Gần nửa năm sau khi đọc chiếu thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của Triều Nguyễn ra ứng cử và được bầu làm Đại biểu Quốc hội trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946.
Cả làng ra đình vui ngày hội lớn
Trong không khí cả nước đang hân hoan bầu cử Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng nhà sử học, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa - Lê Xuân Kỳ (quê ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là người đã có nhiều năm nghiên cứu về lịch sử xứ Thanh và đặc biệt là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 tại Thanh Hóa.
Ngày cả nước háo hức đi bầu cử, nhà sử học Lê Xuân Kỳ lại bồi hồi, lâng lâng cảm xúc khi nhớ về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.
Năm nay đã 89 tuổi nhưng mỗi khi nhắc đến kỷ niệm về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, ông Kỳ không giấu nổi những cảm xúc bồi hồi, lâng lâng.
Nhớ lại ngày đó, ông Kể: "Khi đó tôi vừa tròn 13 tuổi, đó là một ngày vô cùng đặc biệt, lần đầu tiên người dân từ già đến trẻ vui vẻ và sung sướng đến vậy. Từ sáng sớm, tiếng trống, tiếng chiêng náo nức cả vùng quê. Thanh niên nam nữ nắm tay nhau cùng vui hát. Tôi chưa đủ tuổi bỏ phiếu nên chỉ được xếp hàng đi diễu hành biểu dương lực lượng. Ngày đó chưa có nhiều bài hát được truyền về thôn quê, chúng tôi chỉ hát bài Tiến quân ca".
Theo ông Kỳ, ngày đó quê ông là làng Vực Thượng, tổng Nam Dương, phủ Thọ Xuân (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Trong ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946, hàng trăm người dân ở làng ông háo hức ra đình làng từ rất sớm để tham gia bầu cử. Ông không nhớ rõ chính xác bao nhiêu cử tri tham gia bỏ phiếu, nhưng có một điều ông nhớ mãi đó chính là đa phần cử tri đều không biết chữ.
Chân dung cựu hoàng Bảo Đại - một trong những người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên tại Thanh Hóa (Ảnh Internet).
"Khi đó cái đói của những năm xiềng xích bởi ách thống trị vẫn còn bủa vây, cũng chính vì vậy người dân ăn chưa đủ no thì lấy đâu ra cái chữ. Thậm chí, ngày đi bầu cử, người cầm tạm củ khoai, người miếng sắn ăn lót dạ rồi ra đình để đi bầu cử.
Đa phần cử tri không biết chữ, họ í ới gọi nhau đi bầu cử từ sáng sớm, nhiều cử tri đứng xếp hàng đợi đến lượt, người biết chữ thì viết hộ cho người không biết chữ, không khí háo hức, vui vẻ chưa bao giờ xuất hiện ở làng quê lúc bấy giờ", ông Kỳ kể tiếp.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm đó, điều đặc biệt nhất mà ông Kỳ và người dân làng Vực Thượng nhớ mãi đó chính là sự xuất hiện của cựu hoàng Bảo Đại tại Thanh Hóa. Vị hoàng đế cuối cùng đã được bầu làm Đại biểu Quốc hội tại Thanh Hóa sau ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
"Cựu hoàng" Bảo Đại trúng cử Đại biểu Quốc Hội tại Thanh Hóa
Đó mới chỉ là những ký ức của nhà sử học Lê Xuân Kỳ khi thời còn là cậu bé thiếu niên. Mãi đến sau này, khi đất nước đã hòa bình, ông quyết định đi tìm hiểu những dòng lịch sử quê nhà thời kỳ trước và sau năm 1945.
Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Kỳ đã "giải mã" về sự kiện vua Bảo Đại về Thanh Hóa và trúng cử Đại biểu Quốc Hội khóa đầu tiên.
Suốt nhiều năm qua, nhà sử học Lê Xuân Kỳ đã đi rất nhiều nơi, gặp nhiều nhân vật. Nhưng có một cuộc gặp gỡ khiến ông vẫn còn nhớ mãi đến bây giờ, đó là cuộc gặp gỡ với nhà cách mạng, Đại biểu Quốc hội khóa I - Lê Tất Đắc nhân dịp kỷ niệm 50 năm bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo ông Kỳ, khi đó, cụ Lê Tất Đắc có nhắc đến một vị đại biểu Quốc hội khá đặc biệt, đó chính là đại biểu Nguyễn Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại). Sau đó, ông Kỳ được chính cụ Đắc kể tường tận về vị đại biểu đặc biệt ấy.
Năm 1945, vua Bảo Đại khi xuống chiếu thoái vị với lời tuyên bố: "Thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ".
Sau khi thoái vị, cựu hoàng Bảo Đại trở về với tên khai sinh là Nguyễn Vĩnh Thụy rồi ra Hà Nội nhận lời làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời. Thời điểm đó, Trung ương chủ trương đưa cố vấn Vĩnh Thụy về Thanh Hóa. Tại Thanh Hóa, vị cố vấn được bố trí ở Sầm Sơn, sau đó chuyển lên vùng quê cách mạng Thọ Xuân.
Ngày ấy, Bảo Đại tuy đã thoái vị nhưng vẫn còn có quan hệ với tầng lớp quan lại cũ, thân hào, thân sĩ mà lúc này ta cần tranh thủ để họ không cộng tác với đế quốc và các phần tử phá hoại cách mạng.
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho ông Lê Tất Đắc khi đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh Thanh Hóa truyền đạt để nhân dân hiểu rõ Bảo Đại tuy đã làm vua nhưng nay làm dân, về ứng cử ở quê cũ là hợp lẽ.
Những hiện vật nhắc nhớ về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Thanh Hóa (Ảnh Hương Thảo). Hòm phiếu của khu phố 6 và 7 (thị xã Thanh Hóa) trong lần Tổng tuyển cử đầu tiên (Ảnh Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa).
Sau khi về Thanh Hóa, ông Lê Tất Đắc đến Thọ Xuân gặp cựu hoàng Bảo Đại trên gác hai tòa nhà của tri phủ (cũ) truyền đạt ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn cựu hoàng ra ứng cử Đại biểu Quốc hội. Bảo Đại rất vui nhưng sợ không trúng, còn ông Đắc cũng không thật yên tâm.
Trong cuốn "Những chiến sỹ cách mạng kiên trung tỉnh Thanh Hóa", tập 1, Nhà xuất bản Thanh Hóa, 2010, dẫn lời ông Lê Tất Đắc kể về chuyện này khá chi tiết rằng: "Nhận được Chỉ thị của Trung ương, nhưng chúng tôi lo là Nguyễn Vĩnh Thụy rất khó trúng cử. Vào cuộc vận động bầu cử, tất cả các ứng cử viên đều là người Thanh Hóa và đang công tác ở quê, chỉ có một người gốc gác tổ tiên ở đây là Vĩnh Thụy.
Những người dân quê chân lấm tay bùn bị đế quốc, phong kiến đàn áp bóc lột, gây nên cảnh chết đói tang thương còn hằn sâu trong óc. Thống nhất trong cán bộ đã khó, nói gì với cả mấy chục vạn cử tri".
Trước tình hình đó, những người ứng cử lúc bấy giờ đã lập ra các liên danh. Ông Đắc liên danh với ông Vĩnh Thụy. Chuyện ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh ghi tên trong cùng một liên danh với "ông cố vấn" là một việc hết sức đắn đo và cũng thật mạo hiểm lúc bấy giờ.
Những câu khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ được in ấn để tuyên truyền cho ngày Tổng tuyển cử đầu tiên.
"Lúc ấy, một đồng chí đã làm 4 câu ca dao cho liên danh Lê Tất Đắc - Nguyễn Vĩnh Thụy mà tôi còn nhớ 2 câu: "Bầu cho anh Đắc của ta/ Với anh Vĩnh Thụy đều là bà con". Nhân dân ta nghe lời Bác Hồ dặn, nên Vĩnh Thụy đã trúng cử cùng một số phiếu như của tôi", dẫn lời ông Lê Tất Đắc trong cuốn "Những chiến sỹ cách mạng kiên trung tỉnh Thanh Hóa".
Trong cuộc bầu cử đầu tiên ấy, ông Nguyễn Vĩnh Thụy đã trúng cử Đại biểu Quốc hội cùng một số phiếu như của ông Lê Tất Đắc.
Cuối tháng 2/1946, kết quả được công bố, ông Đắc cùng các đại biểu trúng cử đi tàu đêm ra Hà Nội. Có người có quần áo lịch sự, còn đa số mặc quần áo thường ngày. Họ là những công nhân, nông dân, trí thức đi làm cách mạng. Được bầu vào Quốc hội và ra Hà Nội để bàn việc quốc gia đại sự, Ban tổ chức bố trí cho đại biểu ở nhà dân, ăn cơm của dân. Đây cũng là lần cuối cùng ông Đắc gặp cựu hoàng Bảo Đại.
Theo nhà sử học Lê Xuân Kỳ, Quốc hội ngày ấy tập hợp đủ các tầng lớp xã hội: Cách mạng chuyên nghiệp, vua (cựu hoàng), quan lại, các nhà khoa học kỹ thuật, điền chủ (sau gọi là địa chủ), tư sản…
Thanh Tùng