Ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh.
Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông và Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ lớn tuổi sinh con khó là do vấn đề ở buồng trứng. Trong khi đó, với tuổi vị thành niên, công cuộc làm mẹ gặp trở ngại bởi khung xương chậu chưa giãn nở tối đa.
Qua nhiều nghiên cứu, các hiệp hội sản phụ khoa trên thế giới đã khẳng định độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35 tuổi. Khả năng sinh sản của phụ nữ thay đổi theo độ tuổi.
Ở độ tuổi 20-24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần, ở mốc 35 tuổi trở đi bắt đầu giảm mạnh. Đến khi bước sang tuổi 45, rất ít phụ nữ có thể thụ thai một cách tự nhiên.
Lý do vì, một bé gái sinh ra có khoảng 2 triệu nang noãn (trứng chưa trưởng thành) trong cơ thể. Số lượng nang noãn này “rơi rụng” theo quá trình bé gái lớn lên và sụt giảm nhanh chóng kể từ lúc dậy thì. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt, hàng trăm nang noãn được “huy động” để chuẩn bị cho sự rụng trứng, nhưng chỉ có một hay vài trứng chín và rụng. Số còn lại bước vào quá trình tự tiêu hủy dưới sự tác động của hormone sinh dục nữ. Như vậy, theo thời gian, số lượng nang noãn giảm dần và sẽ hết khi mãn kinh.
Những vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như lạc nội mạc tử cung và u xơ tử cung cũng thường gặp hơn ở phụ nữ lớn tuổi hơn.
Theo BS Phương, bên cạnh khả năng thụ thai, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp…; nguy cơ sảy thai.
Phụ nữ lớn tuổi thường có sẵn nhiều vấn đề bệnh lý hơn so với phụ nữ trẻ, chẳng hạn như huyết áp cao dễ dẫn tới nguy cơ tiền sản giật. Nếu bạn lớn hơn 35 tuổi, bạn cũng dễ bị tăng huyết áp hoặc các rối loạn khác trong khi mang thai. Nguy cơ mắc tiểu đường hay tiểu đường thai kỳ cũng gia tăng theo tuổi. Biến chứng của tiểu đường thai kỳ đe dọa trực tiếp đến tính mạng người mẹ và sức khỏe của bé.
Với những phụ nữ kết hôn muộn thường có bệnh huyết áp cao hoặc hội chứng cao huyết áp sẽ đưa đến những nguy cơ bao gồm các vấn đề về nhau thai và sự phát triển của bào thai.
Sinh con muộn, nguy cơ cao trẻ bị dị tật bẩm sinh
Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Mẹ càng lớn tuổi thì khả năng các nhiễm sắc thể ở trứng dính vào nhau càng cao, dẫn đến các bệnh liên quan đến rối loạn nhiễm sắc thể cho thai nhi như hội chứng Down, Edwards…
Theo một nghiên cứu, mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1250, 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.
Theo BS Phương, xét về khả năng thụ thai thì 20-24 là độ tuổi tốt nhất, nhưng ở khía cạnh chăm sóc con cái sau sinh thì phụ nữ 25-34 tuổi thuận lợi hơn do khả năng ổn định hơn về tâm lý, tài chính… Nhìn chung, ở độ tuổi 20-34, phụ nữ đều được bác sĩ tư vấn nên sinh con.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) cũng cho biết, trứng giảm dần về chất lượng sau tuổi 33. Vì thế, chị em nên có đứa thứ 2 trước tuổi 33. Sau 33, 35 tuổi mới sinh con thì tỉ lệ con bất thường cao. Càng sinh con muộn thì càng dễ gặp bất thường về mặt di truyền, có thể dẫn đến sảy thai, lưu thai…
Vì thế, sau 35 tuổi chị em khi có bầu cần ăn uống tốt, theo dõi sát đề phòng sảy thai, thai lưu hoặc theo dõi sát xem con có dị tật gì không.
Theo bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Hà Nội), thời điểm lý tưởng để sinh con là từ 23 đến 35 tuổi. Từ lúc bắt đầu hành kinh, phụ nữ đã có thể thai. Nhưng thời điểm 23 tuổi là lúc cơ thể phụ nữ phát triển đầy đủ về mặt sinh lý, học hành đầy đủ, có thể tự nuôi sống mình.
Sau tuổi 35 phụ nữ thụ thai khó hơn, đẻ khó hơn, nguy cơ dị tật thai nhi cao vì thế trên 35, chị em nên lựa chọn đẻ tuyến tỉnh.
“Lựa chọn thời điểm nào sinh phụ thuộc hoàn cảnh của từng người. Hiện nay với sự phát triển của các biện pháp tránh thai các gia đình hoàn toàn có thể chủ động trong vấn đề kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, không nên sinh con quá sớm cũng không nên quá muộn sau 35 tuổi”, BS Dung nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030. Trong đó có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Mục đích nhằm nâng mức sinh tại những tỉnh, thành có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp hay nói cách khác là điều chỉnh chính sách từ khuyến khích giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con.
Địa phương có mức sinh cao tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con.
Nam Phương