Nắng nóng kéo dài dẫn đến tình trạng khoan giếng trái phép trên đảo Lý Sơn tái diễn. Số giếng nước ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ nguồn nước ngọt cạn kiệt do bị khai thác quá mức.
Nhiều năm qua, tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa nắng tại Lý Sơn ngày càng nghiêm trọng. Trữ lượng nước ngầm giảm mạnh, túi nước ngọt bị xâm nhập mặn mà nguyên nhân là do việc đào, khoan giếng vượt kiểm soát.
Dù huyện Lý Sơn đã tăng cường quản lý, thế nhưng tình trạng khoan giếng trái phép lấy nước tưới cho hành, tỏi vẫn tiếp diễn. Người dân địa phương lén lút khoan giếng cả vào ban đêm để tránh bị phát hiện.
Theo thống kê, trong tháng 3 và tháng 4/2020, các cơ quan chức năng phát hiện 16 giếng khoan trái phép. Phần lớn các giếng đã hoàn thành và có thể khai thác nước ngọt. Những giếng khoan này đều bị xử phạt, buộc lấp giếng theo quy định.
Tình trạng khoan, đào giếng "khủng" trái phép khiến nguồn nước ngầm trên đảo Lý Sơn cạn kiệt
Tình trạng đua nhau khoan, đào giếng khai thác nước ngọt dẫn đến số lượng giếng nước ở Lý Sơn tăng nhanh. Nếu năm 2014, toàn đảo có 546 giếng thì đến nay đã tăng lên 2.100 giếng.
Để khai thác nước ngọt vào mùa nắng, người dân đua nhau khoan giếng ngày càng sâu, và đào giếng "khủng". Nhiều giếng nước được đào trong thời gian 1 đến 2 tháng với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng. Giếng đào “khủng” nhất tại huyện Lý Sơn hiện nay có đường kính lên đến 5,5 m nhưng lượng nước ngọt chỉ đủ tưới cho vài sào hành, tỏi.
Số lượng giếng tăng nhanh khiến trữ lượng nước ngầm bị khai thác vượt mức cho phép. Lượng nước được phép sử dụng theo khuyến cáo chỉ ở mức 16.000 m3/ngày nhưng hiện nay lượng nước khai thác thực tế hơn 23.000 m3/ngày.
Quốc Triều