Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ về việc sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn.
Ông Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo của các luật, pháp lệnh gây khó khăn cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất. Vì thời hạn gấp nên Bộ Tư pháp muốn nghe các ý kiến cụ thể từ các Bộ để thống nhất cách làm và có các đề xuất cụ thể.
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp (Ảnh: Bộ Tư pháp).
Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến - Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cơ quan này đã đề xuất nguyên tắc xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng chỉ lựa chọn để sửa đổi, bổ sung một số quy định của một số luật có mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ, không còn phù hợp với thực tiễn.
Những quy định cần phải sửa đổi, bổ sung phải đang gây khó khăn, vướng mắc thực sự cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội mà nếu không sửa kịp thời ngay sẽ khó thực hiện hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực.
Góp ý đề xuất đưa vào dự thảo Nghị quyết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, cần sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vì có nhiều vấn đề phát sinh các bất cập như: phát triển dự án nhà ở giá rẻ, nhà xã hội; cải tạo lại chung cư cũ; phát triển nhà ở cho công nhân…
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất sửa đổi một số luật có nhiều quy định hiện đang gây ách tắc trong đời sống sản xuất, kinh doanh như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Giá, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…
Đại diện Văn phòng Chính phủ đề nghị cân nhắc phạm vi rà soát xây dựng Nghị quyết, nên đưa cả luật của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 như Luật Đất đai, Luật Thuế giá trị gia tăng…
Bộ trưởng Lê Thành Long yêu cầu Vụ Vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) trích yếu một số nội dung có ý kiến tại cuộc họp và yêu cầu các Bộ, ngành có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi lại Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị khẩn trương nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương về các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của mình.
Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, cập nhật thêm kiến nghị, đề xuất sau khi tiếp tục nhận được báo cáo của các địa phương và gửi đến các cơ quan, đơn vị để nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý.
Kết quả nghiên cứu và phương án xử lý của các bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/6/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thế Kha