Nhiều người Hàn Quốc đã ngừng ăn kim chi sản xuất từ Trung Quốc sau một vụ bê bối về an toàn thực phẩm tại một cơ sở sản xuất kim chi ở Trung Quốc.
Ảnh minh họa (Ảnh: CFP).
Vào tháng 3, cư dân mạng tại Hàn Quốc đã xôn xao khi xem đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông lội nước đến phần bụng trong một bể ngâm cải thảo tại một nhà máy sản xuất kim chi Trung Quốc. Người đàn ông này không mặc áo trong khi bể nước có màu nhờ nhờ.
Theo Korea Times, kể từ đó nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc đã bắt đầu tẩy chay kim chi được sản xuất ở Trung Quốc. Do nhu cầu rất lớn, Hàn Quốc buộc phải nhập khẩu loại cải muối đặc biệt làm nên thương hiệu của nước này, từ các đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, sau đoạn video 3 tháng trước, nhiều cửa hàng đã được kêu gọi ngừng sử dụng kim chi Trung Quốc. Các thực khách cũng trở nên cẩn thận hơn và tìm hiểu về món kim chi họ được phục vụ.
Kim Ji-sook, chủ một tiệm ăn nhỏ ở Seoul, cho biết nhiều khách hàng của bà bắt đầu hỏi về nguồn gốc kim chi mà bà phục vụ trong nhà hàng.
"Tôi không nói dối. Tôi nói với họ là kim chi trong quán được sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi nghe xong câu trả lời của tôi, họ dừng không ăn kim chi nữa", Kim nói với Korea Times.
Bà Kim cho biết, đoạn video trên cho thấy điều kiện sản xuất kim chi kém vệ sinh tại một nhà máy chưa xác định ở Trung Quốc và nó đã khiến khách hàng của bà thay đổi cách ăn uống với loại cải muối này. Tiệm ăn của bà hiện có nhiều kim chi bị bỏ thừa hơn bao giờ hết.
Lợi thế của kim chi Trung Quốc
Hàn Quốc mỗi năm nhập khoảng 300.000 tấn kim chi từ Trung Quốc, phần lớn trong số chúng được phục vụ trong các nhà hàng. Giá của mỗi kg kim chi nhập từ Trung Quốc chỉ rẻ bằng 1/3 kim chi sản xuất tại Hàn Quốc. Lợi thế này khiến các nhà hàng ở Hàn Quốc khó từ chối nhập món cải muối từ Trung Quốc trong bối cảnh doanh thu của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Lee Ha-yeon, Chủ tịch Hiệp hội Kim chi Hàn Quốc (KAK), cho rằng việc đổ lỗi cho các nhà hàng về việc gia tăng nhập kim chi từ Trung Quốc là không có tính xây dựng. Bà Lee cho rằng việc cung cấp kim chi như một món ăn kèm miễn phí và khách hàng có thể xin thêm thoải mái là nguyên nhân kim chi Trung Quốc thắng thế. Các nhà hàng sẽ buộc chọn loại kim chi giá rẻ hơn nhiều để duy trì việc này.
KAK đã tung ra một chiến dịch nhằm cấp giấy xác nhận cho các nhà hàng phục vụ kim chi sản xuất ở Hàn Quốc với nguyên liệu địa phương. KAK hy vọng rằng, động thái đã thu hút sự đăng ký của 5.000 nhà hàng, sẽ thúc đẩy tiêu thụ kim chi Hàn Quốc.
Trong chiến dịch, các tiệm ăn phục vụ kim chi nội địa Hàn Quốc sẽ nộp hồ sơ cùng với bằng chứng đi kèm. Phía KAK sẽ xem xét hồ sơ và cấp giấy xác nhận.
Trước đó, nguồn gốc của kim chi từng gây ra căng thẳng giữa dư luận Hàn Quốc và Trung Quốc. Sự việc bắt đầu khi truyền thông nhà nước của Bắc Kinh được cho ám chỉ rằng, kim chi vốn có nguồn gốc từ món "pao cai" - món dưa muối của Trung Quốc. Động thái này đã gây tranh cãi căng thẳng giữa cư dân mạng 2 nước.
Đức Hoàng
Theo Korea Times