Vào năm 1976, một chuyên cơ được sắp xếp để đưa toàn bộ ĐBQH miền Nam ra Hà Nội họp Quốc hội khóa V - Quốc hội khóa đầu tiên của một đất nước thống nhất.
"Vào năm 1976 một chuyên cơ được sắp xếp để đưa toàn bộ ĐBQH miền Nam ra Hà Nội họp Quốc hội khóa V - Quốc hội khóa đầu tiên của một đất nước thống nhất. Chúng tôi được sắp xếp ở trong khách sạn 5 sao, trong khi các ĐBQH miền Bắc ở nhà cấp 4. Hết chiến tranh rồi nhưng miền Bắc vẫn ưu tiên cho miền Nam" - Linh mục Huỳnh Công Minh, nguyên ĐBQH khóa V, VI nhớ lại.
Công nhân Công ty Đường sắt 773 (Liên hiệp xí nghiệp cục Công trình 1-Bộ Giao thông Vận tải) đang xây dựng cầu Yên Xuân (Nghệ Tĩnh), tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI tại công trường (ảnh: TTXVN).
Trước ngày 30/4/1975, Linh mục Huỳnh Công Minh không bao giờ nghĩ rằng ông sẽ trở thành một trong những ĐBQH khóa đầu tiên của Việt Nam sau khi đất nước thống nhất.
Ông kể: "Từ sau Tết Mậu Thân 1968, Tổng Giám mục Phao-Lô Nguyễn Văn Bình đã dự đoán: "Với đà phát triển cuộc chiến như thế này, chiến thắng sớm muộn sẽ thuộc về phía quân giải phóng". Khi đó, những linh mục Công giáo như ông rất băn khoăn: nếu quân giải phóng thắng, thì liệu có cho phép tự do tôn giáo, đặc biệt là với những người Công giáo hay không?
Chúng tôi được tuyên truyền là những người cộng sản thích người lao động, nên mỗi linh mục đều đi học một nghề: người đi học sửa xe, người đi học cắt tóc, để nếu cần thiết thì một nửa ngày chúng tôi đi lao động, một nửa ngày phụng sự Chúa, chăm lo cho giáo dân.
Nhưng sau khi hòa bình mới thấy mình lo hơi nhiều. Không ai bắt chúng tôi đi lao động cả. Cũng không có cuộc tắm máu nào. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, trong danh sách những người được đề cử ứng cử ĐBQH có cả nông dân, người hót rác, công nhân lao động.
Tôi được giới thiệu ứng cử ĐBQH, là tiếng nói đại diện cho giáo dân. Trước đó, tôi gặp ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) và được chính ông Sáu Dân động viên tham gia ứng cử ĐBQH.
Đức cha Phao-Lô Nguyễn Văn Bình còn trực tiếp dặn dò tôi rằng, nếu được giới thiệu ứng cử ĐBQH thì đừng từ chối, bởi vì trở thành ĐBQH, tôi sẽ giúp được nhiều người, không chỉ giáo dân.
Với người dân lao động ở Sài Gòn hồi đó, linh mục Huỳnh Công Minh là người rất có uy tín và ảnh hưởng. Thời còn học ở Đại chủng viện ở Paris, Tòa thánh Vatican cho phép một số linh mục đi làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp như những người công nhân để có thể hiểu và thâm nhập vào cuộc sống của người lao động, linh mục Huỳnh Công Minh là một trong số những người được lựa chọn.
Về Việt Nam, ông vừa làm Phó Giám đốc Đại chủng viện, vừa làm phụ tá cho nhà thờ giáo xứ Tân Định. Nhưng ông vẫn chuyển đến sống cùng với những người dân lao động nghèo khổ nhất Sài Gòn ở một xóm lao động ven sông.
"Chuyển đến sống ở đó có những giáo dân có tinh thần giống tôi, xây dựng một ký nhi viện để người lao động nghèo gửi con khi đi làm. Trong nhóm giáo dân chuyển đến đó cùng tôi có những người là Cộng sản nằm vùng. Nếu sống cùng tôi thì họ sẽ ít bị chính quyền để ý. Tôi biết việc đó, nhưng không nói gì".
Sau ngày thống nhất, linh mục Huỳnh Công Minh thường thay mặt Tổng giáo phận Sài Gòn mỗi khi có việc cần liên lạc với chính quyền mới. Những giáo dân gặp mâu thuẫn với cán bộ chính quyền, ông cũng là người đứng ra giúp đỡ họ tìm cách tháo gỡ.
Ông kể: "Mỗi lần như thế, tôi đều đi gặp ông Sáu Dân. Mà không lần nào ông ấy không tiếp. Có lẽ vì thế mà tôi được đề cử tham gia ứng cử".
Vì là ứng viên ĐBQH, linh mục Huỳnh Công Minh có nhiều cơ hội đi tiếp xúc với cử tri: "Hồi đó chưa có danh sách giới thiệu từng ứng cử viên như bây giờ cho cử tri. Ở khu vực bầu cử của mình, tôi được chính ông Sáu Dân giới thiệu với đại diện cử tri.
Tôi vẫn nhớ, trong bài phát biểu tự giới thiệu về bản thân của mình, tôi nói: "Trong số các ứng cử viên ở đây, nếu xét những người có công lao với cách mạng và sự nghiệp giải phóng đất nước, tôi chắc chắn người nào cũng có công lao nhiều hơn tôi. Nhưng tôi vẫn hy vọng sẽ là đại diện cho tiếng nói của những người Công giáo. Nếu được lựa chọn trở thành ĐBQH, tôi sẽ có trách nhiệm đưa tâm tư, nguyện vọng của người công giáo lên diễn đàn Quốc hội".
Cuộc Tổng tuyển cử năm 1976 ở Sài Gòn diễn ra trong bầu không khí phức tạp, khi mà không ít người dân vẫn còn nghi kị với chính quyền mới, trong đó có bộ phận không nhỏ các giáo dân. Có những người kích động giáo dân chống đối bầu cử bằng cách cố tình bỏ phiếu không hợp lệ. Nhưng Đức Tổng Giám mục Phao-Lô Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi giáo dân của Tổng Giáo phận Sài Gòn nhất định phải tham gia bầu cử để thực hiện quyền và lợi ích của mình.
Tháng 4 năm 1976, sau Hiệp thương tổng tuyển cử, linh mục Huỳnh Công Minh trở thành ĐBQH khóa đầu tiên của một Việt Nam thống nhất. Lần đầu tiên ra Hà Nội với tư cách ĐBQH, ông cùng với các ĐBQH khắp miền Nam được sắp xếp một chuyên cơ ra thủ đô.
Ông kể: "Ở Hà Nội, chúng tôi được sắp xếp ở khách sạn 5 sao Thắng Lợi, trong khi các đại biểu miền Bắc ở nhà tập thể. Thống nhất rồi, hết chiến tranh rồi, nhưng miền Bắc vẫn luôn ưu ái cho miền Nam! Khi đoàn đại biểu miền Nam ra miền Bắc, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước như TBT Lê Duẩn, ông Trường Chinh đều tới thăm đoàn. TBT Lê Duẩn khi gặp chúng tôi đã nói rất nhiều về chiến tranh miền Nam và những mất mát mà miền Nam đã trải qua".
Linh mục Huỳnh Công Minh làm ĐBQH trong hai khóa V và VI. Có lần ra nước ngoài, khi được hỏi về Quốc hội Việt Nam, ông nói: "Ở Quốc hội Việt Nam đúng là có đủ thành phần đại biểu. Có đại biểu là nông dân, có đại biểu là công nhân, người lao động, cũng có những đại biểu đại diện cho Phật Giáo và Công giáo ở Việt Nam như tôi".
Ở tuổi 80, không còn làm ĐBQH nữa, nhưng ông vẫn theo dõi các kỳ bầu cử và thực hiện nhiệm vụ cử tri của mình.
Ông nói: "Quốc hội thời chúng tôi có điểm yếu là chưa tranh luận quyết liệt như bây giờ. Giờ thấy các ĐBQH không ngại chất vấn Bộ trưởng, tôi mừng lắm. Càng nhiều tranh luận trên diễn đàn Quốc hội, đất nước sẽ càng phát triển hơn".
Bài viết: Minh Nhật
Ảnh: Phạm Nguyễn
Thiết kế: Nguyễn Hồng - MS