Sau sự việc hàng chục tấn cá lồng chết trên sông Mã, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra và phát hiện nhiều mẫu nước giếng đoạn qua huyện Bá Thước có chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn.
Ngày 30/5, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Thanh Hóa cho biết, đơn vị này vừa có kết quả kiểm tra mẫu nước giếng dọc sông Mã.
Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TN&MT phối hợp với Phòng TN&MT huyện Bá Thước lấy mẫu từ ngày 10 - 11/5/2021, để kiểm tra, phân tích theo quy chuẩn đối với các chỉ tiêu, thành phần, gồm: màu sắc, mùi vị, pH, Clo dư, độ cứng, chỉ số Pemanganat, NH4+ (tính theo N, Fe, F-), Ecoli và Coliform.
Nhiều hộ dân dọc sông Mã trắng tay sau sự cố cá nuôi ở lồng bè chết do ô nhiễm.
Theo đó, kết quả phân tích xác định 1 mẫu nước có chỉ tiêu độ cứng cao hơn quy chuẩn 1,18 lần; 4 mẫu có chỉ tiêu Coliform cao hơn quy chuẩn 09-MT:2015/BTNMT từ 3 - 5 lần.
Từ kết quả trên, Sở TN&MT Thanh Hóa khuyến cáo, người dân sử dụng nước giếng dọc tuyến sông Mã qua huyện Bá Thước chỉ dùng phục vụ sinh hoạt thông thường như tắm, giặt, vệ sinh, không ăn uống trực tiếp. Khi sử dụng làm nước uống, người dân cần đun sôi để tiệt trùng.
Cơ quan chức năng ráo riết truy lùng thủ phạm.
Ngoài việc giao cho Sở TN&MT lấy mẫu nước giếng phân tích, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phê duyệt phương án lấy mẫu, phân tích và đánh giá chất lượng nước tại các giếng của các hộ dân dọc bờ sông Mã đoạn qua huyện Bá Thước và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa chủ trì.
Theo phương án này, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa) sẽ tiến hành lấy 135 mẫu nước ở 45 thôn, thuộc địa phận 10 xã và thị trấn dọc sông Mã của huyện Bá Thước (gồm các xã: Thiết Kế, Thiết Ống, Ái Thượng, Ban Công, Hạ Trung, Lương Trung, Điền Lư, Lương Ngoại, Điền Trung và thị trấn Cành Nàng).
Trong trường hợp kết quả phân tích xác định nước giếng bị ô nhiễm buộc phải mở rộng số lượng lấy mẫu và phân tích, Sở NN&PTNT Thanh Hóa phối hợp với các Sở TN&MT, KH&CN để cùng triển khai lấy mẫu, phân tích đồng thời hướng dẫn cho người dân xử lý nguồn nước, trữ nước hợp vệ sinh để sử dụng.
Phương án được đưa ra cũng nêu rõ, nếu xác định nguyên nhân nguồn nước giếng bị ô nhiễm do việc xả thải trái phép của các doanh nghiệp thì doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm phải chi trả kinh phí cho việc lấy mẫu và phân tích mẫu nước.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, từ ngày 15/3 - 15/4, nước sông Mã đoạn qua địa bàn huyện Bá Thước đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh. Tình trạng ô nhiễm trên sông Mã khiến cho khoảng 60 tấn cá lồng của người dân các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy chết, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, số lượng thủy sản khác chết với số lượng lớn không kiểm đếm hết.
Trước thực trạng trên, từ ngày 9 - 14/4, huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tất cả 5 công ty có hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất đũa, giấy trên địa bàn huyện này.
Kết quả, ngành chức năng huyện Bá Thước phát hiện 3/5 công ty có hành vi chôn ống ngầm hoặc bơm trực tiếp nước thải từ quá trình sản xuất đũa, giấy chưa qua xử lý ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường. Cụ thể là Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP chế biến lâm sản Phú Thành (đều có địa chỉ tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước) và Công ty CP sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (địa chỉ tại phố Tráng, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước).
Bình Minh