Không chỉ sản xuất và tặng hàng ngàn lít nước sát khuẩn cho tuyến đầu, anh Mai Anh Đức (bệnh nhân Covid-19 số 687) còn mày mò sáng chế máy khử khuẩn di động hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang.
Người đàn ông từng mắc Covid-19 trong đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng hồi tháng 7/2020 miệt mài làm nhiều việc thiện nguyện góp phần phòng, chống dịch như một cách trả nghĩa tuyến đầu đã giúp anh vượt qua những ngày điều trị bệnh.
Góp sức tri ân tuyến đầu chống dịch
Xế chiều, tại khu xưởng nhỏ được thiết lập tạm trong quán cà phê của gia đình, anh Mai Anh Đức (sau khi khỏi bệnh vẫn mang biệt hiệu Đức "BN687" như một kỷ niệm) cùng 3 cộng sự đang tất bật hoàn thành việc lắp ráp máy khử khuẩn di động để kịp chuyển đến tâm dịch Bắc Giang.
Máy khử khuẩn di động phun ở dạng hơi sương nên không làm ướt quần áo hay đồ bảo hộ.
Những ngày này, trời Đà Nẵng nắng như đổ lửa, mồ hôi ướt đẫm lưng người đàn ông 39 tuổi, nhưng nghĩ tới các bệnh viện tuyến đầu đang cần gấp thiết bị, 3 người vẫn không ngơi tay lắp ráp, điều chỉnh thiết bị.
"Mục tiêu là cuối tuần này tôi phải gửi 8 máy khử khuẩn di động cùng 1.500 lít nước sát khuẩn ra Bắc Giang để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19", anh Đức chia sẻ.
Từng bị nhiễm Covid-19 trong đợt dịch tháng 7/2020 ở Đà Nẵng, anh Đức trực tiếp chứng kiến sự khó khăn, vất vả của các nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch.
"Trong thời gian điều trị ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, hình ảnh những y bác sĩ tay nhăn nheo, khô lột vì thường xuyên đeo găng tay, dùng cồn sát khuẩn khiến tôi rất trăn trở. Tôi đã "nuôi" ý tưởng sản xuất nước sản khuẩn an toàn với da tay để cung cấp cho tuyến đầu", anh Đức nói.
Anh Đức (áo trắng) cùng các cộng sự đang hoàn thiện máy khử khuẩn di động để hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang.
Thông qua facebook cá nhân, anh Đức kêu gọi người thân, bạn bè chung sức sản xuất và cung cấp nước sát khuẩn miễn phí cho tuyến đầu chống dịch. Anh đặt tên cho dự án này là 687 (Team 687) - số hiệu gắn liền với anh trong những ngày tháng không bao giờ quên.
"Vì làm trong ngành máy lọc nước nên tôi biết đến thiết bị sản xuất nước sát khuẩn của Nhật Bản. Dung dịch này đã được Viện Pasteur TPHCM chứng nhận có khả năng diệt khuẩn đến 99%. Loại nước này có hiệu quả tốt, lại thân thiện với da tay, rất phù hợp với lực lượng tuyến đầu thường xuyên phải sát khuẩn", anh Đức kể.
Đến hiện tại, "Team 687" đã tặng hàng ngàn lít nước khử khuẩn cho các bệnh viện tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng như: Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các trung tâm y tế ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố; các khu, điểm, chốt cách ly y tế.
Ngoài ra, anh còn hỗ trợ nước sát khuẩn cho TP Hội An, huyện Duy Xuyên, Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam).
Trong đợt dịch bùng phát trước Tết Nguyên đán vừa qua, nước sát khuẩn của nhóm anh Đức cũng được vận chuyển ra Hải Dương để hỗ trợ tuyến đầu.
Sáng chế máy sát khuẩn di động
Nhận thấy nhu cầu sát khuẩn của các bệnh viện rất lớn, anh Đức còn mày mò, nghiên cứu chế tạo buồng khử khuẩn tự động. Hiện, 3 buồng khử khuẩn tự động đã được tặng cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà.
Để hạn chế tiếp xúc, nút bấm để kích hoạt máy sát khuẩn di động cũng được anh Đức đổi thành cảm biến đặt bên hông thiết bị.
Tuy nhiên, do tốn chi phí, thời gian cũng như cồng kềnh gây khó cho quá trình vận chuyển, anh Đức mày mò sáng chế ra máy sát khuẩn di động với kích thước nhỏ gọn.
"Một xe tải chỉ chở được một buồng khử khuẩn, còn máy phun sương di động cơ động hơn, vận chuyển đi xa cũng dễ dàng hơn. Thiết bị này muốn di chuyển giữa các điểm cách ly hay bệnh viện cũng tiện lợi hơn vì kích thước nhỏ và có gắn bánh xe", anh Đức cho hay.
Để biến nước sát khuẩn thành hơi nước để phun sương, anh Đức phải lên mạng tìm kiếm các công nghệ phù hợp.
"Tình cờ, tôi tìm thấy trên facebook một thiết bị tách nước thành hơi nhờ sóng âm, được ứng dụng trong việc trồng lan, nuôi yến. Khi liên hệ với người sản xuất, trình bày ý định của mình, họ đồng ý tặng miễn phí để hỗ trợ chống dịch", anh Đức nói.
Máy phun sương di động được trang bị hai vòi phun ở vị trí ngang bụng và dưới chân nên các nhân viên y tế sẽ được khử khuẩn toàn thân (Ảnh: NVCC).
Tìm được thiết bị "đinh" của máy, anh Đức cùng các cộng sự tiếp tục nghiên cứu thiết kế để hoàn thiện máy sát khuẩn di động. Máy gồm 1 vỏ bằng khung sắt được phủ ngoài bằng tấm Aluminum, phía trong đặt máy tách nước thành hơi bằng sóng âm, can nhựa chứa dung dịch cùng hệ thống ống dẫn.
Để hạn chế tiếp xúc, nút bấm để kích hoạt máy cũng được đổi thành cảm biến đặt bên hông máy. Chỉ cần dùng tay quét cảm biến đặt bên hông, máy sẽ tự động kích hoạt chế độ phun sương.
Do máy được trang bị hai vòi phun ở vị trí ngang bụng và dưới chân nên các nhân viên y tế sẽ được khử khuẩn toàn thân. Thời gian phun khử khuẩn được cài mặc định trong vòng 30 giây và có thể dễ dàng tùy chỉnh.
3 buồng khử khuẩn tự động của Dự án 687 đã được tặng cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà (Ảnh: NVCC).
"Với thiết kế này, máy hoạt động liên tục trong vòng 1 giờ mà chỉ tốn khoảng 1 lít nước sát khuẩn. Vì máy phun ở dạng hơi sương nên cũng không làm ướt nhẹp quần áo hay đồ bảo hộ. Dung dịch ở trong máy cũng có thể dễ dàng đổi thành dung dịch Cloramin B nếu hết dung dịch sát khuẩn", anh Đức cho biết.
Một máy phun sương di động có giá thành khoảng 8,5 triệu đồng. Vì tính hiệu quả và tiện lợi của máy nên nhiều đơn vị y tế ở Đà Nẵng, Quảng Nam cũng liên hệ để đặt làm. Tuy nhiên, trước mắt, vì tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang đang diễn biến phức tạp nên các thành viên dự án đang tập trung toàn lực hoàn thành các máy để hỗ trợ.
"Vì thời gian gấp gáp nên chúng tôi phải thuê thợ làm phần khung của máy, các thành viên của dự án tập trung nối mạch, làm hệ thống vòi phun sương, bình chứa và hệ thống điện để lắp vào khi khung máy hoàn thành", anh Đức nói.
Trong thời gian tới, "Team 687" sẽ phối hợp với Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai để sản xuất 20 máy sát khuẩn di động để tặng Bắc Giang, Bắc Ninh. Đồng thời, tiếp tục sản xuất nước sát khuẩn tặng cho tuyến đầu chống dịch.
Nguyễn Tri