Những ngày Sài Gòn dịch bệnh phức tạp, Nguyễn Lâm Trung Hiếu (15 tuổi, ngụ quận 8) tham gia đội gồm 20 thành viên tình nguyện đi khử khuẩn đường phố miễn phí ở Sài Gòn.
Thiếu niên 15 tuổi tình nguyện tham gia đội khử khuẩn đường phố ở Sài Gòn
Nhóm phun khử khuẩn phòng chống dịch Covid-19 miễn phí BDS với 20 thành viên đã hoạt động gần 2 tháng nay tại Sài Gòn. Mỗi ngày, nhóm đến các điểm phong tỏa, cách ly và trên các tuyến phố để phun, xịt khử khuẩn.
Đội phun khử khuẩn miễn phí do ông Trần Huy Đăng (ngụ ở quận Bình Tân) lập ra, phối hợp triển khai công việc dưới lịch phân công của Sở Y tế và Trung tâm Y tế các quận của TPHCM. Trong những ngày này, 4 chiếc xe cứu thương tư nhân được trưng dụng chở 20 thành viên cùng với máy móc đi khắp các điểm xử lý nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Nguyễn Lâm Trung Hiếu (15 tuổi) là thành viên trẻ nhất trong đội phun khử khuẩn miễn phí ở Sài Gòn. "Em đang học lớp 9, đợt này được nghỉ học do Sài Gòn đang có dịch nên em xin phép bố mẹ gia nhập đội của chú Đăng đi phun khử khuẩn ở Sài Gòn. Từ năm 2019, em đã theo chú và các anh chị trong CLB đi tình nguyện ở miền Trung nên cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm, cảm thấy rất vui vì những việc mình cùng mọi người đã làm cho cộng đồng", Hiếu nói.
Nhỏ tuổi nhất trong đội nên Hiếu luôn được mọi người quan tâm, hỗ trợ và chỉ dẫn các biện pháp an toàn khi đi phun khử khuẩn. "Khi em xin phép, bố mẹ cũng có hơi lo lắng nhưng cũng đã quyết định đồng ý vì em đang làm việc có ích cho xã hội và tích lũy thêm kỹ năng sống cho bản thân. Bố mẹ dặn kỹ càng đi phải nghe lời mọi người để đảm bảo an toàn cho mình và cho những người xung quanh", Hiếu chia sẻ.
Công việc của Hiếu chủ yếu là pha dung dịch khử khuẩn CloraminB, lo hậu cần phía sau. Tuy nhiên, khi tới những điểm phun không có nguy cơ nhiễm bệnh, không nằm trong khu cách ly và thấy các anh đều đã thấm mệt sau nhiều tiếng làm việc, Hiếu xin được hỗ trợ phun khử thay. "Hiếu nhỏ nhưng cao lớn như một chàng thanh niên và rất tích cực. Khi đi theo đoàn mọi người không cho tiếp xúc gần các khu cách ly, chỉ đứng bên ngoài lo việc vặt. Đôi khi phun ở các con đường không có điểm cách ly, Hiếu xung phong phun nên anh em cũng cho thử vài lần nhưng có người giám sát để em ấy có trải nghiệm", anh Thạch Thanh, thành viên đội nói.
"Mỗi ngày, nhóm di chuyển liên tục các quận, huyện để phun khử khuẩn. Trong ngày 25/6, chúng tôi tới 10 điểm khu phong tỏa ở quận Bình Tân, quận 10 để thực hiện công việc", ông Đăng, trường nhóm phun khử khuẩn cho biết.
Anh Nguyễn Hoài Hận (38 tuổi, quê Sóc Trăng) là một trong những thành viên phụ trách chính phun, xịt khử khuẩn của nhóm chia sẻ: "Vợ con tôi đang ở quận 12, vì làm việc ở khu vực nguy hiểm nên 2 tháng nay tôi ở lại nhà chú Đăng cùng với anh em".
Trong bộ đồ bảo hộ, mặt nạ phòng độc kín mít khó có thể giao tiếp bằng lời nên các thành viên trong nhóm phải dùng tay làm ám hiệu khi làm việc.
Kính bảo hộ của một thành viên bị mờ nhòe đi khi làm việc. "Người lúc nào cũng trong tình trạng ướt vì mồ hôi do mặc bảo hộ kín giữa trời nắng nóng, phần nữa do nước khử khuẩn dính vào", một thành viên chia sẻ.
Bên trong một khu cách ly, đội tình nguyện phun xịt khẩn trương, các trường hợp đang cách ly được yêu cầu dọn gọn đồ dùng cá nhân, ở yên trong phòng đợi khoảng 30 phút mới được ra khỏi phòng (Ảnh: Phạm Nguyễn)
"Vào bên trong khu cách ly, đội kỹ thuật phun xịt phải di chuyển phía sau luồng hóa chất như một cách để an tâm rằng phía trước mình đã được khử khuẩn", anh Nguyễn Hoài Hận, thành viên đội phun chia sẻ (Ảnh: Phạm Nguyễn)
"Vào khu cách ly hay phong tỏa làm nhiệm vụ, trước khi bước ra anh em bắt buộc tự phun khử lẫn nhau rồi mới cởi đồ bảo hộ. Anh em đội luôn chủ động thực hiện bước quan trọng này để tuyệt đối an toàn cho chính mình và người xung quanh", trưởng nhóm Trần Huy Đăng khẳng định (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Đã mấy ngày qua, đôi mắt của tài xế Thạch Thanh cũng đỏ hoe vì những buổi xịt khuẩn thâu đêm. Anh tâm sự: "Mình thấy còn sức khỏe thì làm thôi, vợ con ở nhà cũng ủng hộ nên tôi cũng yên tâm tham gia đội thiện nguyện của chú Đăng" (Ảnh: Phạm Nguyễn)
Khi đến phun xịt tại các khu dân cư đang bị phong tỏa, ông Trần Huy Đăng dùng loa thông báo cho bà con :"Xin bà con đóng cửa lại ở trong nhà 30 phút để đội phun xịt khử khuẩn làm nhiệm, cám ơn bà con".
Mỗi địa điểm phun, xịt khử khuẩn trong khu phố diễn ra khoảng 1 tiếng. "Để phun hết 10 điểm thì chúng tôi phải làm việc từ 13h chiều đến tối muộn mới xong. Có những khu cách ly là nhà cao tầng, vác máy móc hơn 30 kg leo bộ nên tối về chân đau nhức như muốn liệt, anh em lại tự đấm bóp cho nhau", anh Thạch Bàn, thành viên nhóm kể.
Các thành viên thực hiện phun khử khuẩn tại con hẻm ở khu cách ly đường số 8, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.
Người dân trong khu cách ly ngóng nhìn, theo dõi qua cửa kính khi đội thực hiện nhiệm vụ.
Những con hẻm nhỏ xe không thể vào, nhóm cử thành viên đẩy các thùng nước cùng hóa chất theo đội. "Tôi tìm hiểu thông tin về loại máy, nước và dung dịch đảm bảo an toàn và đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế, tất cả đều có giấy phép sử dụng mới dám làm việc", ông Đăng cho biết.
Một nhóm người thuộc diện F1 tới khu cách ly ở quận Bình Tân được phun khử khuẩn trước khi vào phòng.
Sau gần 5 tiếng, Hiếu cùng các thành viên trong đội thực hiện xong công việc trong ngày. "Hơn một tháng nay em ở lại nhà chú Đăng, trong những ngày có lịch học thì em ở nhà chú học bài online, khi không có lịch em lại theo các chú, các anh để phụ giúp. Em là con một nên xa nhà bố mẹ nhớ lắm, gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe và nhắc nhở em hoài. Bố mẹ quen thân với chú Đăng nên mới gửi gắm, biết rằng chú luôn bảo vệ không cho em gặp nguy hiểm nên cũng yên tâm", Hiếu tâm sự.
Bàn tay của anh Hoài Hận phồng rộp lên vì ngấm nước và dung dịch khử khuẩn sau nhiều ngày thực hiện công việc.
Khi thực hiện xong nhiệm vụ, các thành viên trong nhóm tranh thủ gọi điện về cho người thân để hỏi thăm sức khỏe. "Tôi có vợ và 2 con ở Trà Vinh, bé sau mới được 3 tháng nên ngày nào cũng phải gọi về nhìn ngắm. Thấy con bi bô nên nhớ lắm, nhưng vì sức khỏe của mọi người nên cố gắng làm tốt việc của mình, chờ hết dịch rồi về chơi với vợ con mấy tháng luôn", anh Thạch Bàn tâm sự.