Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng gọi cuộc chiến chống Covid-19 là "cuộc chiến tranh nhân dân", khi lãnh đạo và người dân đã "cháy hết mình", đã cùng nỗ lực ở mức cao nhất để giành chiến thắng…
Là một địa phương từng là tâm dịch Covid-19 của cả nước, từng phải cách ly xã hội toàn tỉnh trong 15 ngày, từng trải qua trận chiến cam go kéo dài cả tháng, Hải Dương tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm tác chiến với "giặc" Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng gọi đó là "cuộc chiến tranh nhân dân", khi cả lãnh đạo và người dân đã cùng "cháy hết mình", đã cùng nỗ lực ở mức cao nhất để giành chiến thắng…
- Cả nước đang trong khoảng thời gian phải gồng mình chống đỡ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với diễn biến hết sức nghiêm trọng. Ở sát những "điểm nóng" như Bắc Giang, Bắc Ninh, lần này Hải Dương cũng chịu áp lực rất lớn. Kinh nghiệm từ đợt dịch lần thứ 3, khi là tâm dịch lớn nhất cả nước hẳn là rất có ích với Hải Dương, thưa Bí thư?
+ Đợt dịch thứ 4 này Hải Dương chỉ ghi nhận 50 ca bệnh, tình hình nhìn chung được kiểm soát tốt. Đến giờ, chúng tôi chỉ còn một vài bệnh nhân, đều đã có xét nghiệm âm tính tới lần thứ 2, thứ 3, sẽ sớm được ra viện. Chúng tôi bước vào đợt chống dịch này với tâm thế khác hẳn, chủ động, bình tĩnh và có hướng ứng phó bài bản, hiệu quả, nhờ kinh nghiệm từ "trận chiến" đã phải trải qua hồi đầu năm.
Thời điểm đó, dịch Covid-19 bùng phát ở tỉnh Hải Dương trong trạng thái rất bất ngờ, phát sinh ngay sát Tết Nguyên đán, từ một nhà máy của Công ty Poyun có tới 2.340 công nhân trong khu công nghiệp Cộng Hòa ở thành phố Chí Linh, hoàn toàn không được dự báo trước. Khi dịch xuất hiện, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đều đang dự Đại hội XIII của Đảng tại Hà Nội.
Thời điểm đó, thực sự chúng tôi đều tương đối… sốc. Lo lắm, vì đây là lần đầu tiên Covid-19 bùng phát ở một nơi có đông công nhân. Lát cắt đầu tiên để xét nghiệm khi đó đã tìm ra ngay 172 người dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm đó thì chưa địa phương nào từng có số lượng ca bệnh phát hiện cùng lúc nhiều như vậy.
- Bất ngờ, "sốc", số lượng ca bệnh kỷ lục… Có thể hiểu áp lực đặt ra với lãnh đạo địa phương trong trận chiến rất lớn khi Bí thư sử dụng những từ ngữ đó để miêu tả về tâm dịch Hải Dương trong đợt dịch thứ 3?
+ Nói thật là thời điểm đó, tôi với góc độ là người đứng đầu địa phương, rất lo lắng, bởi dịch bệnh bùng phát bất ngờ quá mà quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn. Nhưng lãnh đạo tỉnh đã có những phản ứng kịp thời, ngay tại Đại hội Đảng XIII khi đó. Chúng tôi đã báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch Đại hội, xin phép để hai lãnh đạo trong đoàn dự Đại hội là Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành ủy Chí Linh (nơi ổ dịch lớn phát sinh) về chỉ đạo chống dịch ngay. Sau đó, ngay tại Đại hội Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo bằng văn bản, liên tục họp thông qua điện thoại, cầu truyền hình trực tuyến với địa phương để chỉ đạo công tác chống dịch tại tỉnh nhà.
Lúc đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một chỉ thị rất quan trọng (Chỉ thị số 10) về phòng chống dịch, với tinh thần xuyên suốt về phòng chống dịch là "chống dịch như chống giặc" và chủ trương nhất quán là "chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả", "bốn tại chỗ" và "năm rõ" (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) trong chống dịch.
Tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất coi việc dập dịch nhanh, dập dịch thần tốc là "thông điệp hiệu triệu" trong thời điểm đó. Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch cũng rất quan tâm, sát sao.
Bí thư Phạm Xuân Thăng kiểm tra công tác kiểm dịch tại các chốt kiểm soát.
Áp lực đặt ra là phải nhanh chóng dập dịch, kỳ vọng có thể khống chế trong khoảng 10 ngày. Nhưng thực tế, đúng là tình hình khó khăn hơn nhiều. Người công nhân được phát hiện mắc SARS-CoV-2 khi xuất cảnh sang Nhật, thời gian mắc bệnh đã khá lâu. Phía bạn cũng đã rất cẩn thận nên sau nhiều lần xét nghiệm kiểm chứng, 7 ngày sau khi phát hiện mới thông báo cho Việt Nam. Vậy nên trong dây chuyền người công nhân đó làm việc, dịch đã lây nhiều rồi.
Đáng nói hơn, những công nhân trong nhóm 172 ca phát hiện ngay khi triển khai xét nghiệm sàng lọc hầu hết ở trọ tại các khu dân cư bên ngoài nhà máy hoặc là người dân TP Chí Linh nên thực tế đã lây bệnh cho gia đình, dịch đã lan ra cộng đồng xã hội, không như hy vọng ban đầu là dịch mới chỉ khu trú trong một doanh nghiệp. Việc chống, chặn dịch khó khăn hơn nhiều so với phán đoán ban đầu là vì vậy.
- Phải chăng vì những lúng túng ban đầu như vậy mà trong dư luận có ý kiến cho rằng Hải Dương chậm trễ, không kịp thời, quyết liệt trong hành động khiến dịch loang ra, từ phạm vi TP Chí Linh tới mức toàn tỉnh phải cách ly xã hội?
+ Đúng là có một số ý kiến đánh giá khác nhau về phản ứng của Hải Dương trong việc phòng chống dịch. Tôi khẳng định, mỗi quyết định, giải pháp chống dịch đưa ra đều dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn, đặc biệt là tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid- 19, của Bộ Y tế và của các chuyên gia trong tổ công tác của Bộ Y tế tại Hải Dương.
Ngoài ra, trong chống dịch, chúng tôi còn quán triệt phương châm thực hiện "mục tiêu kép", cố gắng duy trì phát triển kinh tế. Đặc biệt, dịch xảy ra tại Hải Dương đúng thời điểm nhạy cảm là sát Tết Nguyên đán 2021 nên mỗi quyết định điều hành phải hết sức cân nhắc, tính toán để giảm thiểu tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Như quyết định cách ly toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, có thể nói là rất khó khăn với lãnh đạo Hải Dương vì dịch ập tới trước Tết, khi có một lượng hàng hóa lớn người dân đã tích trữ, chuẩn bị, nếu đưa ra quyết định giãn cách xã hội quá mức, không đúng lúc có thể dẫn đến phá sản nhiều doanh nghiệp, làm tổn thất kinh tế rất lớn. Quyết định cách ly được chúng tôi đưa ra ngày Mùng 4 Tết, phải nói là rất dũng cảm. Thời điểm này, các hoạt động kinh tế vào dịp Tết cổ truyền cơ bản đã kết thúc. Chúng tôi đã tính toán một cách phù hợp để làm sao thiệt hại kinh tế với người dân, doanh nghiệp là thấp nhất.
Rõ ràng chống dịch thì phải hy sinh lợi ích kinh tế nhưng cần làm sao cho thiệt hại, tổn thất ở mức thấp nhất thì mới là chống dịch thành công, còn bất chấp tất cả để đưa ra các biện pháp cực đoan, để an toàn cho lãnh đạo thì chưa phải là thắng lợi. Giải pháp phải hài hòa chính là một bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chống dịch tại Hải Dương.
- Câu chuyện chống dịch tại Hải Dương gây chú ý khi có tới 28 cán bộ đã bị kiểm điểm, phê bình trong đợt dịch. Được biết, thời điểm đó, cán bộ cấp dưới cứ nhận điện thoại của Bí thư là run?
+ Trong quá trình phòng, chống dịch, đúng là Hải Dương đã tiến hành xử lý, kỷ luật, nhẹ là khiển trách, nặng thì đình chỉ công tác một số tập thể, cá nhân. Thực sự việc làm này là cần thiết, khi giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", "chống dịch như chống giặc" mà có những nơi, những người phản ứng chưa kịp thời, thậm chí có biểu hiện lơ là.
Lúc đó, nếu như người đứng đầu không cương quyết, không quyết liệt đưa ra những quyết định nhanh chóng để phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm… thì không tạo ra được tính nghiêm minh, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch.
Chúng tôi đã làm rất cương quyết, mạnh mẽ, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 1 người khai báo y tế gian dối gây hậu quả nghiêm trọng, đã phạt tới 25 triệu đồng với một cán bộ là trưởng phòng của 1 sở do khai báo y tế không kịp thời, tổng số tiền phạt các hành vi không tuân thủ các quy định phòng chống dịch lên tới hơn 4 tỷ đồng…
- "Nhiệt lượng" từ Bí thư với tư cách người đứng đầu trong chiến dịch chống dịch tạo nên sự chuyển biến nhận thức và hành động thế nào ở cấp dưới?
+ Những quyết định nghiêm minh đã tạo ra chuyển biến rất rõ, tích cực sau đó, nâng cao trách nhiệm, gắn nhiệm vụ chống dịch với trách nhiệm của người đứng đầu. Nhiều cán bộ đã thực sự vào cuộc, lặn lội đêm hôm, cả ngày nghỉ, trực 24/24h để kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc chống dịch tới từng nhà, từng khu dân cư, từng tổ dân phố.
Chúng tôi coi đây cũng là một kinh nghiệm, đó là, trong khi chống dịch phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật hơn bao giờ hết.
- Ông đề cập tới vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Vậy chính ông cũng xác định chịu trách nhiệm trực tiếp với cuộc chiến chống dịch khi liên tiếp chủ trì các cuộc họp, đưa ra quyết định điều hành, có mặt tại các "điểm nóng" để kiểm tra, đốc thúc các hoạt động? Việc điều tiết vai trò giữa Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh trong lúc nước sôi lửa bỏng như vậy phải thực hiện thế nào?
+ Khi chống dịch thì cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, không riêng gì Bí thư. Chúng tôi có cả bộ máy về phòng chống dịch là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phân công trách nhiệm cho mỗi người rất rõ ràng.
Thực ra, Bí thư và Chủ tịch chúng tôi khi đó như là một, bởi trách nhiệm là chung, chúng tôi thậm chí cùng thảo luận, xử lý từng ca bệnh phát hiện mới trong cộng đồng để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng, ngay lập tức. Giữa Bí thư, Chủ tịch lúc đó là không có khoảng cách, không phân biệt không gian, thời gian, mà thường xuyên trao đổi, thường xuyên hội ý, thường xuyên đưa ra quyết định. Quyết định trong phòng dịch quan trọng nhất là tốc độ, bởi nếu chỉ đuổi theo dịch là thất bại mà mình buộc phải chạy nhanh hơn diễn biến của dịch bệnh để đón đầu, ngăn chặn.
Với vai trò là Bí thư tỉnh ủy lúc đó, tôi chủ yếu là đôn đốc, kiểm tra, giám sát, sâu sát để giải quyết kịp thời những việc phát sinh trong quá trình chống dịch. Không phải vì sự xuất hiện của Bí thư thì công việc mới trôi (cười) nhưng thực sự là khi Bí thư sâu sát hơn, quyết liệt hơn thì công việc sẽ có chuyển biến tốt hơn.
Kết quả chống dịch tại Hải Dương là sự cố gắng của cả hệ thống. Một mình Bí thư thì rất khó tạo chuyển biến cho cả một hệ thống được, phải là sự nỗ lực chung.
- Đó có phải là lý do để ông nói tỉnh nhà chống dịch thành công vì có một "cuộc chiến tranh nhân dân"? Làm thế nào Bí thư và lãnh đạo tỉnh "kích hoạt" được cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân tham gia chống dịch?
+ Với cách tiếp cận cuộc chiến "chống dịch như chống giặc", nếu như không huy động được sức mạnh của toàn dân, sự đồng thuận của nhân dân thì sẽ thất bại. Hải Dương đã rút ra bài học rất sâu sắc là phải biến cuộc chiến chống dịch thành "chiến tranh nhân dân", tức là huy động sức mạnh của toàn dân, mỗi một người dân giống như một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch.
Thời kỳ cam go nhất, Hải Dương phải tiến hành cách ly xã hội toàn tỉnh 15 ngày, từ Mùng 4 Tết, chúng tôi đã tiến hành các biện pháp cách ly gắt gao và mọi người dân đều đồng lòng tham gia một cách rất triệt để. Từ đó, chuỗi lây của dịch bệnh được cắt đứt, Covid-19 không lan trong cộng đồng nữa.
Đối với việc huy động sức mạnh của người dân thì phải bắt nguồn trước hết từ việc tạo ra nhận thức chung, làm sao để người dân hiểu được mục tiêu, mục đích và sự cần thiết của các biện pháp chống dịch, từ đó cuốn hút người dân làm theo.
Và trong cuộc huy động sức dân cho cuộc chiến chống dịch, chúng tôi đã tổ chức được những Tổ Covid cộng đồng. Mới đầu, số Tổ Covid cộng đồng chưa nhiều nhưng sau đó chúng tôi đã thành lập được 11.000 tổ với tổng số hơn 22.000 người tham gia, phát huy hiệu quả rất tốt, thể hiện sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống dịch.
Hoạt động của Tổ Covid cộng đồng cũng là bài học Hải Dương rút ra. Tổ Covid cộng đồng đã tới từng nhà, rà từng người, kiểm soát được từ những người từ nơi khác đến không khai báo y tế tới người có biểu hiện ho, sốt, khó thở trong cộng đồng để tổ chức cách ly ngay tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc ngay.
Hải Dương khẳng định được việc "quét" sạch mầm bệnh trong cộng đồng chính là nhờ Tổ Covid cộng đồng này. Chúng tôi coi đây là "vũ khí" lợi hại của nhân dân để chống dịch.
Bí thư Phạm Xuân Thăng kiểm tra hoạt động tiêu thụ nông sản khi Hải Dương phải thực hiện biện pháp cách ly xã hội.
- Qua chuyện chống dịch của Hải Dương, có thể hiểu, không phải ngẫu nhiên mà vừa qua, Ban Bí thư Trung ương Đảng liên tiếp ban hành các chỉ thị, công điện chỉ đạo về chống dịch, đều đề cập việc giao người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đặc biệt là Bí thư tỉnh ủy chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về hoạt động chống dịch?
+ Thực ra, xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu thì không riêng gì việc chống dịch mà trong tất cả mọi công việc, Ban Bí thư, Bộ Chính trị đều có chỉ đạo, quán triệt. Nói chung, trong lúc khó khăn, thử thách, bao giờ vai trò người đứng đầu cũng nổi lên và rất cần thiết cho thời khắc đó. Còn trong cuộc chiến chống dịch, vai trò của người đứng đầu được Ban Bí thư nhấn mạnh thêm.
Thực tiễn chống dịch tại Hải Dương cho thấy, vào thời điểm cần thiết, không riêng gì Bí thư tỉnh ủy mà tất cả các bí thư cấp ủy các cấp, từ bí thư chi bộ, người đứng đầu cấp trong các Ban chỉ đạo phòng chống dịch đều hết sức gương mẫu, trách nhiệm, nêu cao vai trò cá nhân trong các hoạt động.
Khi chống dịch, tất cả chúng tôi, từ Bí thư, Chủ tịch đến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã "cháy hết mình" bởi tình thế rất nguy hiểm, rất cấp bách, tất cả mọi người đều hết sức nỗ lực. Thực sự chúng tôi đã nỗ lực ở mức cao nhất, đã làm hết những việc có thể làm được với toàn bộ khả năng của mình, với tất cả nguồn lực về con người, về vật chất, tất cả các biện pháp y tế, biện pháp lãnh đạo và chỉ đạo…
- Xin cảm ơn Bí thư về những chia sẻ tâm huyết, ý nghĩa!
NỘI DUNG: Phương Thảo - Cấn Cường - Nguyễn Dương
PHOTO & ĐỒ HỌA: Đỗ Linh