Theo dự kiến, trong 2 ngày 24-25/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội - CDC Hà Nội.
Hội đồng xét xử gồm 3 người, do Thẩm phán Đặng Đình Lực làm chủ tọa.
Đến thời điểm hiện tại, có 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ cho các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm tại tòa sơ thẩm.
Trước đó, đầu tháng 12/2020, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với các bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) bị tuyên phạt 10 năm tù. 9 đồng phạm của ông Cảm bị tuyên phạt từ 36 tháng tù (hưởng án treo) đến 6 năm 6 tháng tù giam.
Sau bản án sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông) đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội) có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương.
Tuy nhiên, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền đã xin rút đơn kháng cáo của mình. Do đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với bị cáo này.
CDC Hà Nội cũng có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo nguyên là cán bộ của Trung tâm.
Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã mua một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Trong vụ án này, cựu Giám đốc CDC Hà Nội có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật. Bị cáo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị can khác, trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu…
Sai phạm xảy ra khi CDC Hà Nội mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 tại gói thầu số 15 với số tiền là 9,54 tỷ đồng. Sai phạm của các bị cáo tại gói thầu số 15 gây thiệt hại cho Nhà nước là gần 5,4 tỷ đồng.
Phúc Lâm