Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, tỉnh này đã tính đến việc quản lý công nhân qua việc đeo đồng hồ gắn chíp. Qua đồng hồ, nếu công nhân đi sai lộ trình sẽ phát hiện được ngay.
Ông Vương Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, từ ngày 20/6, Bắc Ninh đã cho thêm công nhân trở lại nhà máy làm việc, nhưng đối với lao động trong khu dân cư đang thực hiện cách ly, muốn vào nhà máy cũng phải được xét nghiệm RT- PCR 2 lần âm tính mới được vào làm. Ngược lại công nhân, người lao động từ nhà máy về lại khu dân cư cũng phải test nhanh cho kết quả âm tính để tránh tình trạng ủ bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo ông Tuấn, với 450.000 công nhân, người lao động trên địa bàn làm việc trong khu công nghiệp, việc quản lý cơ học về lâu dài sẽ rất khó khăn. Do vậy, tỉnh đã tính tới việc quản lý bằng công nghệ thông qua việc yêu cầu công nhân đeo đồng hồ gắn chip. Qua đồng hồ, nếu công nhân, người lao động đi sai lộ trình, doanh nghiệp sẽ phát hiện được ngay. "Đây là việc làm khó, nhưng khó cũng phải làm", ông Tuấn nói.
Trước đó, để đảm bảo chống dịch hai đầu (khu công nghiệp và khu dân cư) mà vẫn duy trì sản xuất, ngày 26/5, Bắc Ninh đưa ra phương án "lọc" công nhân sạch, cho phép không quá 50% công nhân vào làm việc, ăn ở tại công ty, thậm chí cả công nhân ở vùng cách ly, giãn cách xã hội. Giải pháp này tối ưu hiệu quả, đảm bảo vừa chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, giảm tải số công nhân ở khu dân cư, tránh lây nhiễm trong cộng đồng...
Trong bối cảnh dịch bệnh, công nhân làm việc trong nhà máy được đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn ở, làm việc nên một số doanh nghiệp đã vận động công nhân tiếp tục ở lại đến ngày 30/6 để duy trì sản xuất ổn định. Người lao động từ đó cũng có thêm thời gian tăng ca, tăng giờ làm nên đời sống đảm bảo, giá trị sản lượng của doanh nghiệp cũng ổn định, nhiều doanh nghiệp vẫn đạt 70-80% sản lượng đặt ra.
Ông Vương Quốc Tuấn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch nơi công nhân ở trọ.
Cùng với việc đưa lao động cách ly trong khu dân cư trở lại nhà máy, Bắc Ninh còn tạo điều kiện đưa hơn 2.000 lao động từ vùng dịch Bắc Giang sang Bắc Ninh làm việc.
Bắc Ninh đưa ra điều kiện, tất cả số công nhân từ Bắc Giang đưa sang phải là những người ở vùng không có dịch và được xét nghiệm RT- PCR 2 lần cho kết quả âm tính. Khi đủ điều kiện đảm bảo an toàn Bắc Ninh bố trí phân luồng đưa xe đón lao động về khu nhà ở xã hội tại khu công nghiệp, đồng thời đảm bảo ăn uống, sinh hoạt...
Ông Tuấn chia sẻ, giữa tâm dịch việc đưa công nhân trở lại nhà máy làm việc, trong đó có cả công nhân ở Bắc Giang sang là giải pháp chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, đó là biện pháp duy nhất để bảo đảm chuỗi sản xuất, và ổn định thu nhập cho người lao động.
"Thời điểm chúng tôi đưa ra giải pháp này bản thân các doanh nghiệp rất băn khoăn, lo ngại không bố trí đủ nơi ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Lúc đó tôi nói thẳng với họ chắc chắn là khó khăn, nhưng nếu không làm theo phương án này thì phải dừng sản xuất nên cuối cùng tất cả đều đồng tình thực hiện. Giải pháp này giúp Bắc Ninh đã duy trì được hoạt động sản xuất trong điều kiện đảm bảo kiểm soát dịch bệnh", ông Tuấn chia sẻ.
Bá Đoàn