Oanh kháng cáo kêu oan nhưng HĐXX cấp phúc thẩm xác định hành vi của nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành đã phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.
Thoát tử hình do nuôi con nhỏ trong thời gian phạm tội
Chiều 21/5, TAND cấp cao tại TPHCM đã sửa án sơ thẩm đối với vụ án tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) - chi nhánh Bến Thành, liên quan đến bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh (nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành) và đồng phạm.
Bị cáo Oanh lãnh án tù chung thân.
Theo đó, HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm về việc kháng nghị tăng hình phạt từ chung thân lên tử hình đối với bị cáo Oanh, do Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã rút kháng nghị. Lý do rút kháng nghị là phát sinh tình tiết bị cáo Oanh đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội.
HĐXX chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của một bị cáo, giảm nhẹ hình phạt từ 7 năm xuống còn 4 năm 6 tháng tù. Theo tòa phúc thẩm, bị cáo này có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Lê Văn Tính (nguyên giám đốc công ty Kim Gia Thuận) lừa đảo nhưng vai trò hạn chế, bị phụ thuộc, không hưởng lợi.
HĐXX xác định mặc dù bị cáo Oanh kêu oan về tội tham ô tài sản và nhận hối lộ nhưng căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có đủ căn cứ xác định bản án sơ thẩm tuyên đúng người, đúng tội. Từ đó, tòa bác kháng cáo tuyên phạt bị cáo Oanh tù chung thân.
Cấp dưới bị cáo Oanh đồng loạt kêu oan về tội tham ô tài sản, nhưng HĐXX xác định họ đồng phạm giúp sức cho nguyên giám đốc Agribank chi nhánh Bến Thành thực hiện hành vi phạm tội.
Vì vậy, HĐXX bác kháng cáo, tuyên Lê Văn Tính tù chung thân, Nguyễn Quốc Việt 26 năm tù, Huỳnh Ngọc Thạch 15 năm tù, Hồ Đình Thanh 11 năm tù, Phạm Đình Kim Chi 4 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX phúc thẩm tuyên buộc bị cáo Oanh liên đới cùng Tính bồi thường cho Agribank nhiều khoản tiền và phải nộp lại số tiền 24 tỷ đã nhận hối lộ, 5 tỷ tiền thu lợi từ việc cho thuê 2 căn nhà để xung quỹ Nhà nước.
Cấu kết cùng em rể "rút ruột" ngân hàng
Theo án sơ thẩm, năm 2008, trong thời gian điều hành Agribank chi nhánh Bến Thành, bà Oanh và em rể Trương Thế Thanh (Trưởng phòng tín dụng) thực hiện hàng loạt sai phạm để chiếm đoạt tài sản của nhà băng.
Cả hai dùng tên 8 người thân lập khống các hồ sơ vay tiền, vàng của ngân hàng. Oanh duyệt cho vay tổng cộng 2.660 cây vàng (tương đương hơn 47 tỷ đồng, lúc xảy ra vụ án), rồi lấy 2.250 cây đi mua căn nhà trên đường Trần Quang Khải, quận 1.
Nữ giám đốc dùng chính căn nhà này cho Agribank thuê làm Phòng giao dịch với giá 5.800 USD mỗi tháng.
Các bị cáo tại tòa.
Đến hạn trả nợ vay, Oanh chỉ đạo Trương Thế Thanh lấy pháp nhân công ty của con rể và một số cá nhân, doanh nghiệp khác tiếp tục lập các hợp đồng khống vay tiền, vàng của Agribank Bến Thành nhằm đảo nợ nhưng cuối cùng không trả được. Tổng cộng, bà Oanh tham ô hơn 31 tỷ đồng.
Bà Oanh còn ký duyệt cho em rể vay 13 tỷ đồng để đầu tư bất động sản mà không có tài sản bảo đảm. Do ông này chết nên đình chỉ điều tra.
Ngoài ra, trong quá trình điều hành hoạt động của chi nhánh, dù biết các công ty của Lê Văn Tính không đủ điều kiện vay nợ, Oanh vẫn phê duyệt cho các pháp nhân này vay vàng (thực chất giải ngân tiền cho Tính vay) để hưởng chênh lệch gần 25 tỷ đồng từ việc quy đổi vàng ra tiền.
Cuối năm 2017, trong phiên tòa sơ thẩm, Viện Kiểm sát đề nghị hình phạt tử hình đối với Oanh, song HĐXX tuyên án chung thân bởi cho rằng phần lớn hậu quả của vụ án có khả năng thu hồi, căn nhà bị cáo dùng vàng của Agribank mua cùng nhiều bất động sản khác đã được đưa vào khắc phục hậu quả. Gần 25 tỷ đồng nhận hối lộ cũng được bị cáo đưa vào để đảo nợ cho các khoản vay trước đó.
Lê Văn Tính lĩnh án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 16 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. 9 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 26 năm tù.
Cho rằng mức án này chưa tương xứng với hành vi phạm tội, nhận định của tòa sơ thẩm không có căn cứ nên Viện Kiểm sát kháng nghị tăng án lên tử hình đối với Oanh.
Bà Oanh sau đó kháng cáo kêu oan, một số bị cáo khác có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Xuân Duy