Brazil ghi nhận mức tăng kỷ lục về số ca Covid-19 mới và số người tử vong trong 24 giờ qua. Giới chức nước này đang bắt đầu cân nhắc tới việc phong tỏa cứng rắn một số “điểm nóng” của dịch.
Mộ tập thể chôn nạn nhân Covid-19 ở Manaus, Brazil (Ảnh: Reuters)
Ngày 6/5, Bộ Y tế Brazil thông báo họ có thêm 10.503 ca bệnh Covid-19 trong một ngày, mức tăng vọt so với kỷ lục trước đó là 7.288 ca vào hôm 30/4. Brazil cũng có thêm 615 người thiệt mạng vì dịch, tăng so với mức kỷ lục 600 ghi nhận ngày 5/5.
Tổng cộng, Brazil cho tới nay ghi nhận 125.218 ca bệnh và 8.536 người tử vong tính tới thời điểm này. Tuy nhiên, có khoảng 100.000 xét nghiệm Covid-19 đã hoàn thành nhưng hiện vẫn chưa được đưa vào con số thống kê chính thức, theo quan chức y tế Wanderson Oliveira. Điều này đồng nghĩa với việc số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong những ngày tới dự kiến sẽ có thể tăng mạnh.
Bộ trưởng Y tế Nelson Teich cho biết trước tình hình cả ca nhiễm mới và ca tử vong đều tăng kỷ lục, ngày càng nhiều địa phương có thể sẽ phải tiến hành phong tỏa và ở một số khu vực “điểm nóng” có thể sẽ phải siết chặt hơn nữa các lệnh hạn chế để ngăn tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn.
Trong khi một số chính quyền đã ra lệnh đóng cửa các công việc làm ăn và dịch vụ không cần thiết ở hầu hết các bang, thì người dân vẫn được phép di chuyển. Lệnh phong tỏa hiện thời mới chỉ được áp dụng tại thành phố Sao Luis nhằm cấm người dân rời khỏi nhà trừ khi thực hiện các hoạt động cần thiết.
Tuy nhiên, ông Teich cho biết một số khu vực chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch có thể cân nhắc dần mở cửa trở lại.
Theo Guardian, diễn biến dịch bệnh dường như không khớp với dự đoán trước đó của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.
Tổng thống Bolsonaro ngày 5/5 từng nhận định Brazil có thể đang vượt qua đỉnh Covid-19 khi số lượng ca tử vong giảm trong nhiều ngày. "Đó là một dấu hiệu cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua và tôi cầu Chúa cho điều này là đúng", ông nói.
Trong thời gian qua, Tổng thống Bolsonaro đã bị chỉ trích vì cho rằng Covid-19 là bệnh nhẹ và cảnh báo khủng hoảng về kinh tế do các biện pháp hạn chế và phong tỏa còn nghiêm trọng hơn là mối đe dọa của dịch bệnh.
Ông Bolsonaro cũng kêu gọi người dân không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội do các thống đốc bang đưa ra và quay trở lại làm việc để ngăn nền kinh tế bị ảnh hưởng. Thậm chí, ông còn xuống đường tham gia biểu tình phản đối lệnh hạn chế đi lại.
Cuối tháng trước, ông Bolsonaro từng bị chỉ trích vì khi được hỏi về thông tin 5.000 người đã chết vì dịch Covid-19, ông đáp: “Vậy thì sao nào? Tôi rất tiếc. Nhưng quý vị muốn tôi làm gì bây giờ?”.
Đức Hoàng
Theo Channel News Asia