Những ngày này, tiếng loa di động rộn ràng khắp vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số ở Đắk Nông. Đây là những "vùng lõm" thông tin nên công tác tuyên truyền về ngày bầu cử được tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh.
Không sợ xe hết xăng, chỉ sợ loa… hết điện
Khu vực Nâm Sơ Ni (xã Đắk Som, huyện Đắk G'Long) có hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nâm Sơ Ni nằm cách trung tâm xã Đắk Som gần 15 km, lại chưa có điện lưới quốc gia nên việc tiếp cận thông tin về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV của người dân còn rất hạn chế.
Cán bộ xã Đắk Som sử dụng loa kẹo kéo để tuyên truyền ngày bầu cử.
Để thông tin về cuộc bầu cử đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ xã Đắk Som phải thực hiện phương châm "đi từng ngõ - gõ cửa từng nhà" tuyên truyền.
Theo Ủy ban bầu cử xã Đắk Som, ngoài phát tờ rơi, những chiếc loa di động cũng được sử dụng và hoạt động hết công suất. Bất kể ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, những chiếc loa này vẫn theo chân cán bộ, phát liên tục tại các khu vực đồi núi - nơi có người dân sinh sống.
Tài liệu tuyên truyền được in bằng 3 thứ tiếng phục vụ công tác bầu cử.
"Ngày bầu cử đến gần nên những địa bàn đồi núi xa xôi, cán bộ xã mang theo loa di động vào tuyên truyền cho người dân. Nhiều khu vực người dân sinh sống không có điện, không có sóng di động, cũng không có hội trường, nhà văn hóa nên loa kẹo kéo là hiệu quả nhất. Những ngày này, không sợ xe hết xăng, chỉ sợ loa… tắt điện", một cán bộ tuyên truyền xã Đắk Som chia sẻ.
Không chỉ các xã vùng sâu, nhiều địa bàn biên giới, nơi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng lớn, công tác tuyên truyền về ngày bầu cử được tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh. Để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, ủy ban bầu cử các cấp xác định theo khu vực sinh sống, tập quán sản xuất của người dân để có hình thức tuyên truyền phù hợp và hiệu quả.
Cán bộ đồn biên phòng vào nương rẫy tuyên truyền tới người dân về ngày bầu cử.
Theo lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil), từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị này đã tăng cường cán bộ xuống tận các thôn, buôn làng làm công tác dân vận. Khó khăn vẫn là người dân đi làm nương rẫy, ít khi có mặt ở nhà nên phải tranh thủ từng lúc, gặp từng người cụ thể để tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của cử tri.
Đặc biệt, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An còn sử dụng xe máy chở theo loa "di động", cùng micro để giải thích trực tiếp những ý kiến, băn khoăn của cử tri. Nhờ đó, cử tri đều nắm chắc thông tin về ứng cử viên, quy trình, thủ tục thực hiện bầu cử.
Đảm bảo quyền lợi của cử tri
Theo lãnh đạo xã Đắk Som, trên địa bàn có khoảng 30 hộ dân sinh sống tự do khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3. Dù có tạm trú tại xã nhưng số hộ dân này không ổn định, khi thì ở khu vực Đắk Som, khi thì qua địa phận Lâm Đồng đánh bắt cá. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền bầu cử tại khu vực này gặp rất nhiều khó khăn.
Gần 30 hộ dân sinh sống trên lòng hồ được ghi tên vào danh sách cử tri xã Đắk Som.
Bà Lưu Thị Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Som cho biết, khó khăn trong công tác tuyên truyền khu vực này là không có điện lưới, thông tin khó tiếp cận, nên lãnh đạo xã phải trực tiếp xuống tận nơi giải thích cụ thể cho bà con.
Hàng chục hộ dân thuộc 2 thôn Phú Hòa, Phú Vinh (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) cũng chủ yếu thuộc diện dân di cư tự do. Do vậy, đợt bầu cử sắp tới, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của cử tri, cán bộ xã Quảng Phú đã xuống tận nơi ở tạm trú các cử tri, xác nhận lại nguyện vọng của các hộ dân này.
Người dân thôn Phú Hòa cắm cờ chào mừng ngày hội lớn của toàn dân.
"Qua thống kê, rà soát, nếu người dân xác định cư trú lâu dài tại địa phương thì tổ bầu cử sẽ ghi tên vào danh sách, đảm bảo quyền lợi cử tri theo quy định. Đặc biệt, nhân dịp bầu cử này, chúng tôi còn vận động bà con "ra khỏi rừng", dọn về sinh sống dọc hai bên đường tỉnh lộ 4B để thuận lợi cho việc làm hộ khẩu sau này", ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho hay.
Cũng theo ông Phú, đến thời điểm hiện tại, tất cả cử tri của hai thôn Phú Hòa, Phú Vinh đã được phát thẻ cử tri, đảm bảo để người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử ngày 23/5.
Dương Phong