Dù đã được phong tỏa, chuyển bớt F1 song tại ổ dịch Bệnh viện K vẫn phát hiện ca bệnh mới. Vì thế, Bộ Y tế quyết định lập Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.
Theo đó, Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện K gồm có 18 thành viên. Trong đó, Tổ trưởng là PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh.
Thành viên gồm các chuyên gia về kiểm soát bệnh tật truyền nhiễm của Hà Nội, đại diện Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế, đại diện một số bệnh viện như Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Nhi Trung ương, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương… PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn cao cấp cũng là thành viên của tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, điều hành công tác phòng bệnh, giám sát dịch tễ, xử lý môi trường phòng chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện K. Đồng thời tổ chức điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch; khoanh vùng kiểm soát; lập danh sách, thực hiện cách ly, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp bệnh đã xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ.
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bắt đầu phong tỏa từ sáng 7/5 (Ảnh: Đình Trường).
Tổ cũng sẽ giám sát triển khai các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn; xử lý môi trường tại Bệnh viện K. Bên cạnh đó, định kỳ hàng ngày hoặc đột xuất Tổ công tác có báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống dịch đã triển khai.
Đến nay tại ổ dịch Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã có hơn 70 ca dương tính gồm cả bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.
Ngày 24/5, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác y tế và phòng chống dịch tại Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương- một trong những nơi tiếp nhận bệnh nhân và người nhà của Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều chuyển về.
Hiện Bệnh viện Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương quản lý và chăm sóc 226 bệnh nhân của Bệnh viện K và 65 người nhà. Hiện các đối tượng này đã cách ly được 17 ngày, 3 lần xét nghiệm âm tính, dự kiến thứ 6 tới sẽ đủ 21 ngày. Bệnh viện K cũng cử 6 bác sĩ và 6 điều dưỡng về chăm sóc bệnh nhân và đảm bảo các quyền lợi của người bệnh. Công tác dinh dưỡng và chăm sóc y tế được đặc biệt quan tâm vì đều là các bệnh nhân ung thư.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Bệnh viện rà soát, phân loại đối tượng nào là F1, đối tượng nào là F2, xét nghiệm âm tính 2-3 lần, đủ thời gian cách ly có thể cho về địa phương. Đồng thời chuyển thêm bệnh nhân từ Bệnh viện K về để từng bước làm sạch từng khu vực của bệnh viện. Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cần xem xét và nâng công suất giường bệnh để đáp ứng công tác chống dịch.
Các chuyên gia cũng đề nghị BV phải xây dựng phương án kịch bản khi đông bệnh nhân F0; bố trí phân luồng 1 chiều từ khi tiếp nhận đến khi ra viện; thiết lập các khu bệnh nhân nặng, bệnh nhân ít triệu nghi ngờ, khu bệnh nhân hồi phục… và thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh bề mặt, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị phối hợp với y tế các địa phương có phương án quản lý bệnh nhân Bệnh viện K khi trở về; xem xét phương án bố trí nơi ở cho bệnh nhân đối với những địa phương đang ở vùng dịch, thực hiện giãn cách xã hội (như ở Bắc Ninh, Bắc Giang).
Nhà trường tiếp tục hỗ trợ Bệnh viện K đảm bảo công tác chống dịch, khử khuẩn vệ sinh môi trường và tiếp nhận thêm bệnh nhân F1 chuyển về.
Nam Phương