Những tác nhân tăng nguy cơ mắc loại ung thư khiến 15 nghìn người tử vong

Ung thư dạ dày phổ biến ở cả hai giới và ngày càng trẻ hóa. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm khoảng 15 nghìn người tử vong vì căn bệnh này

TS.BS Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Robot, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K cho biết, ung thư dạ dày là một trong những bệnh lý ung thư tiêu hóa thường gặp hiện nay và con số mắc ung thư dạ dày hàng năm trên thế giới có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Những tác nhân tăng nguy cơ mắc loại ung thư khiến 15 nghìn người tử vong - 1

Theo con số thống kê của tổ chức Y tế thế giới năm 2018, ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Ở Việt Nam ước tính mỗi năm hơn 17 nghìn ca ung thư mới, 15 nghìn ca tử vong.

Có nhiều nguyên nhân gây nên căn bệnh này, trong đó ngoài các nguyên nhân di truyền, yếu tố môi trường, thói quen dinh dưỡng, béo phì cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh ung thư này.

Cụ thể, chuyên gia chỉ ra các tác nhân gây ung thư dạ dày gồm: 

Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các  yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền.

- Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo các các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng.  Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.

- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.

- Thói quen sinh hoạt: Ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói.. làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

 - Béo phì: người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.

 - Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền, người thân có mắc bệnh này.

Đáng nói, căn bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân thường đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát.

"Vì đau mơ hồ, không triệu chứng rõ ràng nên nhiều người lầm tưởng chỉ đau dạ dày thông thường, chủ quan uống vài ba viên thuốc, cứ đỡ rồi lại đau. Đến khi sút cân, đau trầm trọng hơn, đến viện khám được nội soi dạ dày, sinh thiết khẳng định ung thư mới ngỡ ngàng, cứ nghĩ chỉ đau dạ dày", TS Bình chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý ngại nội soi dạ dày vì sợ. Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn.

Việc phát hiện sàng lọc sớm ung thư dạ dày hiện nay thì phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là phương pháp nội soi dạ dày bằng ống mềm cho phép chúng ta đánh giá toàn bộ niêm mạc trọng dạ dày, và nếu có tổn thương chúng ta có thể sinh thiết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày.

Vì thế, khi có dấu hiệu đầy hơi, chướng bụng, các vấn đề về tiêu hóa... người dân nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Tú Anh

Mới hơn Cũ hơn