Chỉ trong thời gian ngắn, tại TPHCM đã xuất hiện cùng lúc hai biến chủng Anh và Ấn Độ của Covid-19. Cuộc chiến với dịch bệnh được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nguy hiểm.
Từ ngày 18/5 đến nay, trên địa bàn TPHCM đã liên tiếp xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 ở hai chuỗi lây nhiễm ở nam bệnh nhân (4514) ngụ tại TP Thủ Đức có liên quan đến nữ bệnh nhân ngụ tại quận 7, từng đến Hải Phòng và gia đình người phụ nữ bán quán ăn tại quận 3 (BN4780).
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 63 tuổi bán quán cơm tại quận Gò Vấp cũng có kết quả dương tính yếu với SARS-CoV-2.
Liên tiếp nhiều trường hợp đã được xác định nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn TPHCM (ảnh: Phạm Nguyễn).
GS-TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau khi phát hiện các ca bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khẩn trương giải trình tự gen đối với các ca nhiễm mới để có biện pháp chủ động phòng chống dịch. Kết quả giải mã trình tự gen xác định, chuỗi lây nhiễm từ nữ bệnh nhân từng đến Hải Phòng mang biến chủng Covid-19 Ấn Độ (B.1.617.2) và chuỗi lây nhiễm của gia đình bán quán ăn tại quận 3 mang biến chủng Anh (B.1.1.7 ).
Kết hợp giải mã gen với thông tin dịch tễ có thể khẳng định nam bệnh nhân ngụ tại thành phố Thủ Đức và nữ đồng nghiệp là bệnh nhân ngụ tại quận 7 có cùng một nguồn lây. Nữ bệnh nhân cùng 4 người con và cháu nhiễm biến chủng Anh. Đây là chủng đang lưu hành tại Đà Nẵng và Hà Nam hiện đã lây lan ra các tỉnh miền Trung.
Khu vực bệnh nhân bán quán ăn tại quận 3, TPHCM đang bị phong tỏa vì ổ dịch Covid-19 biến chủng Anh (ảnh: Phạm Nguyễn).
Theo GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, đây là lần đầu tiên TPHCM ghi nhận sự lưu hành đồng thời của cả 2 biến chủng được cho là có tốc độ lây lan nhanh ở các ca bệnh trong cộng đồng. Ngành y tế đang khẩn trương điều tra, truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để cách ly tập trung, xét nghiệm tầm soát, xác định nguồn lây.
BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ về các loại bệnh truyền nhiễm đang công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM đưa ra nhận định chuyên môn: "Các biểu hiện của người mắc một trong 2 biến chủng Anh hoặc Ấn Độ đều có chung tình trạng sốt, ho, khó thở, mất vị giác, không có gì khác so với Covid-19 chưa biến chủng. Phác đồ điều trị cho những bệnh nhân này cũng không thay đổi so với trước đây".
Bất kể người nào cũng có thể trở thành F0 trong cộng đồng (ảnh: Phạm Nguyễn).
Tuy nhiên, BS Hữu Khanh nhấn mạnh: "Cả 2 biến chủng trên đều lây lan rất nhanh và điều này là tất yếu bởi vì virus ban đầu từ động vật lây qua người chúng sẽ rất khó lây và khó nhân lên. Tuy nhiên, khi chúng đã thuần với con người thì mỗi ngày chúng sẽ biến đổi để phù hợp với cơ thể nên tốc độ lây lan của chúng ở mức rất cao".
Phân tích của BS Hữu Khanh chỉ ra: "Thực tế cho thấy, thời gian ủ bệnh của những người nhiễm biến chủng đang ngắn lại. Với chủng cũ người thứ nhất lây cho người thứ hai thường là 3 - 4 ngày, nhưng biến chủng mới chúng có thể lây bệnh ngay ở ngày thứ nhất và ngày thứ hai.
Bên cạnh đó, khả năng phát tán virus nhiều hơn hoặc con virus đã thích nghi với cơ thể người nên sống trong môi trường thuận lợi hơn, chúng có thể bám dính tốt hơn trong đường hô hấp của con người".
Các kết quả phân tích gen đã xác định cùng lúc có 2 biến chủng lây nhiễm nhanh xuất hiện tại TPHCM (ảnh: Phạm Nguyễn).
BS Trương Hữu Khanh khẳng định biến chủng Anh và Ấn Độ chưa có sự giao thoa với nhau. "Cần hiểu đúng bản chất của vấn đề để tránh định nghĩa sai, ở đây các nhà khoa học đã phân tích khả năng virus tồn tại lâu hơn đặc biệt là trong không gian kín, do đó trong môi trường này dù người nhiễm bệnh đã rời đi nhưng người khác tiếp cận vẫn có thể lây bệnh" - BS Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đề cập đến tác dụng của vắc xin Covid-19 đối với 2 loại biến chủng Anh và Ấn Độ, BS Trương Hữu Khanh cho biết: "Các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin Covid-19 đang phát huy hiệu quả rất tốt đối với cả hai biến chủng này. Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin trên những người đã được chích ngừa khi đối mặt với các biến chủng vẫn tương đương như virus SARS-CoV-2 chưa biến chủng".
Vân Sơn