hợp vắc xin Sputnik V nội địa với một số vắc xin do Trung Quốc sản xuất tại các nước Ả rập. Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) cho biết đến nay chưa phát hiện phản ứng phụ tiêu cực trong quá trình thử nghiệm lâm sàng kết hợp sử dụng vắc xin AstraZeneca với Sputnik V.
Tại Mỹ, Viện Y tế Quốc gia (NIH) hôm 1/6 cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người đã tiêm chủng đầy đủ để đánh giá mức độ an toàn và tăng cường miễn dịch của việc tiêm bổ sung vắc xin của một hãng khác.
Tại châu Á, giới chức Hàn Quốc hôm 18/6 cho biết, khoảng 760.000 người ở nước này đã tiêm chủng mũi đầu tiên AstraZeneca sẽ được tiêm Pfizer cho mũi thứ hai do kế hoạch hỗ trợ nguồn cung vắc xin từ chương trình COVAX bị trì hoãn.
Đến nay mới chỉ có một số kết hợp vắc xin được thử nghiệm. Tuy nhiên, nếu việc kết hợp này chứng minh được hiệu quả và an toàn, nó có thể tạo ra một bước ngoặt nữa trong chiến dịch tiêm chủng nhằm bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới sớm nhất có thể, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vắc xin hạn chế và virus đột biến nhanh.
"Điều này mở ra những triển vọng mới cho nhiều nước", chuyên gia y tế Tây Ban Nha Cristóbal Belda-Iniesta, bình luận. Trong vài tuần tới, thế giới có thể sẽ có thêm nhiều dữ liệu hơn về hiệu quả và mức độ an toàn của việc kết hợp vắc xin.
Minh Phương
Theo SceinceMag, Reuters