Vụ đình chỉ 7 cục trưởng: "Chuyển Bộ Công an vì nghi thông đồng, trục lợi"

Ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính lý giải việc chuyển vụ 7 cục trưởng Cục dự trữ bị đình chỉ do gửi gạo trái phép sang Bộ Công an vì nghi thông đồng, mắc ngoặc.

Trước thông tin về việc các Cục, Chi cục Dự trữ Nhà nước đều nắm rất chắc các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng kho bãi, nhưng các sai phạm vẫn diễn ra, phóng viên Dân trí đã đặt câu hỏi tới Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến.

Thanh tra Bộ Tài chính chuyển vụ 7 cục trưởng Cục dự trữ bị đình chỉ do gửi gạo trái phép sang Bộ Công an vì nghi thông đồng, mắc ngoặc

Phó Chánh Thanh tra, Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến cho rằng: Tại Điều 61, Luật Dự trữ quốc gia năm 2012, Thông tư số 56 của Bộ Công an đều quy định rất rõ: Kho dự trữ thuộc danh mục bí mật Nhà nước; Công văn 600/2018 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, cơ quan này cũng nghiêm cấm cho gửi hàng hóa vào kho dự trữ, kể cả kho dự trữ chuẩn bị thanh lý không được gửi vào.

"Khi làm việc, các cục báo cáo lại với đoàn thanh tra là số gạo gửi là của các doanh nghiệp trúng thầu bán gạo cho cơ quan dự trữ. Tuy nhiên, có doanh nghiệp gửi gạo ở đó, nhưng sau đó không đến ký hợp đồng bán gạo. Các Cục Dự trữ cho để vào kho, rồi sau đó họ không chuyển ra kịp...", ông Tuyến thống tin.

Theo Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính, để làm rõ vấn đề, Bộ Tài chính đề xuất chuyển giao cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

"Việc này để làm rõ có hay không việc thông đồng, mắc ngoặc giữa các đơn vị Dự trữ Nhà nước với doanh nghiệp để trục lợi", ông Tuyến lý giải.

Theo đại diện cơ quan thanh tra Bộ Tài chính, trước đây, Bộ Tài chính kiểm tra rất nhiều, kiểm tra trong kế hoạch cũng có, kiểm tra theo diện giải quyết đơn thư khiếu nại cũng có nhưng không phát hiện ra trường hợp như này.

"Đây là trường hợp mới phát sinh đợt vừa rồi, vấn đề giá gạo tăng đột biến, sinh ra như thế", ông Tuyến nói.

Ông này cho biết thêm, thời gian sắp tới, thanh tra Bộ Tài chính sẽ đề xuất Bộ cho thanh tra mở rộng các cục, chi cục dự trữ và các khu dự trữ về việc chấp hành pháp luật.

Cũng trả lời báo Dân Trí, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: Cơ bản 7 Cục Dự trữ cho gửi gạo trái quy định, việc điều tra, kết luận hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ công an và thanh tra Bộ Tài chính. Cơ quan dự trữ sẽ chấp hành các quy định của pháp luật.

Trước đó, trả lời Báo Tiền Phong về việc bị yêu cầu báo cáo kiểm điểm trách nhiệm khi để cho hàng loạt Cục dự trữ sai phạm về gửi gạo, ông Đỗ Việt Đức cho biết: "Bộ Tài chính yêu cầu thì chúng tôi sẽ báo cáo. Lỗi ở đâu chúng tôi nhận đến đó. Còn chủ yếu cấp Cục phải chịu trách nhiệm bởi họ là chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu gạo...".

Ngày 7/5, như Dân Trí đưa tin, 7 Cục Dự trữ Nhà nước là Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hóa đã làm trái quy định khi cho chuyển gạo vào kho.

Bộ Tài chính sau đó đã tạm đình chỉ chức vụ 7 Cục trưởng, Chi cục trưởng Dự trữ Nhà nước khu vực để điều tra làm rõ. Cơ quan thanh tra Bộ Tài chính cũng được lệnh chuyển vụ việc này sang cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an để điều tra, làm rõ sai phạm.

Nguyễn Tuyền

Mới hơn Cũ hơn