Indonesia trên bờ vực thảm họa vì "quái vật" Delta

Sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến số ca mắc Covid-19 ở Indonesia tăng mạnh, đẩy nước này đến bờ vực "thảm họa".

Indonesia trên bờ vực thảm họa vì quái vật Delta - 1

Một cảnh chôn cất nạn nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia (Ảnh: Reuters).

Biến chủng Delta đẩy Indonesia đến bờ vực thảm họa

Indonesia, "điểm nóng" Covid-19 hiện nay ở Đông Nam Á, đang chật vật đối phó làn sóng Covid-19 mới do sự xuất hiện của biến chủng Delta. Những ngày gần đây, Indonesia ghi nhận hơn 20.000 ca mắc mới mỗi ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở đây lên hơn 2,1 triệu ca, trong đó hơn 57.000 trường hợp đã tử vong.

"Mỗi ngày chúng ta đều thấy biến thể Delta đang đưa Indonesia đến gần bờ vực của thảm họa Covid-19", Jan Gelfand, người đứng đầu phái đoàn Indonesia của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), cảnh báo.

Số ca nhiễm tăng mạnh khiến hệ thống bệnh viện ở các "điểm nóng" ở Indonesia quá tải, trong đó có khu vực thủ đô Jakarta. Reuters dẫn số liệu của chính phủ Indonesia cho biết, tính đến ngày 27/6, 93% giường bệnh ở Jakarta được sử dụng hết công suất để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

"Các bệnh viện đã kín chỗ do số ca nhiễm tăng mạnh vì nhu cầu đi lại tăng mạnh và sự lỏng lẻo trong tuân thủ các khuyến cáo y tế cùng với sự xuất hiện của biến chủng Delta", Siti Nadia Tarmizi, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Indonesia cho biết.

Bác sĩ Adib Khumaidi, một lãnh đạo của Hiệp hội bác sĩ Indonesia, cảnh báo, Indonesia có nguy cơ đối mặt thảm kịch tương tự ở Ấn Độ khi các bệnh viện quá tải, tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn của Ấn Độ. Theo ông, nhiều bệnh viện ở Indonesia hiện có thể coi là đã "vỡ trận" và cả hệ thống y tế Indonesia cũng có thể sụp đổ nếu không có hành động kịp thời và hiệu quả.

Dồn lực đối phó biến chủng Delta

Indonesia trên bờ vực thảm họa vì quái vật Delta - 2

Indonesia dự kiến siết các biện pháp hạn chế từ ngày 30/6 để ngăn đà lây lan của làn sóng Covid-19 mới (Ảnh: AFP).

Indonesia đang tập trung đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 để ngăn đà lây lan của dịch. Tuy nhiên, đến nay, mới khoảng 13 triệu người trong tổng số hơn 181 triệu dân của Indonesia được tiêm chủng kể từ khi chương trình được triển khai hồi tháng 1 năm nay. Một trong những thách thức với nỗ lực tăng tốc chương trình tiêm chủng của chính phủ Indonesia là sự xuất hiện của các thuyết âm mưu về hiệu quả của vắc xin tràn lan trên các mạng xã hội.

Cùng nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng, chính phủ Indonesia cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch khác. Báo Straits Times dẫn lời hai quan chức cấp cao giấu tên của Indonesia cho biết, chính phủ nước này dự kiến sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn bắt đầu từ ngày 30/6.

Tổng thống Joko Widodo dự kiến chủ trì một cuộc họp nội bộ vào hôm nay để thảo luận chi tiết về các biện pháp hạn chế này. Theo đó, Indonesia có thể yêu cầu toàn bộ lao động trong lĩnh vực không thiết yếu làm việc ở nhà, cấm ăn uống tại nhà hàng và quy định xét nghiệm Covid-19 cả với hành khách di chuyển bằng hàng không nội địa. Theo quy định hiện hành, mỗi doanh nghiệp được phép cho 25% nhân viên làm việc tại văn phòng, các nhà hàng được phép tiếp đón khách với 25% công suất so với bình thường.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ các quy định mới sẽ được áp dụng toàn quốc hay chỉ áp dụng với các "vùng đỏ" bùng phát dịch, gồm Jakarta, một phần khu vực Yogyakarta, khu vực Kudus ở Java và Bangkalan trên đảo Madura, Bandung ở Tây Java và một phần khu vực Riau ở Sumatra.

Minh Phương

Theo Reuters

Mới hơn Cũ hơn