Rivaldo mang đầy đủ chất quái, dị nhân... của cầu thủ Brazil. Từng có thời, cả thế giới từng nghiêng ngả vì vẻ đẹp của đôi chân vòng kiềng của cầu thủ này.
Tài năng xuất chúng của Rivaldo
Phút 73 trong trận đấu với Man Utd ở Champions League 1999, Rivaldo nhận được đường chuyền của Sergi bên cánh trái. Cầu thủ này đã hãm một nhịp bằng ngực, trước khi ngả người móc bóng. Thủ môn huyền thoại của Man Utd, Peter Schmeichel chỉ còn biết đứng im nhìn bóng bay vào lưới.
Cũng theo kiểu như vậy nhưng đẹp hơn rất nhiều là ở trận gặp Valencia mùa giải 2000/01, Rivaldo nhận bóng từ tuyến dưới. Một nhịp hãm ngực vừa đủ, gã dị nhân này tung ra cú móc bóng từ sát vòng cấm.
Những pha lập công ấy là sản phẩm mang thương hiệu của Rivaldo. Có lẽ, để bắt chước được nó, người ta cần phải sở hữu một kỹ thuật thượng thừa và một ý tưởng đầy táo bạo. Thực tế chứng minh, chẳng ai ngoài Rivaldo có thể thực hiện tốt kỹ năng ấy.
Rivaldo từng trải qua kỳ Olympic 1996 đáng quên
Từng có thời, đôi chân vòng kiềng của Rivaldo từng khiến cả làng túc cầu điên đảo...
Trên những đường phố ở khu ổ chuột tại Recife, người ta vẫn còn nhớ như in hình ảnh cậu bé mảnh khảnh, với thân hình đen đúa, sở hữu một gương mặt “lưỡi cày” đầy góc cạnh. Nhìn chung, Rivaldo chẳng được điểm gì nhưng ít nhất, Chúa đã không cướp đi của anh tất cả. Thay vào đó, anh đã được ban một món quà vô giá, đó chính là đôi chân vòng kiềng của mình.
Đó là đôi chân khó đoán định. Nó đã khiến đã Rivaldo quên đi những ngày tháng đói ăn ở tuổi thơ (từng bị rụng hết răng khi chưa tới 20 tuổi), để theo đuổi giấc mơ lớn nhất cuộc đời, đó là sải bước trên thảm cỏ xanh.
Trong lịch sử bóng đá Brazil, có hai đôi chân vòng kiềng khiến người ta nhớ mãi. Người đầu tiên là Garrincha (người từng được ví xuất sắc hơn cả Pele) và người thứ 2 chính là Rivaldo.
Cái chết của người cha, trong điều kiện nghèo khó, từng khiến cậu bé Rivaldo gục ngã và tính rời xa trái bóng tròn. Nhưng mẹ chính là người vực dậy tinh thần của cậu bé. Kể từ đó, khát khao làm giàu bằng mọi giá luôn tồn tại trong tâm trí của cậu bé cao mảnh khảnh ấy. Tới mức, nó đã giúp anh chiến thắng tất cả, kể cả cái đói, để trở thành ngôi sao số 1 thế giới sau này.
Nói về Rivaldo, Chủ tịch CLB địa phương, Raimundo Moura từng chia sẻ: “Cậu ta gầy gò, cao lênh khênh và không có răng. Chúng tôi đã sở một viên kim cương thô. Nếu biết Rivaldo sẽ trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, tôi đã chẳng bán cậu ta”.
Sang Deportivo là bước ngoặt giúp Rivaldo vươn tới đỉnh cao
Nhưng sự nghiệp của Rivaldo đâu có lấy gì suôn sẻ. Ở World Cup 1994, anh được triệu tập lên danh sách sơ bộ của HLV Carlos Alberto Parreira, cùng với đồng đội còn rất trẻ khi ấy là Ronaldo “béo”. Nhưng chỉ có điều, Carlos Alberto Parreira là HLV thực dụng và rất ghét tính quái dị của Rivaldo.
Trong mắt của ông, những “đấu sĩ” như Dunga luôn đáng tin hơn là kẻ ưa vẽ vời như Rivaldo. Carlos Alberto Parreira từng nói thẳng lý do loại Rivaldo là bởi “tính ích kỷ và ghét cái thái độ”. Nếu được ở lại, có lẽ, Rivaldo đã nổi sớm hơn và giành được World Cup đầu tiên trong sự nghiệp.
“Tôi giữ ký ức vô cùng cay đắng về thời kỳ này nhưng nó lại giúp tôi có động lực lớn để chứng minh rằng những lời chỉ trích ấy là không công bằng” - Rivaldo nhớ lại.
Hai năm sau, Carlos Alberto Parreira đã rời khỏi cương vị huấn luyện ở Brazil. “Cáo già” Mario Zagallo lên thay thế. Khác với người tiền nhiệm, Zagallo có cái nhìn thiện cảm hơn về Rivaldo. Ông trao tấm vé dự Olympic 1996 cho Rivaldo (cùng Ronaldo, Roberto Carlos...).
Brazil mang tới Olympic 1996 thế hệ vàng vô cùng xuất sắc, với khát vọng giành tấm huy chương vàng đầu tiên. Nhưng chỉ có điều, những gì mà người Brazil nhận được trong năm ấy chỉ là tấm huy chương đồng, sau khi thua Nigeria ở bán kết. Rivaldo thi đấu giải chán chưa từng thấy và được xem như tội đồ của Brazil. Trên đường phố, người ta đã bêu tên Rivaldo như kẻ đáng khinh bỉ. Một khoảnh khắc mà sau này cựu danh thủ người Brazil vẫn còn rùng mình mỗi khi nhớ lại.
Cũng trong mùa Hè 1996, Rivaldo từng trước bước ngoặt trong sự nghiệp. Trước Olympic, anh đã đạt thỏa thuận gia nhập Parma của HLV Ancelotti. Nhưng sau giải đấu tệ hại, cộng thêm yêu cầu cao về lương, Rivaldo đã bị Parma hủy giao kèo. Định mệnh ấy đã đưa tiền đạo này sang Deportivo, để thay thế đồng hương Bebeto.
Thực tế, Rivaldo cũng chỉ “món hàng lót” ở Deportivo. Sau sự ra đi của Bebeto, Chủ tịch của Deportivo là Augusto Cesar Lendoiro đã theo đuổi 3 cầu thủ Nam Mỹ thay thế là Amaral, Savio và đáng chú ý nhất là Giovanni.
Ở Barcelona, Rivaldo đã có tất cả
Nhưng khi mà ông chỉ nhận được ba cái lắc đầu, Rivaldo đã được chọn để thay thế. Bản hợp đồng trị giá 10,5 triệu bảng ra mắt Deportivo với sự chứng kiến của 6.000 người. Trong buổi ra mắt, Chủ tịch Augusto Cesar Lendoiro đã chữa cháy cho việc mua hụt Giovanni bằng tuyên bố chắc nịch: “Đây là bản hợp đồng tốt hơn Giovanni”. Và chẳng ai ngờ, lời tuyên bố ấy lại... quá chính xác.
Ở Deportivo, Rivaldo đã có tất cả. Mức lương 1 triệu USD/năm thực sự là mơ ước ở thời điểm ấy. Và quan trọng, đó là bước đệm để anh tới nơi xa hoa hơn rất nhiều, đó là Barcelona.
Rivaldo, người từng bị HLV Carlos Alberto Parreira chỉ trích là kẻ không đáng tin, đã lấy lòng những CĐV Deportivo bằng tuyên bố: “Khi tới Tây Ban Nha, mọi người đều nghĩ rằng tôi sẽ bay về Brazil ở kỳ nghỉ lễ, tham gia những buổi tiệc tùng thâu đêm một cách vô kỷ luật. Nhưng điều đó đúng với ai đó chứ không phải tôi. Tôi tới đây để cho mọi người biết Rivaldo là ai?”.
Theo mô tả của báo giới Tây Ban Nha, sân Riazor đã biến thành sân khấu riêng để Rivaldo trình diễn. Dù thi đấu ở vị trí tiền vệ công, nhưng Rivaldo đã ghi tới 21 bàn thắng sau 41 trận. Anh góp công lớn giúp Deportivo giành vị trí thứ 3 ở La Liga, chỉ sau Real Madrid và Barcelona.
Và cũng chỉ 1 năm ở Deportivo, Rivaldo đã khăn gói sang “thiên đường” Nou Camp, để thay thế người đồng hướng Ronaldo (chuyển sang Inter). HLV Bobby Robson chính là người thuyết phục Ban lãnh đạo Barcelona vung tiền mua Rivaldo và từ chối mua Steve McManaman để Rivaldo có nhiều đất diễn hơn. Và niềm tin của vị tướng già ấy đã không đặt sai chỗ.
Trong những năm cuối thập niên 1990, đôi chân vòng kiềng đã trở thành niềm cảm hứng ở Nou Camp. Dường như, định mệnh sinh ra Rivaldo là để tỏa sáng ở Nou Camp. Đôi chân vòng kiềng ấy đã phát huy tác dụng một cách không ngờ.
Đó là đôi chân của những ngày tháng đói ăn nhưng trong hoàn cảnh mà Rivaldo đã có tất cả thì nó lại có tác dụng. Chính đôi chân ấy khiến cho quỹ đạo của trái bóng đi theo cách không ai ngờ tới. Nó lại càng làm tăng thêm sự ma thuật của nhạc trưởng người Brazil.
Ở mùa giải đầu tiên tại Barcelona, Rivaldo đã ghi được 19 bàn thắng ở La Liga. Tới mùa giải thứ 2, người ta đã thấy “gã dị nhân” này bùng nổ chưa từng có với 29 bàn thắng trên mọi đấu trường. Cũng trong năm 1999, Rivaldo đã ẵm trọn danh hiệu cao quý của bóng đá thế giới là Quả bóng vàng và Cầu thủ xuất sắc nhất FIFA.
Rivaldo nhận danh hiệu Quả bóng vàng 1999
Tới năm 2002, Rivaldo đã hoàn thành tâm nguyện “trả thù” năm xưa. Sau khi bỏ lỡ tấm huy chương vàng World Cup 1994, Rivaldo đã có cơ hội giương cao chức vô địch World Cup 2022. Khác với lần trước, Rivaldo không còn là cầu thủ trẻ, mà là ngôi sao tầm cỡ của bóng đá thế giới. Mùa Hè năm ấy, dưới sự dẫn dắt của HLV Scolari, Rivaldo đã chơi tuyệt hay. Anh đã đóng góp 5 bàn thắng cho đội tuyển Brazil và đặt dấu ấn lớn trong trận chung kết với Đức.
Nhưng trớ trêu thay, ở thời điểm mà Rivaldo có tất cả thì anh lại đối diện với bước ngoặt khác. Mâu thuẫn với HLV Van Gaal đã đẩy Rivaldo rời khỏi Barcelona vào mùa Hè năm 2002, để chuyển tới AC Milan. Nhiều người cho rằng, tính cách “ích kỷ” và “không chịu thua ai” của Rivaldo đã khiến anh không thể sống chung với Van Gaal.
Và thật đáng buồn, bước ngoặt ấy đã đánh dấu hành trình xuống dốc của “dị nhân vòng kiềng”. Tới AC Milan, Rivaldo đã có được chức vô địch Champions League, điều mà anh chưa từng giành được ở Barcelona. Nhưng có lẽ, những ký ức đẹp đẽ nhất của Rivaldo đã gắn liền với Barcelona. Tại AC Milan, anh không thể hiện được những gì tinh túy nhất và dần bị thay thế bởi người đồng hương trẻ tuổi và tài năng, đó là Kaka.
Những pha móc bóng điệu nghệ của Rivaldo
Chỉ sau 2 mùa giải ở San Siro, Rivaldo đã bật bãi sang Olympiacos, rồi nhiều CLB không tên tuổi khác như AEK Athens, Bunyodkor, Kabuscorp, São Caetano, Mogi Mirim... và mất hút dần khỏi thế giới bóng đá.
Khó ai có thể lý giải được vì sao Rivaldo sa sút nhanh tới vậy, bởi khi tới AC Milan, tiền đạo này mới bước sang tuổi 30. Nhiều quan điểm cho rằng lối chơi ích kỷ khiến anh khó tồn tại được ở nhiều môi trường khác nhau. Những người khác lại cho rằng Rivaldo đã... hết hơi.
Nhưng dù sao, những ký ức đẹp về dị nhân bóng đá luôn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Sau này, thế giới bóng đá có thể sản sinh ra nhiều nhân tài nhưng có phẩm chất kỳ dị và đặc biệt như Rivaldo thì không có mấy người.
H.Long