Ở tuổi 100, cụ Ông không đi lại được, chỉ nằm một chỗ. Cụ vô cùng xúc động khi được cán bộ mang hòm phiếu đến tận nhà để cụ có thể tự tay bỏ vào hòm lá phiếu thể hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
5 năm trước, cụ Vi Thị Ông (100 tuổi, người dân tộc Thái, bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) vẫn còn đi được đến nơi bầu cử đề thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri. Năm nay, do tuổi cao, sức yếu, cụ không thể tự mình đi bỏ phiếu được.
Cán bộ mang hòm phiếu đến tận nhà cử tri tuổi cao, sức yếu.
Thấy cán bộ mang hòm phiếu đến tận nhà, cụ Ông vô cùng bất ngờ. Cụ ngập ngừng, không khỏi xúc động đến rơi nước mắt: "Không được ra bầu cử cùng với bà con như những năm trước, tôi buồn lắm. Hôm nay, được cán bộ tận tình mang hòm phiếu đến đây, tôi thật sự rất xúc động. Tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước đã quan tâm để cử tri cao tuổi như tôi được hoàn thành nhiệm vụ".
Cụ Ông xúc động khi thấy cán bộ mang hòm phiếu đến nhà.
"Ngần này tuổi rồi, được cầm trên tay lá phiếu bầu cử, tôi thấy phấn khởi lắm. Tôi mong muốn những người mà dân chúng tôi tin tưởng, chọn lựa sẽ giúp đồng bào tôi xóa được đói, giảm được nghèo, đời sống bà con nâng lên", cụ Ông bộc bạch.
Cụ Phước không đi lại được nhưng rất vui vì cán bộ mang tận hòm bỏ phiếu đến nhà.
Còn với cụ Lang Văn Phước (bản Vịn), năm nay đã gần 100 tuổi, cũng vì sức khỏe yếu mà phải nằm trên giường bệnh, không đi lại được.
Nhà cụ Phước cách địa điểm bầu cử khá xa. Nhiều năm trước, theo cụ Phước, ngày bầu cử, cụ hồ hởi đi bỏ phiếu từ 5h sáng, nhưng năm nay không thể đi lại được nữa.
Cán bộ đã mang hòm phiếu đến tận nhà và con trai của cụ Phước là anh Lang Thanh Luận đọc to dõng dạc các ứng cử viên để cụ Phước bầu chọn, bỏ phiếu.
Con trai cụ Phước đọc to những ứng viên cho cụ Phước nghe.
Cụ Phước xúc động: "Tôi không nhớ bao nhiêu lần được đi bỏ phiếu, chỉ nhớ là lần nào cũng rất phấn khởi. Năm nay không còn đi lại được, buồn lắm, nhưng được cán bộ mang tiểu sử các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân đến cho tìm hiểu từ nhiều ngày trước. Mắt tôi không còn nhìn rõ nhưng có cán bộ và con trai đọc cho nghe. Bây giờ, dù ở nhà nhưng vẫn được cầm lá phiếu trong tay thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình tôi cảm động lắm".
Cụ Phước tự hào cầm lá phiếu trên tay bỏ vào hòm.
"Bầu cho ai thì tôi cũng đã nghĩ trong đầu rồi. Bà con chúng tôi mong những người được bầu hãy giúp chúng tôi có nước sạch dùng; nâng cao mức hỗ trợ trồng và bảo vệ rừng...", cụ Phước chia sẻ.
Anh Lang Thanh Luận, con trai cụ Phước gửi lời cảm ơn đến cán bộ, chính quyền đã cho bố anh có được niềm vui của ngày hội toàn dân khi ở cái tuổi xưa nay hiếm.
Tại bản Vịn, ngoài cụ Ông, cụ Phước, cán bộ còn mang hòm phiếu đến nhiều gia đình khác như cụ Lang Thị Nghiến, cụ Lang Văn Hạnh, cụ Lang Thị Nghiên... Đây là các cụ đã ngoài 80 tuổi và bị liệt không thể đi lại được.
Do là bản vùng sâu, vùng xa nên nơi ở của gia đình các cụ ở rất xa vị trí bầu cử và đều phải đi bộ trên những cung đường rừng. Thậm chí, có gia đình nằm trên đỉnh đồi, cách xa trung tâm bản 3 km, cán bộ phải mất hơn 1 giờ đồng hồ đi bộ tới nơi.
Cụ Ông cho biết dù buồn vì không được hòa vào không khí ngày hội toàn dân nhưng ở nhà vẫn được cầm lá phiếu trên tay khiến cụ rất xúc động.
Ông Lang Hồng Tuyên - Bí thư kiêm trưởng bản, Tổ trưởng tổ bầu cử bản Vịn cho biết: "Việc đưa hòm phiếu đến tận nhà cho cử tri cao tuổi, tàn tật thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, chúng tôi đã làm nhiều năm nay.
Năm nay, chúng tôi lên phương án mang hòm phiếu phụ đến các cụ tuổi cao, sức yếu, không đến được điểm bầu cử. Trước đó, để các cụ hiểu về những cử tri mà mình muốn bầu chọn, chúng tôi đã cho cán bộ mang tiểu sử của từng đại biểu đến để các cụ nắm thông tin. Các cụ rất phấn khởi khi ở nhà nhưng vẫn được cầm lá phiếu trong tay thực hiện nghĩa vụ cử tri của mình".
Bình Minh