"Hết dịch mẹ về" - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn!

Giữa tâm dịch, những chiến sĩ nơi tuyến đầu không có thời gian để chợp mắt, nỗi nhớ thương cũng bị khuất lấp trong khối lượng công việc khổng lồ, kéo dài từ sáng đến khuya...

Hết dịch mẹ về - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn! - 1

Bức ảnh lay động cộng đồng mạng về khoảnh khắc gặp con của nữ y tá Nguyễn Thị Vân Anh. Thời điểm này chị Vân Anh đi lấy mẫu thực hiện truy vết tại địa điểm ngay khu vực gia đình mình sinh sống (Ảnh: Hải Đường).

Thực ra, tôi không mấy để ý đến Ngày gia đình Việt Nam, bởi với chúng tôi, ngày nào cũng là ngày gia đình, có bố, có mẹ, có các con. Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, khi mà dịch Covid-19 chưa xuất hiện.

Tháng 6/2021, dịch bùng phát ở Nghệ An, từ thành phố Vinh và lan ra nhiều địa phương khác. Thành phố Vinh buộc phải áp dụng biện pháp cách ly xã hội trong một nỗ lực nhằm khoanh vùng, dập dịch. Trước giờ "giới nghiêm", tôi đã kịp "sơ tán" 2 con nhỏ, trong đó cháu út chưa đầy 2 tuổi về quê với ông bà bởi công việc không cho phép tôi ở nhà, chăm sóc các con.

Chồng ở "chiến tuyến" khác, nhiệm vụ công việc và quy định cách ly xã hội cũng không thể về nhà. Gia đình 4 con người, 3 chốn trong mùa dịch. Cách gặp gỡ duy nhất là qua điện thoại, tất nhiên không phải bao giờ cũng gọi được. "Tối qua, con bé không cho ông bà tắt điện ngủ, còn bắt mở cửa cổng đợi bố mẹ về đón", bà ngoại nói. Sống mũi tôi cay xè...

Hết dịch mẹ về - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn! - 2

Với những bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 thì quãng thời gian xa gia đình, xa các con càng trở nên đằng đẵng hơn... (Ảnh: T. Cường)

Tôi có một đồng nghiệp nam, tham gia đưa tin về tình hình dịch Covid-19 từ những ngày đầu tiên. Ôm quần áo lên cơ quan, đi làm về, tự cách ly trên phòng. Vợ anh công tác trong quân đội, thường xuyên tăng cường cho công tác hậu cần ở những khu vực đón công dân từ nước ngoài về cách ly tại địa phương.

Nhà neo người, chỉ có mẹ già và con nhỏ, chưa đầy 4 tuổi, anh lắp camera khắp nhà, để có thể quan sát được bà cháu mọi lúc. Thế nhưng không phải khi nào cũng có thời gian để ngồi nhìn, nhất là những khi trùm bảo hộ kín mít, vào các khu phong tỏa để tác nghiệp.

Là đàn ông nhưng anh đã bật khóc khi cô con gái nhỏ nũng nịu qua điện thoại, hỏi "bao giờ bố về?". Hai năm qua, không biết bao nhiêu lần anh nói câu "hết dịch bố về". Và mỗi lần trả lời câu hỏi của con lòng lại rối như tơ vò, bởi bao giờ hết dịch, anh cũng không thể nói trước.

Hết dịch mẹ về - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn! - 3

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An không còn khái niệm thời gian. Nỗi nhớ gia đình nhiều khi cũng bị khuất lấp trong khối lượng công việc khổng lồ mà họ phải giải quyết hàng ngày (Ảnh: V. Định).

Những ngày qua, câu chuyện của nữ y tá phường Vinh Tân (thành phố Vinh, Nghệ An) khiến không ít người rơi nước mắt. Người mẹ ấy tình cờ gặp các con khi đi lấy mẫu trong khu vực phong tỏa. Đó là cuộc gặp gỡ giữa 3 mẹ con sau 2 tuần chị xa nhà đi chống dịch, ngay trước ngõ nhà mình, nghĩa là nguy cơ dịch bệnh đối với người thân, với các con của chị đã gần lắm rồi.

Cái ôm của người mẹ dành cho đứa con 7 tuổi phải khựng lại. Trong bộ quần áo bảo hộ, chị lùi ra xa, để đảm bảo an toàn cho các con. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, lời dặn dò vội vã, chị quay lại với guồng quay công việc đang chờ, mang theo nỗi nhớ thương, nỗi day dứt và những lo lắng khôn nguôi. Chị hứa với con, bao giờ hết dịch sẽ về...

Hết dịch mẹ về - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn! - 4

Nhiều cán bộ, chiến sỹ Bộ đội biên phòng Nghệ An và cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tăng cường cho các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 thời gian dài chưa về nhà. Nhiều người trong số họ bỏ lỡ những thời khắc quan trọng như đón con chào đời... (Ảnh: Lê Thạch).

"Bao giờ hết dịch bố/mẹ" về có lẽ là câu trả lời của hàng chục nghìn, thậm chí hàng triệu người bố, người mẹ đang ở trên tuyến đầu chống dịch. "Bao giờ hết dịch" là điều mong chờ háo hức của bao nhiêu đứa trẻ...

Xa gia đình, xa các con, xa người thân đi làm nhiệm vụ, nhớ lắm chứ, thương lắm chứ, nhưng vì nhiệm vụ, phải gạt tất cả sang một bên. Bởi phía trước họ là nhiệm vụ quan trọng hơn: cùng cả nước chống dịch.

Họ sẵn sàng gác lại những riêng tư, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để đảm bảo an toàn cho triệu triệu gia đình trên dải đất hình chữ S này.

Hết dịch mẹ về - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn! - 5

Có những nơi, giữa tâm dịch, họ - những chiến sĩ nơi tuyến đầu không có thời gian để chợp mắt, nỗi nhớ thương cũng bị khuất lấp trong khối lượng công việc khổng lồ, kéo dài từ sáng đến khuya, thậm chí vắt sang cả ngày mới.

Đất nước đang ở trong những ngày chống dịch hết sức khẩn trương, gấp gáp. Cuộc chiến ấy ngày càng khó khăn bởi dịch như vết da báo, cứ loang dần ra. Những khu phong tỏa, những khu cách ly tiếp tục được thiết lập. Đồng nghĩa, thời gian xa nhà của lực lượng tuyến đầu sẽ kéo dài hơn trong nỗi nhớ gia đình, nhớ các con.

Hết dịch mẹ về - Sống xa nhau để ngày sum họp gần hơn! - 6

Dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình phải tạm chia xa nhau. Trong ảnh là người đàn ông dẫn con tới chốt phong tỏa đóng ở xã Hưng Đông (thành phố Vinh, Nghệ An) để gặp mẹ. Thế nhưng cháu bé chỉ được phép đứng từ xa để nhìn mẹ... (Ảnh: Hoàng Lam).

Không một lời kêu ca, không một lời than vãn, họ nén nỗi nhớ lại và lao vào tâm dịch. Cuộc chiến này họ chỉ được phép tiến lên và chiến thắng!

Trên tuyến đầu chống dịch, là lực lượng y tế hay quân đội, công an, thanh niên tình nguyện... họ hiểu rằng, "khi Tổ quốc cần là phải biết xa nhau".

Xa nhau, để ngày sum họp gần hơn, nhất định là như thế!

Hoàng Lam

Mới hơn Cũ hơn