Trước tình trạng ùn ứ tại các chốt kiểm soát dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, quận Gò Vấp cần sự hỗ trợ từ các địa phương để lập chốt từ xa.
Chiều 1/6, tại cuộc họp gỡ khó cho quận Gò Vấp khi thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, mọi người dân cần hiểu, chia sẻ, hy sinh một số quyền lợi cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung, lợi ích cộng đồng.
Tinh thần này cần quán triệt đến toàn thể người dân thành phố chứ không riêng quận Gò Vấp, ông Đức nhấn mạnh.
Tình trạng ùn ứ giao thông tại chốt kiểm soát ra vào quận Gò Vấp (Ảnh: Hải Long).
Theo ông Đức, Gò Vấp là quận đông dân và nhiều người làm việc ở khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ngược lại, cũng có nhiều người ở nơi khác đến làm việc tại quận Gò Vấp.
Vấn đề hiện nay là giải quyết mâu thuẫn giữa việc vừa tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế, đảm bảo lợi ích người dân vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Điều này đòi hỏi người quản lý phải cân nhắc, tính toán đảm bảo sự hài hòa lợi ích các bên.
Lãnh đạo UBND thành phố cho rằng, vấn đề lớn nhất của Gò Vấp hiện nay là việc lưu thông của người dân trong thời gian giãn cách. Bên cạnh đó là việc đảm bảo an sinh cho người dân trong vùng giãn cách xã hội.
Qua 2 ngày triển khai các chốt kiểm soát, ông Dương Anh Đức cho rằng, lực lượng tại các chốt đã gặp khó khăn vào giờ cao điểm, nhất là buổi sáng, thời điểm có lượng xe lưu thông nhiều, dẫn đến ùn ứ.
Mục tiêu lập chốt là để dịch bệnh không lây lan. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ xe thậm chí khiến khả năng lây lan còn nguy hiểm hơn việc người dân chỉ chạy ngang qua.
"Giải pháp quận Gò Vấp áp dụng 2 ngày qua chưa chuẩn", ông Đức nhận định.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, quận Gò Vấp có thể họp bàn với quận lân cận để lập chốt kiểm soát phương tiện từ xa (Ảnh: Hải Long).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, muốn có giải pháp hợp lý, quận Gò Vấp cần phải có sự hỗ trợ của các địa phương lân cận để có chốt chặn từ xa. Việc này cần họp bàn để cân nhắc lại các vị trí lập chốt.
"Các địa phương khác phải xem đây là nhiệm vụ chứ không phải nhờ vả, chốt lập trên địa bàn nào thì địa phương đó chịu trách nhiệm", ông Đức nói.
Riêng quận Gò Vấp có thể lập hệ thống chốt lớn và chốt nhỏ. Đối với những chốt có lượng phương tiện và người qua lại đông, có thể kiểm soát theo phương pháp xác suất, còn những khung giờ "thấp điểm" có thể kiểm tra 100%.
Trong khi đó, chốt nhỏ sẽ được đặt ở những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, quanh khu cách ly, phong tỏa… để kiểm soát chặt người ra vào.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đồng ý với đề xuất của quận Gò Vấp cho các công chức, viên chức sinh sống ở Gò Vấp làm việc tại các địa bàn khác được làm việc tại nhà.
Bên cạnh đó, ông Dương Anh Đức cũng đề nghị quận Gò Vấp lập danh mục cụ thể những loại hình sản xuất, kinh doanh được duy trì hoạt động trên địa bàn quận. Với những cơ sở được phép hoạt động phải để người lao động vào làm việc nhưng cần yêu cầu cam kết chỉ đến/ở tại nơi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND thành phố đồng ý với đề xuất của quận Gò Vấp, cho các công chức, viên chức sinh sống tại quận này làm việc tại nhà.
Ngày 1/6, Văn phòng UBND TPHCM phát đi thông báo truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu về việc tạm dừng hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, kể từ 17h ngày 1/6, TPHCM tạm dừng hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 ở thành phố.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện có nhiệm vụ cân nhắc, chủ động thành lập các chốt, trạm kiểm dịch phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trước đó, TPHCM lập 12 chốt kiểm soát chính tại: trạm thu phí Long Phước, cao tốc Trung Lương, cầu Đôi (đường Trần Văn Giàu), đường Ba Làng, đường Xuyên Á (quốc lộ 22), cầu Phú Cường, cầu Vĩnh Bình, cầu vượt Sóng Thần, quốc lộ 1K, quốc lộ 50, quốc lộ 1A và cầu Đồng Nai.
Quốc Anh