Đường phố Sài Gòn vắng vẻ sau 1 tuần giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh buôn bán ngưng trệ nhưng những người lao động tự do nghèo vẫn phải bươn chải trên đường phố để kiếm sống qua ngày.
Đường phố Sài Gòn vắng vẻ sau 1 tuần giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh buôn bán ngưng trệ nhưng những người lao động tự do nghèo vẫn phải bươn chải trên đường phố để kiếm sống qua ngày.
Kể từ ngày 31/5, Sài Gòn thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Đường phố trở nên vắng vẻ, khác hoàn toàn với hình ảnh đông đúc, tất bật của thành phố được đánh giá là sôi động nhất Việt Nam.
Hoạt động kinh doanh buôn bán ngưng trệ, nhiều cửa hàng cửa hiệu đóng cửa, người dân hạn chế ra. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến những lao động tự do nghèo người mưu sinh trên đường phố. Đường phố không có người thì không có khách mua bán hoặc sử dụng dịch vụ.
"Dù đã lấy ít hàng nhưng từ sáng đến chiều tôi vẫn không bán hết, giờ mà nghỉ bán ở nhà thì càng khó hơn nên tôi cứ đi lỡ có gặp khách quen đi qua ủng hộ thì tốt", Bà Sáu (56 tuổi) với gánh hoa quả bán rong trên đường Lê Lợi gần 20 năm nay tâm sự.
Ông Lợi (62 tuổi) ngồi bên vệ đường Hùng Vương, quận 5 tranh thủ ăn vội hộp cơm từ thiện mới xin được ban sáng. Hàng quán đóng cửa nên số lượng ve chai ông nhặt được chỉ bằng 1/5 ngày thường.
Giữa trưa nắng, chị Vinh ôm cô con gái bị bệnh động kinh đạp xe dọc tuyến đường 3 tháng 2 (quận 10) để bán nốt những tờ vé số còn dư. "Mấy hôm nay chỉ lấy khoảng 20 tờ nhưng bán cả ngày mới hết, số tiền này để mua thuốc và tã cho con, còn 2 mẹ con thì xin cơm từ thiện ăn", chị Vinh vừa ôm con đạp xe vừa kể.
Ông Tuấn vốn là người dạy đàn nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 không thể tiếp tục công việc. Mỗi sáng cuối tuần ông thường ra khu vực trung tâm TP chơi đàn để kiếm thêm vài đồng từ người qua đường.
Ông Hưng (56 tuổi) hành nghề xe ôm ở trạm xe bus trên đường Hàm Nghi than thở rằng đã một tuần nay không có nổi một chuyến chạy khách. "Năm thì mười họa mới có khách. Lực lượng xe ôm vẫn đông như trước khi dịch mà người dân ở nhà có đi ra ngoài đâu nên đói là chuyện thường", người đàn ông chạy xe ôm cho biết.
Anh Tuấn, một nhân viên quán ăn đạp xe đi giao đồ ăn cho khách trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10 khi các nhà hàng, quán ăn bị cấm, không phục vụ tại chỗ.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người có lòng hảo tâm, mở điểm phát cơm từ thiện để chia sẻ khó khăn với người dân lao động nghèo ở Sài Gòn. Anh Hữu Danh (44 tuổi) cùng các nhân viên mỗi ngày chuẩn bị 100 hộp cơm để phát cho người lao động. "Chúng tôi đã phát được 4 ngày nay, chỉ khoảng 30 phút đã hết sạch 400 phần cơm chay. Hoạt động này sẽ được duy trì đến khi hết giãn cách xã hội", anh Danh cho biết.
Ông Trung (55 tuổi) làm nghề lượm ve chai là khách quen ở điểm phát cơm mấy ngày nay. Sau khi xin được 2 hộp cơm, ông cẩn thận bỏ vào túi một hộp dành phần cho buổi chiều.
Những người bán vé số, lượm ve chai và cả tài xế xe công nghệ đều có thể qua lấy những phần cơm để vượt qua khó khăn trước mắt. Anh Vũ (30 tuổi, áo vàng) là tài xế xe công nghệ tỏ ra ngại ngùng khi đến nhận suất cơm từ thiện. Vũ lý giải rằng cả ngày hôm nay chỉ chạy được 3 chuyến, tôi đành xin cơm từ thiện ăn, dành tiền kiếm được lo cho gia đình.
Thời gian giãn cách xã hội chưa có thông báo cụ thể kết thúc và khả năng còn kéo dài. Những địa điểm du lịch nổi tiếng Hồ Con Rùa (quận 3) trong những ngày này sẽ còn đón nhận cảnh vắng lặng, hàng quán đóng cửa trong nhiều ngày tới.
Trước khu vực Nhà thờ Đức Bà ở trung tâm quận 1 sẽ còn khá lâu nữa mới có được hình ảnh khách du lịch đông vui, người xe tấp nập qua lại.
Khu vực Nhà hát thành phố, cụm trung tâm thương mại lớn là điểm vui chơi của giới trẻ nay cũng trở nên thưa thớt dù là thời điểm cuối tuần.
20h tối, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ vắng lặng, chỉ có lực lượng thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở người ra đường thực tuân thủ các quy định phòng dịch.
Anh Toàn (40 tuổi, quê ở Hà Tây cũ), người bán đồ ăn nhanh còn trụ lại duy nhất ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. "Tôi theo người quen vào bán được một năm, bao nhiêu vốn liếng dồn vào xe đồ chiên này nhưng trải qua 3-4 đợt dịch vẫn chưa trả hết tiền mua sắm đồ. Cả phố lớn có mình xe hàng ăn nhanh của tôi mà cũng chẳng có mấy khách mua hàng, khó khăn quá. Giờ muốn về quê cũng khó vì ngoài miền Bắc cũng đang dịch, nên ráng ở đây cầm cự thêm thời gian chờ qua dịch rồi làm ăn lại", anh Toàn tâm sự.
Nguyễn Quang